13:06 13/01/2025

Hạ lãi suất: Quan chức Fed khẳng định nên chờ thêm

An Huy

Một quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho rằng quyết định hạ lãi suất mà cơ quan này đưa ra vào tháng 12 là một động thái đầy rủi ro vì triển vọng kinh tế hiện nay đã khác nhiều so với khi Fed bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ cách đây 4 tháng...

Chủ tịch Fed chi nhánh St Louis, ông Alberto Musalem - Ảnh: WSJ.
Chủ tịch Fed chi nhánh St Louis, ông Alberto Musalem - Ảnh: WSJ.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn tờ báo Wall Street Journal, Chủ tịch Fed chi nhánh St Louis - ông Alberto Musalem - nói cho tới thời điểm diễn ra cuộc họp tháng 12 của Fed, khả năng lạm phát ở Mỹ mắc kẹt trong khoảng 2,5-3% đã tăng lên. Vì vậy, ông cho rằng sự thận trọng là cần thiết khi Fed đưa ra quyết định về các đợt giảm lãi suất tiếp theo.

Trước đây, ông Musalem ủng hộ việc Fed giảm lãi suất mạnh tay - với mức giảm 0,5 điểm phần trăm - khi bắt đầu nới lỏng vào tháng 9. Nhưng “kể từ tháng 9, bức tranh đã thay đổi”, ông nói với Wall Street Journal. “Các số liệu liệu kinh tế được đưa ra đều mạnh hơn, và lạm phát cao hơn mong đợi. Vì vậy tôi đã thay đổi đánh giá rủi ro của mình”, ông giải thích về sự thay đổi lập trường của mình.

Trong tương lai, việc giảm lãi suất “phải diễn ra từ từ, chậm hơn những gì tôi đã nghĩ vào tháng 9,” ông nói.

QUAN ĐIỂM "CHỜ XEM"

Ông Musalem - một nhà kinh tế học đã dành phần lớn sự nghiệp của mình trong lĩnh vực tài chính - gia nhập Fed vào tháng 4 năm ngoái và sẽ đến lượt trở thành một người có quyền bỏ phiếu về chính sách tiền tệ trong năm nay. Ông tiết lộ rằng trong dự báo lãi suất “dot-plot” cập nhật của Fed trong cuộc họp tháng 12 vừa qua, ông kỳ vọng Fed sẽ có 2 lần giảm lãi suất trong năm nay, phù hợp với mức dự báo trung vị của các quan chức Fed.

Trong số những vấn đề hóc búa mà ông Musalem và các đồng nghiệp của ông phải đối mặt trong năm nay là xác định mức lãi suất trung tính - một mức lãi suất không tạo ra hiệu ứng thúc đẩy hay làm chậm tăng trưởng. Đây chưa phải là một vấn đề nóng của Fed trong phần lớn thời gian của năm ngoái, vì khi đó, Fed còn mải giữ lãi suất ở mức cao nhất trong hơn 2 thập kỷ để khống chế sự leo thang của giá cả.

Với lạm phát xuống thang và mối lo ngại gia tăng về một thị trường lao động suy yếu vào mùa hè 2024, Fed bắt đầu hạ lãi suất vào tháng 9. Trong 3 cuộc họp cuối cùng của năm 2024, lần nào Fed cũng giảm lãi suất, với tổng mức giảm của 3 lần là tròn 1 điểm phần trăm. Gần đây, các quan chức Fed đã phát tín hiệu mạnh mẽ rằng họ có có ý định giữ lãi suất ổn định tại cuộc họp tiếp theo, dự kiến ​​diễn ra vào ngày 28-29/1 tới.

Ông Musalem nhận định thị trường việc làm của Mỹ đang ở trạng thái tốt và cần được theo dõi cẩn thận, nhưng cho rằng Fed vẫn cần chú trọng nhiệm vụ chống lạm phát. Ông cho biết ước tính của ông về lãi suất trung lập cao hơn một chút so với hầu hết các đồng nghiệp trong Fed nên theo quan điểm của ông, mức lãi suất hiện tại có thể ít thắt chặt hơn so với mức cần thiết.

