Quý 1/2022: Lượng khách quốc tế “lội ngược dòng”, tăng trưởng trên 400%
Lượng hành khách quốc tế do các hãng hàng không Việt Nam khai thác chứng kiến cú “lội ngược dòng” ngoạn mức trong quý 1, với mức tăng 441% so với cùng kỳ...
Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản báo cáo Bộ Giao thông vận tải về tình hình khai thác vận tải hàng không nội địa và quốc tế.
NỘI ĐỊA PHỤC HỒI, HÚT 6,5 TRIỆU KHÁCH
Theo đó, đối với tình hình khai thác vận tải hàng không nội địa, Cục Hàng không Việt Nam thực hiện rà soát, đánh giá, tổng kết việc thực hiện các Hướng dẫn tạm thời về tổ chức các chuyến bay nội địa chở khách thường lệ đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Theo đó, các hãng hãng không Việt Nam được phép khai thác các chuyến bay với tần suất theo nhu cầu thị trường, năng lực của hãng hàng không và phù hợp với kết cấu hạ tầng cảng hàng không và kết cấu hạ tầng bảo đảm hoạt động bay, đồng thời, đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch theo quy định của Bộ Y tế.
"Dự kiến trong quý 1, vận chuyển hành khách nội địa của các hãng hàng không Việt Nam là 6,5 triệu khách, giảm 12,5% so với cùng kỳ 2021. Vận chuyển hàng hóa nội địa đạt 48,4 nghìn tấn, giảm 8,8% so với cùng kỳ 2021", Cục Hàng không Việt Nam nêu rõ.
Tính đến tháng 3/2022, thị trường nội địa có 6 hãng hàng không Việt Nam hiện đang khai thác trung bình từ 55-60 đường bay nội địa nối Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh với 19 sân bay địa phương theo hệ thống mạng đường bay trục-nan, liên vùng, nội vùng rộng khắp toàn quốc.
Trong quý 1, dự kiến sản lượng thông qua các cảng hàng không vận chuyển hành khách nội địa thông qua đạt 13 triệu khách, giảm 13,3% so với cùng kỳ 2021.
Vận chuyển hàng hóa nội địa thông qua đạt 98 nghìn tấn, giảm 5% so với cùng kỳ 2021.
Sau thời gian dài chờ cái “gật đầu” của các địa phương để mở lại đường bay nội địa, ngày 10/10/2021, đường bay nội địa chính thức nối lại sau nhiều tháng dài dừng bay. Như vậy, sau hơn 5 tháng khôi phục, dù sản lượng hành khách và hàng hoá vẫn suy giảm so với cùng kỳ nhưng không thể phủ nhận sự nỗ lực tối đa của các hãng hàng không Việt trong việc trở lại "đường băng", khôi phục hoàn toàn mạng bay nội địa.
HÀNH KHÁCH QUỐC TẾ "BÙNG NỔ", CHỜ ĐỢI 8 QUỐC GIA CHƯA NỐI LẠI ĐƯỜNG BAY
Đối với tình hình khai thác vận tải hàng không quốc tế, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống Covid-19, Bộ Y tế và Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng không Việt Nam chủ động đánh giá, tổ chức trao đổi với nhà chức trách hàng không các đối tác để kết nối lại các chuyến bay quốc tế chở khách thường lệ với các thị trường có đường bay trực tiếp đến Việt Nam thời điểm trước dịch Covid-19.
Ngoài 4 thị trường được triển khai khai thác thường lệ trong tháng 01/2022 gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Bắc (Trung Quốc), thì các đường bay đến 9 thị trường khác như Singapore, Thái Lan, Campuchia, Lào, Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Anh, Nga được khai thác với tần suất tăng dần theo lộ trình ngay trong tháng 2 và triển khai tới các hãng hàng không việc mở cửa hoàn toàn sau ngày 15/3.
Đối với đường bay đến Nga, Cục Hàng không Việt Nam báo cáo Bộ Giao thông vận tải về việc Vietnam Airlines tạm dừng khai thác đường bay đến Nga là lý do bất khả kháng để tránh các rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra.
Cục báo cáo Bộ Giao thông vận tải đề nghị có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải Nga cũng như đề nghị Bộ Ngoại giao thông báo các cơ quan liên quan của Nga về lý do Vietnam Airlines tạm dừng khai thác đường bay.
Đồng thời, Cục Hàng không có văn bản gửi nhà chức trách hàng không Nga để thông báo cụ thể về nội dung này và sẵn sàng cấp phép khai thác cho các hãng hàng không Nga khai thác đến Việt Nam khi có đề nghị.
