14:09 08/09/2023

Mua sắm miễn thuế có thể “tiếp sức” du lịch như thế nào?

Tường Bách

Hiện tại, Vương quốc Anh là quốc gia châu Âu duy nhất không cung cấp dịch vụ mua sắm miễn thuế cho du khách quốc tế sau khi chính phủ nước này hủy bỏ chính sách vào năm 2021, sau Brexit… 

Ảnh: Executive Traveller
Ảnh: Executive Traveller

Theo báo cáo Payment của công ty Planet, nơi quản lý hoàn thuế GTGT, vào năm 2020, Vương quốc Anh có thị phần lớn thứ hai trên thị trường mua sắm miễn thuế, ở mức 23%. Hè năm nay, báo cáo của Planet cho thấy, doanh số bán hàng miễn thuế ở châu Âu đã tăng 18% vào tháng 6 so với tháng 5 - tháng tăng trưởng thứ tư liên tiếp. Pháp dẫn đầu với mức tăng 22,3%. Ý hiện là thị trường mua sắm miễn thuế lớn thứ hai ở châu Âu với 19% thị phần chi tiêu (tăng từ 13% vào năm 2020).

Tờ Jing Daily thông tin, việc không còn được ưu đãi về thuế đang khiến các du khách quốc tế có xu hướng lựa chọn các địa điểm khác tại châu Âu như Paris, Madrid hay Milan để du lịch, thay vì London. Đáng lo ngại hơn cả, một khảo sát thực hiện với 10 nghìn du khách Trung Quốc cũng cho thấy, số người dự kiến đến Anh đã giảm từ mức 70% hồi năm 2019 xuống còn 42% trong năm nay.

Kể cả khi có những đoàn khách Trung Quốc tới London, việc du khách không chi tiêu mua sắm đang gây thiệt hại cho Vương quốc Anh khoảng 750 triệu bảng mỗi năm. Một báo cáo gần đây của Hiệp hội Bán lẻ Quốc tế (AIR) đã chứng thực điều mà nhiều doanh nghiệp đã nhấn mạnh trong nhiều tháng: khách du lịch Trung Quốc có mức chi tiêu cao hiện đang chọn mua sắm ở các quốc gia như Ý, Pháp và Tây Ban Nha, nơi họ có thể được miễn thuế VAT.

Hiện tại, khách du lịch đến Vương quốc Anh thường thực hiện chuyến đi kéo dài hai tiếng rưỡi từ London đến Paris để mua sắm miễn thuế.
Hiện tại, khách du lịch đến Vương quốc Anh thường thực hiện chuyến đi kéo dài hai tiếng rưỡi từ London đến Paris để mua sắm miễn thuế.

Bên cạnh du khách Trung Quốc, dữ liệu từ công ty hoàn thuế quốc tế Global Blue cho thấy, chi tiêu của du khách Mỹ và Trung Đông tại Anh trong năm ngoái chỉ mới hồi phục về mức của năm 2019, trong khi con số này tại Pháp, Italy và Tây Ban Nha đều đã ghi nhận mức tăng khoảng 2 lần.

Vào thời điểm quyết định loại bỏ mua sắm miễn thuế, Bộ Tài chính Vương quốc Anh cho rằng họ sẽ phải đối mặt với chi phí ước tính là 1,3 tỷ bảng Anh vào năm 2024 bằng cách hoàn thuế VAT cho người mua hàng nước ngoài. Nhưng theo số liệu từ báo cáo của Oxford Economics, tác động tài chính thực tế của việc triển khai mua sắm miễn thuế ở Anh thấp hơn 70% so với ước tính do Bộ Tài chính cung cấp. Sự khác biệt này phát sinh từ việc đánh giá quá cao tổng giá trị tiền hoàn lại có thể được yêu cầu và việc không tính đến ảnh hưởng của chính sách đối với hành vi giảm mua sắm xa xỉ của du khách nước ngoài.

