Pháp hưởng lợi trong cuộc đua mua sắm miễn thuế
Nghiên cứu mới cho thấy khách du lịch chi tiêu cao từ Mỹ và Trung Quốc đang đổ xô đến châu Âu, nhưng Vương quốc Anh lại đang bỏ lỡ cơ hội sau khi loại bỏ chương trình mua sắm miễn thuế...
Đầu tháng 6/2023, Ủy ban Du lịch châu Âu (ETC) công bố một khảo sát cho thấy, với các thị trường lớn như Brazil, Canada, Mỹ và Australia, số khách chọn châu Âu để đi du lịch trong hè này dao động từ 36 - 52%, lớn hơn hẳn những lựa chọn khác. Nhiều công ty du lịch Mỹ thông báo 100% tour du lịch mùa hè đã được bán hết ngay trong tháng 6. Thậm chí, hơn 90% những tour đặt trước trong năm 2023 đã kín chỗ, và các công ty này đã phải lên kế hoạch sớm cho năm 2024.
Theo nhà cung cấp bảo hiểm du lịch Allianz, số lượng người Mỹ đi du lịch châu Âu vào mùa hè này dự kiến sẽ tăng 55% so với năm ngoái, cao hơn 600% so với năm 2021. Paris, Dublin, Barcelona và Rome đứng đầu danh sách điểm đến của người Mỹ trong năm nay, tất cả đều nằm ở châu Âu. Cùng với đó, mức chi tiêu của khách du lịch Mỹ tại Italy năm nay cho mua sắm hàng miễn thuế tăng hơn 74% so với cùng kỳ năm 2019. Nghiên cứu cho thấy Ý hiện là thị trường mua sắm miễn thuế lớn thứ hai ở châu Âu với 19% thị phần chi tiêu (tăng từ 13% vào năm 2020).
Theo Vogue Business, những người giàu có ở Mỹ ưa thích việc bay đến châu Âu mua sắm vì một vài lý do. Đồng USD và đồng Euro thực tế có giá trị ngang nhau nhưng phần lớn các sản phẩm cao cấp đều được chế tạo ở châu Âu nên hàng bán ra sẽ rẻ hơn ở Mỹ. Theo một báo cáo được công bố bởi Bank of America, nếu mua quần áo và phụ kiện xa xỉ ở Mỹ, người tiêu dùng sẽ phải chi trả trung bình thêm 38% so với ở châu Âu. Ngoài ra, giá mua hàng xa xỉ ở châu Âu sau khi hoàn thuế có thể rẻ hơn tới 20% đối với các mặt hàng xa xỉ tương tự ở Mỹ.
Theo báo cáo của Payment công ty Planet, nơi quản lý hoàn thuế GTGT, vào năm 2020, Vương quốc Anh có thị phần lớn thứ hai trên thị trường, ở mức 23%. Nhưng giờ đây, Vương quốc Anh là quốc gia châu Âu duy nhất không cung cấp dịch vụ mua sắm miễn thuế cho du khách quốc tế sau khi chính phủ hủy bỏ chương trình này vào năm 2021. Vào thời điểm đó, Bộ Tài chính Vương quốc Anh cho biết đây là “một khoản cứu trợ tốn kém không mang lại lợi ích cho toàn bộ Vương quốc Anh”.
Hè năm nay, một số thương hiệu và nhà bán lẻ của Anh, bao gồm Burberry, Harrods và Selfridges, đã kêu gọi chính phủ khôi phục chương trình này để giúp thúc đẩy nền kinh tế Anh. Vào tháng 6, thương hiệu xa xỉ Mulberry của Anh cho biết họ đã buộc phải đóng cửa hàng trên Phố Bond của London trong bối cảnh doanh số khách du lịch giảm sau chính sách loại bỏ chương trình mua sắm miễn thuế.
Một đề xuất khôi phục chương trình này sẽ được tranh luận tại Hạ viện vào ngày 7/9 tới đây. Cuộc tranh luận nảy sinh thông qua một chiến dịch của Hiệp hội Bán lẻ Quốc tế và Công ty New West End, đại diện cho các doanh nghiệp bán lẻ và khách sạn tại các khu mua sắm trọng điểm của Luân Đôn trên Phố Regent và Phố Oxford. “Khi chúng ta tiến gần đến thời điểm cao điểm về chi tiêu quốc tế này, khách du lịch đến Vương quốc Anh phải thực hiện chuyến đi kéo dài hai tiếng rưỡi từ London đến Paris để mua sắm miễn thuế,” Luca Cassina, chủ tịch bộ phận bán lẻ của Planet, cho biết.
