TikTok “tuyên chiến” với Amazon để thu hút người mua sắm Hoa Kỳ?
Với hơn 150 triệu người dùng ở Hoa Kỳ, TikTok đang bắt đầu một hành trình đột phá có thể định hình lại cách chúng ta mua sắm trực tuyến. Có vẻ ByteDance đang cố gắng đa dạng hoá hoạt động kinh doanh, thay vì phụ thuộc vào doanh thu chính là quảng cáo...
Ứng dụng TikTok mới đây đã giới thiệu tính năng tab "cửa hàng" chuyên dụng, nơi các doanh nghiệp có thể giới thiệu sản phẩm của mình, cùng với các giải pháp hậu cần và thanh toán được tích hợp. Sự bổ sung mang tính chiến lược này dự kiến sẽ thúc đẩy sự tương tác của người dùng và thúc đẩy doanh số bán hàng vì người tiêu dùng có thể khám phá và mua sản phẩm một cách liền mạch trong hệ sinh thái TikTok với hy vọng tái tạo thành công của các nền tảng châu Á khác như Shein và Temu ở Mỹ.
Để tạo ra một hệ sinh thái thương mại điện tử linh hoạt, gã khổng lồ truyền thông xã hội đã tích hợp chiến lược các dịch vụ mua sắm của mình với một số nền tảng của bên thứ ba, bao gồm Shopify, Salesforce và Zendesk. Theo Juozas Kaziukėnas, Giám đốc điều hành Marketplace Pulse, cửa hàng ứng dụng mới của TikTok Shop gần giống với cửa hàng ứng dụng của Amazon ở điểm hỗ trợ chức năng đồng bộ hóa dữ liệu và vận chuyển đơn hàng mà không làm thay đổi cách thức hoạt động hoặc giao diện.
Từ trước đến nay, TikTok vẫn xem Mỹ là thị trường quan trọng bất chấp việc đối mặt với lệnh cấm. Kế hoạch tiếp theo là triển khai một thị trường mua bán gần giống với nền tảng web mua sắm truyền thống để người tiêu dùng Mỹ có thể tự tìm kiếm, so sánh và mua sản phẩm ở một nơi. Chiến lược khiến TikTok khác biệt hoàn toàn so với Instagram và có thể cạnh tranh trực tiếp với “gã khổng lồ” Amazon ngay trên chính sân nhà của thương hiệu.
Theo nhà sáng lập công ty tư vấn Momentum Works, Jianggan Li, kế hoạch mở rộng sang thương mại điện tử của TikTok tại thị trường Mỹ không chỉ thu hút người tiêu dùng có khả năng chi tiêu cao mà còn dành được “lợi thế to lớn cho chuỗi cung ứng”. Tờ Nikkei Asia nhận định, dịch vụ của ByteDance được thiết lập để phục vụ người bán ở Mỹ tạo ra sự khác biệt với những đối tác Trung Quốc khác đang hoạt động tại thị trường này.
Nhìn chung, mục tiêu của TikTok rất rõ ràng: trao quyền cho người sáng tạo nội dung, thương hiệu và người bán những công cụ họ cần để tạo ra trải nghiệm mua sắm hấp dẫn và tương tác, đồng thời giúp khách hàng dễ dàng mua hàng trên nền tảng.
Với hơn 1 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng (MAU) trên toàn thế giới, TikTok không chỉ tập trung vào Hoa Kỳ mà từ đó đã mở rộng phạm vi tiếp cận sang nhiều quốc gia, bao gồm Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Philippines, Singapore và Vương quốc Anh, cùng với các kế hoạch để đạt doanh số bán hàng hóa 20 tỷ USD vào cuối năm nay. Điều này nhấn mạnh quyết tâm của họ trong việc để lại dấu ấn trong bối cảnh thương mại điện tử quốc tế.
Tuần tới, TikTok sẽ tổ chức các buổi đào tạo cho những người bán hàng trên TikTok Shop. Hãng này đưa ra mức trợ giá lên tới 50% để thu hút người bán tham gia dịp Black Friday, bắt đầu từ ngày 27/10 và kéo dài đến 30/11. Một người phát ngôn của TikTok đã xác nhận với Bloomberg. Ứng dụng này muốn thu hút những người mua đang chịu tác động của lạm phát và cũng là bước khởi động trong cuộc chiến giá cả với các đối thủ như Amazon hay Walmart.
