18:51 16/03/2024

Hiệp hội bất động sản nghiên cứu tạo lập thị trường nhà ở vừa túi tiền

Theo nghiên cứu của Hiệp hội bất động sản Việt Nam, căn hộ bình dân như cách hiểu thông thường (có mức giá thoàn thiện cơ bản dưới 1.000 USD/m2, tương đương 1,6 tỷ đồng/căn) đã gần như "tuyệt chủng" ở Hà Nội và TP.HCM. Thực tế, "chuẩn" giá nhà bình dân tại 2 thành phố này đã nâng lên mức 2 - 2,4 tỷ đồng/căn. Điều đó cho thấy nhà ở vừa túi tiền là vấn đề nóng bỏng mà Việt Nam cần phải giải quyết...

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Trong khuôn khổ sự kiện thường niên “Diễn đàn Bất động sản Mùa Xuân lần thứ IV và Lễ Vinh danh thương hiệu Bất động sản dẫn đầu năm 2023 – 2024”, ngày 15/3, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã công bố triển khai đề tài nghiên cứu khoa học và hội thảo khoa học: “Tạo lập thị trường nhà ở thương mại vừa túi tiền: Kinh nghiệm quốc tế và đề xuất chính sách cho Việt Nam”. Thời gian thực hiện đề tài là quý 1/2024 - quý 4/2024. Thời gian tổ chức hội thảo vào tháng 10/2024 (trong khuôn khổ Diễn đàn Bất động sản Mùa Thu).

 CĂN HỘ BÌNH DÂN LÀ Ở MỨC GIÁ  2 – 2,4 TỶ ĐỒNG/CĂN

Đề tài này sẽ do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam và Trường Đại học Luật Hà Nội là đơn vị chủ trì; LS.TS. Đoàn Văn Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn CEO đảm nhận vai trò chủ nhiệm đề tài và Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam là đơn vị thực hiện.

Đề tài nghiên cứu khoa học và hội thảo khoa học quốc tế có sự tham gia, tư vấn, phản biện từ các chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực bất động sản, kinh tế, tài chính, luật, thống kê, báo chí… trong và ngoài nước. Qua đó, hướng tới mục tiêu nghiên cứu, khảo sát cơ sở lý luận và thực tiễn về thị trường nhà ở thương mại vừa túi tiền trên thế giới; đánh giá nhu cầu, tiềm năng, cơ hội, thách thức của thị trường nhà ở thương mại vừa túi tiền Việt Nam; đề xuất mô hình, cơ chế, chính sách để phát triển thị trường nhà ở thương mại vừa túi tiền ở Việt Nam.

Cũng trong khuôn khổ Diễn đàn Bất động sản Mùa Xuân lần thứ IV, LS. TS. Đoàn Văn Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn CEO đã có phần trình bày tham luận "Phát triển nhà ở thương mại vừa túi tiền: Kinh nghiệm quốc tế và gợi mở chính sách cho Việt Nam".

Theo ông Bình, sau 2 năm đại dịch Covid-19 với những "sóng gió" của thị trường, thế giới đã phải trải qua những khó khăn nhất định. Hai yếu tố lạm phát tăng và thu nhập giảm mạnh cùng những đặc thù của các quốc gia về nhà ở thì hầu hết các quốc gia trên thế giới đều khủng hoảng nhà ở. 

Về quan điểm nhà ở vừa túi tiền, LS.TS. Đoàn Văn Bình cho rằng cần tách bạch nhà ở vừa túi tiền là nhà ở thương mại. Còn nhà ở xã hội thì Việt Nam đã ban hành chính sách riêng. 

Tại Việt Nam, thị trường đều đang hiểu nhà ở vừa túi tiền là nhà ở thương mại có tổng giá trị tài sản được chi trả bằng thu nhập tích lũy trong khoảng 7 năm của một hộ gia đình; Là nhà phân khúc hạng C với mức giá cho căn hộ hoàn thiện cơ bản là dưới 1.000 USD/m2, nghĩa là căn hộ 2 phòng ngủ 65m2 có giá khoảng 65.000 USD tương đương 1,6 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Hiệp hội bất động sản Việt Nam, thực tế là căn hộ chung cư với mức giá này gần như đã "tuyệt chủng" ở Hà Nội và TP.HCM. Hiện "chuẩn" giá nhà bình dân tại 2 thành phố này đã nâng lên 20 - 30%, ở mức 2 - 2,4 tỷ đồng/căn. Điều đó phản ánh nhà ở vừa túi tiền là vấn đề nóng bỏng mà Việt Nam cần phải giải quyết.

Hiệp hội bất động sản nghiên cứu tạo lập thị trường nhà ở vừa túi tiền - Ảnh 1

Lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng đã chỉ ra một số kinh nghiệm phát triển nhà ở vừa túi tiền của một số quốc gia trên thế giới, cho thấy ngay cả những nước trọng kinh tế thị trường thì cũng có thể can thiệp các mệnh lệnh hành chính vào để điều tiết nhà ở vừa túi tiền cho người dân. Ví như Đối với Trung Quốc, Chính phủ Trung Quốc đã bổ sung khoảng 6,5 triệu căn nhà ở mới cho thuê thu nhập thấp ở 40 thành phố chính đến năm 2025. Và gần đây nhất, Chính phủ Trung Quốc đang đưa ra 17 giải pháp tài chính và phi tài chính để giải quyết vấn đề này. Trong đó, Chính phủ chỉ đạo các ngân hàng nắn dòng chảy tài chính cho nhà ở vừa túi tiền.