“Việc khôi phục mua sắm miễn thuế ở Vương quốc Anh sẽ giúp khách du lịch có nhiều lựa chọn hơn về điểm đến. Các nhà bán lẻ ở Vương quốc Anh sẽ được hưởng một sân chơi bình đẳng, điều này đặc biệt có lợi cho những thương hiệu không có cửa hàng trên khắp châu Âu hoặc nằm tại các khu vực cách xa London”.
Thực tế trong mùa hè năm nay, việc không còn được ưu đãi về thuế đang khiến các du khách quốc tế có xu hướng lựa chọn các địa điểm khác tại châu Âu như Paris, Madrid hay Milan để du lịch, thay vì London. Đáng lo ngại hơn cả, một khảo sát thực hiện với 10 nghìn du khách Trung Quốc cũng cho thấy, số người dự kiến đến Anh đã giảm từ mức 70% hồi năm 2019 xuống còn 42% trong năm nay. "Nếu du khách có thể đến châu Âu và được giảm giá 20% khi mua sắm, tại sao họ lại không làm điều đó?" bà Sarah Jaconelli, Giám đốc truyền thông, hãng bán lẻ New West End cho biết.
Ông Steve Medway, Giám đốc điều hành Hiệp hội Knightsbridge and King's Road Partnerships nói: "Có thể mọi người vẫn muốn đến London và trải nghiệm những dịch vụ tại đây sau quãng thời gian nhu cầu bị dồn nén vì đại dịch. Tuy nhiên, họ không ở đây lâu và chi tiêu nhiều như trong quá khứ, đặc biệt là khi đi mua sắm. Trước đây, một gia đình du khách Mỹ có thể dành 7 ngày ở đây để trải nghiệm mọi thứ. Hiện họ sẽ chỉ ở đây 5 ngày và sau đó đi tàu tới Paris để mua sắm ở đó trong 2 ngày còn lại".
"Tác động dài hạn đối với London sẽ là sự thiếu đầu tư so với phần còn lại của châu Âu. Một số thương hiệu đã cho biết rằng, tình hình doanh số khiến họ đang ưu tiên đầu tư vào các cửa hàng ở Paris hơn, ngay cả với những thương hiệu Anh chỉ vừa mới gia nhập thị trường", ông Steve Medway, Giám đốc điều hành Hiệp hội Knightsbridge and King's Road Partnerships cho biết.
Theo các chuyên gia, nếu các giải pháp không sớm được đưa ra, tình hình sẽ càng trở nên trầm trọng hơn, ảnh hưởng tới không chỉ ngành bán lẻ Anh, mà còn cả hệ sinh thái du lịch, bao gồm các nhà hàng, khách sạn, dịch vụ vận chuyển, bảo tàng và nhà hát.
Báo cáo của Planet cho thấy, vào tháng 6, doanh số bán hàng miễn thuế ở châu Âu đã tăng 18% so với tháng trước - tháng tăng trưởng thứ tư liên tiếp. Pháp dẫn đầu với mức tăng 22,3%. Báo cáo dự đoán: “Việc phục hồi hoàn toàn doanh số bán hàng miễn thuế trên khắp châu Âu vào mùa hè này hiện đang trong tầm tay”.
Khách du lịch Mỹ và châu Á đang dẫn đầu sự tăng trưởng. Tại Pháp, khách du lịch từ Mỹ đã thúc đẩy mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực, chiếm 27% tổng doanh số bán lẻ trong nước, tiếp theo là Trung Quốc với 14%, Hàn Quốc với 5% và Đài Loan và Hồng Kông với 4%. Tương tự, tại Ý, người tiêu dùng Mỹ dẫn đầu chi tiêu trên thị trường, chiếm 33%.
Báo cáo dự đoán rằng nhu cầu đi lại từ các công dân Hoa Kỳ và Canada sẽ vượt qua mức trước đại dịch trong năm nay lần lượt là 11% và 4%, do số liệu bán vé cho các chuyến bay quốc tế cho thấy sự gia tăng trong du lịch châu Âu. Nhưng bất chấp sự gia tăng số lượng người mua sắm ở Mỹ, khách du lịch châu Á vẫn tiếp tục thống trị thị trường, chiếm 36% tổng doanh số bán hàng miễn thuế ở châu Âu. Họ cũng là những người chi tiêu cao nhất: giá trị giao dịch trung bình đối với người tiêu dùng châu Á là 1.046 Euro, tăng lên 1.341 Euro đối với người mua sắm Trung Quốc. Người tiêu dùng Bắc Mỹ chi trung bình 978 Euro.