19:23 05/10/2023

Hơn 50 doanh nghiệp trong 9 lĩnh vực tham gia Tháng Tiêu dùng số năm 2023

Phạm Vinh

Các doanh nghiệp triển khai chính sách ưu đãi tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ số và đăng tải, thông báo công khai trên các trang/cổng thông tin điện tử, apps để người dân biết, sử dụng…

Hơn 50 doanh nghiệp trong 9 lĩnh vực tham gia Tháng Tiêu dùng số năm 2023. (Ảnh minh họa).
Hơn 50 doanh nghiệp trong 9 lĩnh vực tham gia Tháng Tiêu dùng số năm 2023. (Ảnh minh họa).

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, tháng Tiêu dùng số năm 2023 diễn ra từ ngày 1 đến 31/10, cao điểm trong 10 ngày, từ 1 đến 10/10. Đến nay, tháng 10 - Tháng Tiêu dùng số năm 2023 đã thu hút hơn 50 doanh nghiệp trong 9 lĩnh vực tham gia.

Trong thời gian này, các doanh nghiệp triển khai các chính sách ưu đãi tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ số và đăng tải, thông báo công khai trên các trang/cổng thông tin điện tử, các ứng dụng (apps) của doanh nghiệp để người dân biết, sử dụng.

Các hoạt động cụ thể hưởng ứng tháng Tiêu dùng số bao gồm: Chính quyền nỗ lực cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến; Doanh nghiệp nỗ lực đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh lên môi trường số; Xây dựng nền tảng số phục vụ người dân; Cung cấp sản phẩm, dịch vụ số phục vụ nhu cầu xã hội.

Ngoài ra, còn có những chính sách ưu đãi thúc đẩy người dân sử dụng sản phẩm, dịch vụ số; Tổ công nghệ số cộng đồng nỗ lực “đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người” kỹ năng sử dụng các dịch vụ trực tuyến, mua sắm trực tuyến, thanh toán trực tuyến và tự bảo vệ mình trước những nguy cơ, rủi ro trên môi trường số; Người dân thụ hưởng những chính sách ưu đãi khi sử dụng sản phẩm, dịch vụ số…

Đặc biệt, có nhiều chương trình ưu đãi đã được doanh nghiệp triển khai hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia từ sớm, trước tháng 10/2023 và có các chương trình ưu đãi kéo dài dư âm của Ngày Chuyển đổi số quốc gia đến sau tháng 10/2023.

Hoạt động này nằm trong chuỗi hoạt động của tháng hành động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi quốc gia (10/10). Trong năm thứ hai được tổ chức (2023), Ngày Chuyển đổi số quốc gia có chủ đề "Khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị".

‎Trước đó, tại Quyết định số 505/QĐ-TTg ngày 22/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Chuyển đổi số quốc gia, đã quyết định lấy ngày 10/10 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia. Chủ đề của Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2023 là “Khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị”.

Năm 2023 là Năm Dữ liệu số quốc gia với quan điểm dữ liệu là tài nguyên quý của quốc gia. Ngày 10/10 hằng năm sẽ là ngày để đánh giá, nhìn nhận và đẩy nhanh các hành động với một tầm nhìn 2030, Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới. Các hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2023 sẽ tập trung vào thúc đẩy, phát triển, kết nối, khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị mới trong các hoạt động của cơ quan nhà nước, trong xã hội.

XU HƯỚNG MUA SẮM TẾT 2024

Tại Hội thảo về những biến động thị trường và cơ hội kinh doanh mùa cuối năm do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức sáng 4/10, Kantar Việt Nam dự báo, người tiêu dùng có thể sẽ không cắt chi tiêu cho cho những mặt hàng thiết yếu và quà tặng Tết. Tuy nhiên, sẽ có xu hướng tìm kiếm các sản phẩm ở phân khúc thấp hơn hoặc nhiều khuyến mại hơn.

Theo đại diện Kantar, kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã có dấu hiệu phục hồi trong quý III/2023, tuy nhiên chỉ số giá tiêu dùng có xu hướng tăng trở lại và đây có thể là rào cản đối với tăng trưởng.

Bà Nguyễn Phương Nga, Giám đốc Phát triển kinh doanh cấp cao, Kantar Việt Nam, cho biết theo khảo sát của Kantar, hiện có đến 28% hộ gia đình đang gặp khó khăn về tài chính. Trước bối cảnh như vậy, có tới gần một nửa số gia đình được khảo sát đã thắt chặt chi tiêu bằng cách giảm đi ăn uống ở bên ngoài và giảm sử dụng dịch vụ giải trí.

Dự báo về hành vi mua sắm dịp cuối năm 2023, đầu năm 2024, thời điểm cao điểm mua sắm sẽ rơi vào khoảng 5 tuần trước Tết, từ 7/1/2024 – 10/2/2024. Đồng thời, người tiêu dùng sẽ ưu tiên những sản phẩm có tính ứng dụng cao như thực phẩm, nhóm hàng tiêu dùng nhanh (FMCG),… Bên cạnh đó, sự tiện lợi cũng sẽ chiếm ưu thế trong việc lựa chọn kênh mua sắm.

Về xu hướng lựa chọn kênh mua sắm, bà Nguyễn Phương Nga cho rằng người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng tính tiện lợi và sẽ ưu tiên những kênh mua sắm mang lại nhiều giá trị hơn, thay vì chỉ trung thành với một lựa chọn nhất định.

Những trải nghiệm mua sắm mới nhờ sự phát triển cùa công nghệ, như thương mại điện tử hoặc siêu thị tiện lợi được dự đoán sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn trong dịp Tết sắp tới.

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia thị trường cũng cho rằng doanh nghiệp sản xuất cần nắm rõ sự thay đổi của thị hiếu, thói quen và khả năng chi tiêu của người tiêu dùng để cùng với đảm bảo chất lượng, giá cả phù hợp thì kết hợp với nhau làm mới sản phẩm theo xu hướng “xanh” từ bao bì đến thành phẩm, chăm lo đời sống sức khỏe như hiểu rõ giá trị thương hiệu và nguồn gốc sản phẩm...