Hình thành sàn giao dịch thịt heo: Người tiêu dùng sẽ được hưởng sản phẩm sạch
Mỗi ngày TP.HCM tiêu thụ 10.000 con heo, do đó, khi sàn giao dịch thịt heo được hình thành thì hàng hóa đưa vào thành phố đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm tốt hơn…
Chiều 14/8/2023, Sở Công Thương TP.HCM phối hợp các sở, ngành, đơn vị liên quan tổ chức Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác xây dựng chương trình “1.000 câu chuyện sản phẩm OCOP”, “Thương hiệu nông sản Cần Giờ” và “Sàn giao dịch thịt heo TP.HCM”.
Theo ông Nguyễn Hữu Hoài Phú, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông Thôn TP.HCM, sản phẩm nông nghiệp nói chung, nếu không tham gia chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm) không thể đi xa hơn ngoài chợ truyền thống hay vươn ra khỏi TP.HCM. Chẳng hạn, rau má Củ Chi đã xuất khẩu được 19 quốc gia nhờ tham gia chương trình OCOP.
Theo ông Phú, thời điểm này TP.HCM có 66 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, vẫn còn khiêm tốn so với các tỉnh thành. Dự kiến đến cuối năm nay TP.HCM sẽ phấn đấu đạt 170 sản phẩm OCOP.
Đối với sàn giao dịch thịt heo, ông Phú cho biết, nếu một người dân TP.HCM tiêu thụ 100/gram/ngày thì mỗi ngày TP.HCM tiêu thụ 10.000 con heo, 400-500 con bò, 125.000 con gia cầm...
Hiện nay, TP.HCM có 50 cơ sở giết mổ công nghiệp, chỉ cung cấp cho thành phố 5.500 con heo/ngày. Đây là lượng heo được kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc, an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên, còn 4.500 con heo/ngày từ các nguồn khác đưa về tiêu thụ tại TP.HCM và chưa được kiểm soát chặt chẽ. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM đã làm việc với các tỉnh Tây Ninh, Đồng Nai, Long An… nhưng cũng chỉ giải quyết được 1.500 con heo đã kiểm dịch cho TP.HCM. Vẫn còn 3.000 con heo chưa kiểm dịch. Thời gian tới, thành phố sẽ kết nối để giám sắt chặt chẽ thịt heo chuyển vào tiêu thụ TP.HCM.
Do đó, cần hình thành sàn giao dịch thịt heo để kiểm soát chất lượng và điều quan trọng nhất là người tiêu dùng được hưởng sản phẩm chất lượng và an toàn thực phẩm.
Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM, sàn giao dịch thịt heo hình thành là giải pháp hữu hiệu giúp TP.HCM quản lý nguồn thực phẩm từ các tỉnh, chuẩn hóa được đầu vào. Nghĩa là doanh nghiệp muốn kinh doanh heo trên sàn giao dịch phải có truy xuất nguồn gốc, heo phải được giết mổ công nghiệp…
“Khi thành phố định hướng như vậy, các tỉnh thành cũng tính toán đầu tư các cơ sở giết mổ công nghiệp, để hàng hóa đưa vào TP.HCM đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm tốt hơn”, ông Phương nói.
Thông tin về việc nghiên cứu xây dựng “Sàn giao dịch thịt heo TP.HCM”, ông Nguyễn Đức Dũng, Phó Tổng giám đốc, Sàn giao dịch hàng hóa Việt Nam, cho biết sàn sẽ vận hành theo hình thức Hợp đồng giao dịch giao ngay và Hợp đồng giao dịch kỳ hạn đối với sản phẩm thịt heo.
Việc thành lập và phát triển “Sàn giao dịch thịt heo” trên cơ sở hạ tầng của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam, bao gồm nhưng không giới hạn: Hệ thống giao dịch; Hệ thống thanh toán; Trung tâm thanh toán bù trừ; Trung tâm giao nhận hàng hóa; Cung cấp thông tin thị trường; Giao dịch các loại hợp đồng theo tiêu chuẩn quốc tế.
Theo đó, mặt hàng heo hơi sẽ được giao dịch theo phương thức hiện đại, thông minh, đảm bảo công bằng và minh bạch; giảm chi phí trung gian, góp phần ổn định nguồn cung ứng mặt hàng thịt heo và giá cả hợp lý cho người tiêu dùng, hướng tới mục tiêu xuất khẩu, qua đó góp phần thực hiện hiệu quả chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn TP.HCM.