TikTok đặt cược dịp mua sắm bận rộn cuối năm sẽ là thời điểm lý tưởng để bật lên, nhờ các khuyến mãi mạnh tay. Hãng kiểm toán Deloitte dự báo người Mỹ chi 284 tỷ USD trong dịp Black Friday năm nay. Mảng thương mại điện tử hiện được coi là nguồn tăng trưởng doanh thu mới triển vọng nhất của TikTok. Họ đặt mục tiêu tổng giá trị hàng hóa giao dịch trên nền tảng này đạt 20 tỷ USD năm nay.
Một số người bán hàng được mời tham gia thử nghiệm đầu năm nay cho biết các chiến dịch bằng video trên TikTok giúp họ bán được nhiều hàng hơn cho người Mỹ trên nền tảng này. "Hơn 200.000 người bán tại Mỹ đã được xác minh trên TikTok Shop là bán sản phẩm hợp pháp. Trong đó có 150.000 loại mỹ phẩm đã được kiểm định qua quy trình của chúng tôi và được nhiều người nổi tiếng giới thiệu", một người phát ngôn của TikTok cho biết tuần trước.
Trong khi đó, tập đoàn Amazon đã xây dựng thành công ba trụ cột kinh doanh, gồm bán lẻ trực tuyến, chương trình thành viên cao cấp Amazon Prime và dịch vụ điện toán đám mây AWS. Tuy nhiên, người khổng lồ công nghệ này vẫn chưa đạt được mục tiêu tìm ra là “trụ cột tăng trưởng mới”. Theo tờ WSJ, ba trụ cột kinh doanh hiện nay của Amazon chiếm gần 90% doanh thu của công ty.
Với trụ cột thứ tư, “chúng tôi sẽ có một công ty hoàn toàn khác”, CEO Andy Jassy của Amazon nhấn mạnh tại một cuộc họp báo năm ngoái. Tuy nhiên, gần như tất cả các quyết định đặt cược lớn của Amazon, bao gồm việc đột phá vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, mua sắm trực tiếp, giải trí và phần cứng hiện vẫn chưa trở thành những hoạt động kinh doanh hùng mạnh và có lợi nhuận.
Một số nhà phân tích và nhà đầu tư bắt đầu mất kiên nhẫn vì cho rằng đó là những nỗ lực rời rạc của Amazon, chủ yếu mang lại kết quả thất vọng. Câu hỏi đặt ra là liệu Amazon có còn xứng đáng với danh tiếng về khả năng mở rộng không ngừng và không giới hạn hay không. Bất chấp những thành công vang dội của Amazon trong lĩnh vực mua sắm trực tuyến và điện toán đám mây, các giả định cho rằng Amazon sẽ đạt được kết quả tương tự trong các ngành khác mà tập đoàn bước chân vào vẫn chưa được chứng minh là đúng.
Amazon cũng đã chi mạnh tay cho ngành giải trí, điều mà người sáng lập Jeff Bezos rất quan tâm. Amazon đã đầu tư hàng tỉ đô la để biến dịch vụ phát trực tuyến Prime Video thành đối thủ cạnh tranh với Netflix, bao gồm sản xuất bộ phim truyền hình nhiều tập “Chúa tể của những chiếc nhẫn”, công chiếu vào tháng 9/2022 và tiêu tốn khoảng 715 triệu đô la cho mùa đầu tiên.
Khoản chi lớn đã giúp dịch vụ phát trực tuyến của Amazon có được lượng khán giả đáng kể. Amazon đã thực hiện nhiều chương trình được các nhà phê bình khen ngợi. Tuy nhiên, nhà đầu tư cho biết, không rõ mảng kinh doanh có thực sự thành công hay không. Prime Video là ưu đãi được bao gồm trong gói thành viên cao cấp Amazon Prime, trong đó, lợi ích chính lại là giao hàng miễn phí.
Một số nhà đầu tư và nhà phân tích cho rằng Amazon có thể đang có quá nhiều mối quan tâm. Nhà phân tích Mark Shmulik của AB Bernstein nhận định, Amazon “đơn giản là đang theo đuổi quá nhiều ý tưởng”. Ông lo ngại những ý tưởng yếu kém hơn sẽ làm tiêu hao nguồn lực vốn và “sự tập trung vào những sáng kiến thực sự mang tính đột phá mà chỉ Amazon mới có thể làm được”. Nhà phân tích này kêu gọi Amazon thắt chặt các chiến lược đồng thời nên tập trung vào các thế mạnh như logistics để thúc đẩy sự đổi mới.