Theo nhà hoạch định chính sách tiền tệ này, còn quá sớm để xác định Fed cần điều chỉnh lập trường chính sách tiền tệ như thế nào nếu chính quyền Trump 2.0 thực thi việc áp thuế quan trên diện rộng - chính sách có thể khiến giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng ở Mỹ tăng cao. Ông Musalem nói cách “phản ứng kiểu sách giáo khoa” là Fed không thay đổi triển vọng chính sách nếu sự gia tăng của giá cả chỉ diễn ra một lần. Nhưng hiện vẫn chưa ai dám chắc thuế quan sẽ được triển khai như thế nào.

“Đây sẽ là việc ‘làm một lần rồi thôi’ hay trong vòng 2 năm, một loạt thuế quan nối tiếp nhau sẽ được áp dụng vào nhiều lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế? Nếu việc triển khai thuế quan kéo dài hơn 2 năm theo kiểu tăng dần hàng tháng hoặc hai tháng một lần, thì việc phân tích sẽ khó hơn”, ông nói.

Các quan chức Fed hiện đang lo ngại vì họ tin rằng kỳ vọng của người tiêu dùng và doanh nghiệp về lạm phát trong tương lai có thể dẫn tới một vòng xoáy tự mạnh lên của lạm phát trên thực tế. Sau khoảng thời gian mấy năm lạm phát cao do ảnh hưởng của đại dịch, lãi suất thấp và các biện pháp kích thích kinh tế bằng chính sách tài khóa, hiện rất khó để dự báo một đợt tăng giá cả mới sẽ có ảnh hưởng như thế nào đến kỳ vọng lạm phát.

“Đây là một nền kinh tế có quy mô 30 nghìn tỷ USD và rất phức tạp, chứ không phải là một cuốn sách giáo khoa”, ông Musalem nói. “Chúng tôi sẽ phải chờ xem những chính sách gì sẽ được thực hiện, thực hiện như thế nào, quy mô ra sao, thời lượng là bao nhiêu, và tương tác với các quốc gia khác là như thế nào”.

YẾU TỐ LỢI SUẤT THỰC VÀ PHẦN BÙ RỦI RO

Lãi suất dài hạn trong nền kinh tế Mỹ đã tăng đáng kể từ sau đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên của Fed, với lãi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm gần đây tăng lên gần mức cao nhất trong 1 năm.  Tuy nhiên, ông Musalem cho rằng các điều kiện tài chính - bao gồm chi phí đi vay và giá tài sản - vẫn đang ở trong trạng thái hỗ trợ hoạt động kinh tế.

Ông Musalem nhận định lãi suất dài hạn tăng lên trong 4 tháng qua - bất chấp việc Fed hạ lãi suất -  chủ yếu phản ánh sự gia tăng của lợi suất “thực”, tức là lợi suất được điều chỉnh theo lạm phát. Điều này có nghĩa là lãi suất dài hạn tăng như vậy không phản ánh kỳ vọng của các nhà đầu tư về lạm phát cao hơn trong tương lai.

“Nói như vậy không phải là kỳ vọng lạm phát không tăng lên một chút. Kỳ vọng lạm phát có tăng, nhưng tôi nghĩ 70% biến động này liên quan đến lợi suất thực”, ông Musalem nói. Về phần mình, lợi suất thực tăng chủ yếu phản ánh sự gia tăng của “phần bù kỳ hạn” - phần lợi tức trội thêm mà các nhà đầu tư yêu cầu để bù đắp rủi ro khi mua trái phiếu có kỳ hạn dài hơn, ông Musalem nói.

Theo ông Musalem, việc lãi suất dài hạn tăng lên đã diễn ra theo hai giai đoạn. Ở giai đoạn thứ nhất, đợt cắt giảm lãi suất mạnh tay của Fed tháng 9 và các dữ liệu kinh tế công bố sau đó đã làm dập tắt nỗi lo trên thị trường tài chính về một cuộc suy thoái kinh tế. Và ở giai đoạn thứ hai, kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tiếp tục đóng góp vào đà tăng của lãi suất dài hạn vì khiến nhà đầu tư thay đổi quan điểm về triển vọng tăng trưởng kinh tế trong dài hạn. Lợi suất thực cao hơn có thể phản ánh một bức tranh kinh tế khả quan hơn, hoặc mức độ bấp bênh cao hơn về tương lai.

“Sự diễn giải ở đây có thể là: ‘Tương lai đang bấp bênh hơn, và nhà đầu tư chúng tôi cần thêm phần bù rủi ro cho điều đó’”, ông Musalem nhấn mạnh.