11:33 28/05/2007

Hà Nội: Săn hàng hiệu ở đâu?

Với dân chơi hàng hiệu, hàng trước hết phải là … chính hiệu và không đụng, do đó hàng càng khó kiếm càng hay, càng khó mua càng thích

Khá nhiều dân chơi đang khấp khởi mừng vì trong trung tâm thành phố đang nở rộ thương hiệu lớn.
Khá nhiều dân chơi đang khấp khởi mừng vì trong trung tâm thành phố đang nở rộ thương hiệu lớn.
Chỉ khoảng 3 năm trước, hàng hiệu ở Hà Nội khá hiếm hoi, tập trung bán ở những tiệm bán lẻ do có nguồn hàng xách tay.

Nhưng giới dân sành cho biết, đó là những hàng trôi nổi từ chính quốc, hoặc hàng đề mốt bán giảm giá... Vậy nên dù chất lượng tốt nhưng hàng hiệu này không còn nhiều giá trị thời trang.

Khi làn sóng hàng nhái của Trung Quốc và những mẫu mã thời trang Hàn Quốc, Hồng Kông xâm lấn, thị dân không còn chuộng. Với hàng nhái loại 1 của Trung Quốc, mẫu mã kiểu dáng cập nhật, rất khó phân biệt với hàng xịn nếu không phải là người sành.

Chính ngay tại Hà Nội, nhiều cửa hàng đã chuyên nhập loại hàng này, bán giá cao hơn hẳn hàng phổ thông để phục vụ một số lớn người có thu nhập cao và không quá cầu kỳ hàng chính hãng.

Tuy nhiên, yêu cầu lớn nhất của người xài hàng hiệu trước hết là phải... chính hiệu, sau đó là kiểu dáng thời trang, chất lượng tốt và... không đụng hàng. Bởi thế, càng khó kiếm càng hay, càng khó mua càng thích...

Louis Vuitton vào Hà Nội sớm nhất, tại khách sạn Metropole trên phố Ngô Quyền. Hàng hiệu này thuộc diện đắt đỏ do mẫu mã luôn thay đổi và sản xuất số lượng hạn chế. Tại các khách sạn lớn ở Hà Nội đều có những cửa hàng bán thời trang nhập ngoại với các thương hiệu lớn. Nhãn hiệu Furla cũng mới xuất hiện tại khách sạn Hilton trên phố Lê Thánh Tông...

Vì kinh doanh tại các địa điểm trung tâm và sang trọng nên các cửa hàng này không tấp nập như các nơi bán quần áo khác mà chủ yếu bán cho khách du lịch và giới thượng lưu.

Tuy vậy, vắng không có nghĩa là không phát triển, Hà Nội ngày càng nhiều các cao ốc, trung tâm thương mại và khách sạn sang trọng. Bởi thế kinh doanh thời trang hàng hiệu xịn bắt đầu sôi động.

Năm trước, Luxury Mall (số 1 Đào Duy Anh) khai trương, tập trung khá nhiều nhãn hiệu thời trang danh tiếng như D&G, Just Carvalli, Versace, Armani... Tràng Tiền Plaza và Vincom Towers khai trương, cũng là một nơi các thương hiệu thế giới đặt cửa hàng... Tại đây có thêm nhãn hiệu United colors of Benetton, Lascote...

Tại các trung tâm thương mại này, số lượng người ngắm rất đông nhưng số lượng người mua chưa nhiều vì cửa hàng bị lẫn trong nhiều các nhãn hiệu tầm tầm nội địa, quả thực khó hấp dẫn dân chơi như Luxury Mall.

Tuy nhiên, chính Luxury Mall lại vắng vẻ và im ắng bởi mặt tiền của toà nhà vẫn chưa được giải toả. Công trường cầu vượt trước mặt khiến khu vực này luộm thuộm và nhếch nhác. Trong khi đó một nhãn hiệu tầm tầm tiền hơn là Esprit lại chễm chệ hai mặt tiền tầng trệt building tại quảng trường Cách mạng tháng Tám!

Khá nhiều dân chơi đang khấp khởi mừng vì trong trung tâm thành phố đang nở rộ thương hiệu lớn. Mango sau vài năm kinh doanh thành công ở Tp.HCM cũng đã có cửa hàng tại phố Lý Thường Kiệt.

Đối diện Nhà hát Lớn, Berberry trưng biển “Coming soon”, ngay dưới quán cà phê sang trọng My Ways. Ngay khi toà nhà Pacific tại phố Lý Thường Kiệt chưa khánh thành, Lascote cũng trưng biển “Coming soon” hết mặt tiền báo hiệu một cửa hàng lớn tại đây, nơi được dự đoán là một trung tâm mua sắm thượng lưu cho cư dân của riêng “khu tập thể thượng lưu” này.

Trong khi đó, tại khách sạn Sofitel Metropole đang hình thành một Shopping Acard mới. Cartier xuất hiện ngay bên cạnh Louis Vuitton, Mont Blance và Chopard...

Ai cũng đang thấy tốc độ thay đổi diện mạo của thành phố, cũng như diện mạo của người dân thủ đô... Giới sành hàng hiệu bắn tin, sẽ còn nhiều hàng hiệu nữa rồng rắn vào Hà Nội. Đồng thời sắp có cuộc chiến giữa hàng hiệu và hàng nhái. Cuộc chiến này hiệu quả, hàng hiệu sẽ có nhiều hơn những gì đã đến. Săn hàng hiệu, ở đâu, có lẽ không còn quá khó trả lời.