Trong khối OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế), có 11 nước đang được Nhà nước hỗ trợ vốn, 9 nước cung cấp thuế ưu đãi, 10 nước tài trợ không hoàn lại và 5 nước được trợ cấp đất. Các giải pháp được các nước trong khối OECD đưa ra là cho phép tăng mật độ xây dựng hỗ trợ chi phí xây dựng tái thanh toán thế chấp hoặc đặt cọc tiền thuê. Cùng với đó là những giải pháp khác như: quy định giá thuê ổn định trong thời gian tối thiểu; bảo lãnh, mua các căn nhà hình thành trong tương lai, giải pháp hỗ trợ thẳng cho người mua…

NẾU THẢ NỔI THEO CƠ CHẾ THỊ TRƯỜNG THÌ KHÓ CÓ NHÀ Ở VỪA TÚI TIỀN

“Như vậy, phát triển nhà ở vừa túi tiền trên thế giới ngày càng được quan tâm mạnh mẽ từ Chính phủ các nước. Nếu để “bàn tay vô hình” của cơ chế thị trường thì sẽ rất khó có được nhà ở vừa túi tiền cho người dân. Thời gian qua, giá nhà tăng liên tục chính là minh chứng. Vì vậy, Nhà nước cũng nên trực tiếp tham gia tạo lập nhà ở vừa túi tiền, nhà ở xã hội cho thuê để dẫn dắt, điều tiết thị trường trong một giai đoạn nhất định”, TS. LS. Đoàn Văn Bình nhận định.

LS.TS. Đoàn Văn Bình trình bày tham luận tại Diễn đàn
LS.TS. Đoàn Văn Bình trình bày tham luận tại Diễn đàn

Từ những nghiên cứu trên, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam đã gợi mở những nhóm giải pháp cho Việt Nam để phát triển nhà ở vừa túi tiền.

Nhóm giải pháp thứ nhất là hoàn thiện chính sách, pháp luật: Đưa ra khái niệm và ban hành tiêu chí xác định nhà ở vừa túi tiềnĐồng bộ các quy định về nhà ở vừa túi tiền trong hệ thống pháp luật, chú trọng xây dựng chính sách khuyến khích phát triển nhà ở vừa túi tiềnCó chính sách, cơ chế tặng điểm thưởng và tích lũy điểm thưởng cho các chủ đầu tư tạo lập nhà ở vừa túi tiền khi lựa chọn nhà đầu tư làm dự án nhà ở thương mại phân khúc cao hơn; Tham khảo kinh nghiệm ban hành chính sách khống chế giá trần nhà ở vừa túi tiền bao gồm cả giá bán và giá thuê nhà.

Nhóm giải pháp thứ hai là hoàn thiện tiêu chuẩn, quy chuẩn: Cần xây dựng và ban hành hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình, công nghệ mới cho nhà ở vừa túi tiền; Ban hành thiết kế mẫu cho nhà ở vừa túi tiền… Qua đó, góp phần giảm chi phí đầu tư xây dựng nhằm hạ giá nhà.

Nhóm giải pháp thứ ba là đổi mới công tác quy hoạch: Chú trọng quy hoạch và phát triển quỹ đất cho phát triển nhà ở vừa túi tiền; Quy hoạch tăng mật độ xây dựng trong các dự án nhà ở cao tầng; Tính toán tỷ trọng cơ cấu nhà ở vừa túi tiền trong tổng thể kế hoạch phát triển nhà ở theo năm/giai đoạn; Quy định cụ thể tỷ lệ nhà ở vừa túi tiền trong các khu đô thị; Chú trọng việc quy hoạch nhà ở vừa túi tiền gần các đấu mối giao thông và đầy đủ hạ tầng xã hội; Khuyến khích chuyển đổi không gian thương mại thành nhà ở vừa túi tiền.

Nhóm giải pháp thứ tư là áp dụng giải pháp về tài chính và thuế. Cụ thể, sử dụng công cụ thuế để điều tiết các phân khúc nhà ở cao cấp, hạn chế đầu cơ, hướng thị trường đến nhà ở vừa túi tiền có nhu cầu thực, thêm nguồn lực tài chính phát triển nhà ở vừa túi tiền; Xây dựng các chính sách ưu đãi về thuế, phí đối với chủ đầu tư và người mua, thuê nhà ở vừa túi tiền; Khuyến khích đầu tư nước ngoài vào nhà ở vừa túi tiền; Nghiên cứu triển khai Quỹ tiết kiệm nhà ở, quỹ tín thác bất động sản; Tăng cường hợp tác công - tư trong phát triển nhà ở vừa túi tiền.

Nhóm giải pháp thứ năm là hướng tới cải cách thủ tục hành chính. Trong đó, đơn giản hóa hệ thống các thủ tục hành chính; Ứng dụng công nghệ, tăng cường phân cấp, ủy quyền để giảm thiểu gánh nặng về thời gian, chi phí thủ tục cho doanh nghiệp; Rút ngắn thời gian cấp phép đối với các dự án nhà ở thương mại vừa túi tiền, miễn cấp phép trong các trường hợp nhất định trong khu đô thị có công năng hỗn hợp...