Tính đến tháng 3, thị trường hàng không quốc tế có 23 hãng hãng không nước ngoài và Việt Nam gồm: Vietnam Airlines, Vietjet Air và Bamboo Airaways, khai thác đi/đến 20 quốc gia, vùng lãnh thổ.
So với giai đoạn năm 2019 trước dịch Covid-19, còn 8 quốc gia chưa mở lại các đường bay thường lệ đi, đến Việt Nam gồm Brunei, Ấn Độ, Indonesia, Myanma, Macao, Phần Lan, Ý, Thụy Sỹ.
Các hãng hàng không khai thác 67 đường bay đi/đến Việt Nam, chủ yếu là khai thác đi/đến 02 Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất.
So với giai đoạn năm 2019 trước dịch Covid-19, còn 8 quốc gia chưa mở lại các đường bay thường lệ đi, đến Việt Nam gồm Brunei, Ấn Độ, Indonesia, Myanma, Macao, Phần Lan, Ý, Thụy Sỹ. Trong số các thị trường đang khai thác, số khách vận chuyển giữa Việt Nam và Nhật Bản đạt cao nhất, lên tới 10,3 nghìn khách.
Giai đoạn sau mở cửa từ ngày 15-21/3, Singapore là hãng hàng không khai thác với tần suất lớn nhất 45 chuyến khứ hồi/tuần, tăng 2 chuyến so với tuần trước khi mở cửa du lịch và đạt 36% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong khi đó, số khách vận chuyển giữa Việt Nam và Nhật Bản cao nhất 10,3 nghìn khách trong số các quốc gia hiện đang khai thác, đạt 18,1%/tổng khách vận chuyển.
Dự kiến từ tháng 4/2022 sẽ có thêm các đường bay từ Singapore, Đài Loan và Hàn Quốc đến Đà Nẵng.
Dự kiến trong quý 1, lượng hành khách quốc tế thông qua các cảng hàng không đạt 321 nghìn khách, tăng 176,2% so với cùng kỳ 2021. Hàng hóa quốc tế thông qua đạt 292 nghìn tấn, tăng 21,1% so với cùng kỳ 2021.
Dự kiến vận chuyển của các hãng hàng không Việt Nam trong quý 1, vận chuyển hành khách quốc tế đạt 141,6 nghìn khách, tăng 441% so với cùng kỳ 2021. Vận chuyển hàng hóa quốc tế đạt 38 nghìn tấn, tăng 113,9% so với cùng kỳ 2021.
Các hãng bay đều kỳ vọng khi du lịch quốc tế mở cửa từ ngày 15/3, hàng không sẽ nhanh chóng phục hồi như trước dịch. Hoà chung không khí mở cửa du lịch rộn ràng, nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao của hành khách, các hãng hàng không đều tăng tần suất nhiều đường bay tới các địa
điểm du lịch trong nước và quốc tế và đồng loạt tung khuyến mại bay "sốc".
Dự kiến thị phần vận chuyển quốc tế của các hãng hàng không Việt Nam trong quý 1, vận chuyển hành khách đạt 44% trong khi vận chuyển hàng hóa chỉ đạt 13%.
Việc Chính phủ ban hành Nghị quyết số 32/NQ-CP ngày 15/3/2022 tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động vận tải hàng khách quốc tế được thông suốt và vận tải hàng khách nội địa được phục hồi, góp phần tăng sản lượng vận chuyển hành khách và hàng hóa quốc tế trong quý 1.
Tuy nhiên, ngành hàng không hiện gặp khó khăn do giá xăng dầu tăng cao. Điều này cũng tạo áp lực tăng chi phí cho các hãng hàng không khai thác vận chuyển hàng không.
Nhiều hãng hàng không cũng có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải và Thủ tướng Chính phủ "kêu cứu" khi giá nhiên liệu bay Jet-A1 có xu hướng tăng cao khoảng 37% so với mức trung bình năm 2021 trong khi chi phí nhiên liệu bay đối với hãng hàng không chiếm tỷ trọng lớn, hơn 30% trên tổng chi phí hoạt động khai thác.
Vì vậy, hai hãng hàng không Vietnam Airlines và Vietravel Airlines kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét điều chỉnh giảm mức thuế nhập khẩu đối với nhiên liệu hàng không xuống 0% so với mức 7% hiện nay.
Đồng thời, điều chỉnh giảm mạnh tay thuế bảo vệ môi trường với nhiên liêu bay, về mức 1.000 đồng/lít hoặc miễn 100%, áp dụng đến hết năm 2022. Bên cạnh đó, hỗ trợ giảm 50% giá dịch vụ ngành hàng không. Đối với các khung giá dịch vụ chuyên ngành hàng không, đề nghị hỗ trợ giảm 50% giá/phí cho đến hết năm 2022.