16:31 05/02/2007

Hội nhập, nhìn từ cộng đồng người Việt ở Mỹ

Về cả ba mặt lịch sử, văn hoá và hoàn cảnh đương thời, người Việt có một số ưu điểm ngay từ khi bước chân tới đất Mỹ

Một cửa hàng của người Việt ở Mỹ.
Một cửa hàng của người Việt ở Mỹ.
Về cả ba mặt lịch sử, văn hoá và hoàn cảnh đương thời, người Việt có một số ưu điểm ngay từ khi bước chân tới đất Mỹ.

Khi sang Mỹ, với một chế độ đại học cởi mở, nhiều thanh niên Việt như cá gặp nước, đã tận dụng các cơ hội này.

Hoàn cảnh lịch sử ở Mỹ cũng có một số thuận tiện: sau những thập niên tranh đấu của người da đen, tất cả các sắc dân da màu đều được đối xử bình đẳng hơn từ học vấn đến nhà ở, từ công ăn việc làm đến quyền tự do lập gia đình với người khác chủng tộc.

Và nhất là quyền bình đẳng giữa hai phái nam và nữ. Do đó, người Việt tại Mỹ cũng đã thành công về nhiều lĩnh vực, và đặc biệt phụ nữ Việt ở Mỹ đã tiến rất xa.

Cho tới nay, nếu chỉ nhìn vào những thành quả cá nhân, thì người Việt ở Mỹ đã thành công vượt bậc. Về kinh tế, ta đã có nhiều, chứ không phải một, tỉ phú, và bao nhiêu công ty lớn nhỏ tạo nên công ăn việc làm cũng như tài sản cho hàng chục ngàn người.

Về chuyên môn, con số kỹ sư, luật sư, bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ, giáo sư, giáo sĩ, kiến trúc sư, v.v… cho tới những ngành chuyên môn khác như đầu bếp, thiết kế, du lịch, địa ốc, v.v.. có người đã ước lượng khoảng từ 50.000 tới 100.000.

Đã có cả phi hành gia người gốc Việt, một phụ tá tổng trưởng tư pháp liên bang, một kỹ sư vẽ lại chiếc xe Mustang mà thế hệ trước từng mơ ước, nhiều nhà văn có tiếng tăm, nhiều nhà báo có tên tuổi, nhiều đạo diễn từng đoạt giải thưởng, và cũng phải hơn 20 người đã được bầu vào các chức vụ dân cử.

Nhưng phần lớn, đây là những thành quả cá nhân, chứ chưa phải là những thành quả của cả cộng đồng.

So với những cộng đồng da màu khác ở Mỹ, và nhất là so với các cộng đồng Á châu khác, người Việt mình còn phải đi một đoạn đường dài thì mới hòng bắt kịp họ.

Ba mươi năm rồi, mặc dù với quyền tự do báo chí được cả hiến pháp Mỹ lẫn ngành tư pháp bảo đảm, làng báo tiếng Việt tại Mỹ vẫn còn rất e dè, nếu không muốn nói thẳng là sợ sệt, khi viết tới những thay đổi tích cực ở trong nước hoặc những tư tưởng hoà giải trong cộng đồng ở Mỹ.

Quan trọng hơn cả có lẽ là cái “văn hoá truyền thống” mà đôi khi chúng ta đặt nặng hình thức hơn nội dung. Thay đổi nề nếp gia đình, quan niệm về vai trò phụ nữ... sao cho giữ được truyền thống mà thích nghi được với một thế giới đã thay đổi nhiều, và còn chuyển hướng nhiều hơn nữa; và mỗi người Việt Nam, mỗi gia đình Việt Nam ở Mỹ cũng phải thay đổi với thời cuộc, chứ không thể chỉ lặp lại những lời dạy từ xa xưa.

Yếu điểm lớn thứ hai của người Việt, trong cũng như ngoài nước, là chúng ta còn thiếu nhiều về tinh thần cộng đồng.

Riêng ở Mỹ, người Việt còn thua xa người Hoa, người Đại Hàn, người Thái hoặc người Phi ở một điểm quan trọng: những người nước khác, khi tìm được việc gì tốt ở một cơ quan, công sở, nhà thương, hay nhà trường nào, họ thường giúp những người đồng hương vào làm chung. Người Việt ta thường hay làm ngược lại: không muốn người Việt khác cũng có cơ hội tốt như mình; hoặc nếu có giúp ai thì cũng thường giúp người cùng bè phái chứ ít khi giúp vì họ là người Việt.

Và chúng ta luôn sẵn sàng xuyên tạc, chê bai nhau, đôi khi còn vu oan cho người khác để hạ người đồng hương xuống, chứ ít khi nâng đỡ nhau, nói tốt cho nhau, để tất cả cùng vẻ vang lây. Hiện nay ở Mỹ vẫn còn một số đồng bào còn kêu gọi tẩy chay hàng nhập từ Việt Nam, vẫn còn những người chống đối các chương trình giáo dục đưa học sinh về Việt Nam học hỏi, thậm chí còn “chụp mũ” những ai muốn cho đất nước giàu mạnh là “Việt cộng” hoặc “đón gió trở cờ”.

Điểm yếu thứ ba cũng liên quan đến chủ nghĩa cá nhân này: không có được một tầm nhìn chiến lược, có lợi cho cả cộng đồng chứ không chỉ riêng một người, một nhóm.