Ông Steve Medway, Giám đốc điều hành Hiệp hội Knightsbridge and King's Road Partnerships nói: "Có thể mọi người vẫn muốn đến London và trải nghiệm những dịch vụ tại đây sau quãng thời gian nhu cầu bị dồn nén vì đại dịch. Tuy nhiên, họ không ở đây lâu và chi tiêu nhiều như trong quá khứ, đặc biệt là khi đi mua sắm. Trước đây, một gia đình du khách Mỹ có thể dành 7 ngày ở đây để trải nghiệm mọi thứ. Hiện họ sẽ chỉ ở đây 5 ngày và sau đó đi tàu tới Paris để mua sắm ở đó trong 2 ngày còn lại".

Báo cáo của Oxford Economics, xuất bản vào cuối năm 2022, đánh giá tác động kinh tế của việc mua sắm miễn thuế ở Vương quốc Anh, cho thấy rằng việc áp dụng lại mua sắm miễn thuế sẽ kích thích nhiều người đến thăm Vương quốc Anh hơn và chi tiêu cho các hàng hóa đủ điều kiện, cũng như các hoạt động khác liên quan đến du lịch và dịch vụ.

Việc du khách không chi tiêu mua sắm đang gây thiệt hại cho Vương quốc Anh khoảng 750 triệu bảng mỗi năm.
Việc du khách không chi tiêu mua sắm đang gây thiệt hại cho Vương quốc Anh khoảng 750 triệu bảng mỗi năm.

Một đề xuất khôi phục chương trình này đang được tranh luận tại Hạ viện Anh. Cuộc tranh luận nảy sinh thông qua một chiến dịch của Hiệp hội Bán lẻ Quốc tế và Công ty New West End, đại diện cho các doanh nghiệp bán lẻ và khách sạn tại các khu mua sắm trọng điểm của Luân Đôn trên Phố Regent và Phố Oxford.

Một nghị sĩ Đảng Bảo thủ cho biết, việc áp dụng mua sắm miễn thuế khi đến sân bay, bến phà và đường sắt quốc tế sẽ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy du lịch. Henry Smith, người đại diện cho khu vực bầu cử Crawley, nơi có Sân bay Gatwick tranh luận tại Hạ viện: “Có hơn 60 quốc gia hiện đã thực hiện miễn thuế cho khách quốc tế, bao gồm hầu hết các trung tâm du lịch lớn ở Châu Á, Trung Đông, Châu Đại Dương cũng như các quốc gia ngoài EU".

Ông Smith nói thêm: “Rõ ràng rằng việc giới thiệu các cửa hàng miễn thuế cho khách đến sẽ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy kịp thời sự phục hồi của ngành hàng không và du lịch sau đại dịch. Bằng cách tái khởi động các cửa hàng miễn thuế tại điểm đến, Chính phủ có thể hỗ trợ ngành du lịch và lữ hành hàng không cũng như sự thịnh vượng kinh tế mà ngành này mang lại thông qua việc tạo việc làm cho rất nhiều cử tri và cộng đồng địa phương trên khắp đất nước".

Trên thế giới, hầu hết các quốc gia đều nhận thức được tầm quan trọng của mua sắm miễn thuế đối với việc “tiếp sức” cho du lịch. Với các cửa hàng chuyên biệt tại trung tâm thành phố ở các “điểm nóng” du lịch, du khách nước ngoài thường đi thành những đoàn lớn để  có thể mua hàng miễn thuế mang về. Những địa điểm này, đặc biệt phổ biến ở châu Á, hiện chiếm gần 40% tổng doanh thu trong lĩnh vực bán lẻ du lịch. 

Đầu năm 2023, lần đầu tiên sau 6 năm, Nhật Bản đã thông qua một kế hoạch mới về du lịch, nhấn mạnh vào mục tiêu thúc đẩy chi tiêu của khách du lịch nước ngoài. Nước này muốn tăng chi tiêu trung bình của mỗi du khách nước ngoài đến Nhật Bản lên 200.000 Yen (khoảng 1.550 USD), vào năm 2025, cao hơn 40.000 Yen so với kế hoạch trước đó. Để đạt được mục tiêu này, Nhật Bản sẽ kích cầu mua sắm của khách du lịch tại các cửa hàng miễn thuế thông qua việc mở rộng các dịch vụ và tiện ích tại đây.

Nhật Bản thậm chí còn lắp máy bán hàng miễn thuế tự động tại sân bay để du khách không phải xếp hàng chờ đợi tại cửa hàng để nhận tiền hoàn thuế.
Nhật Bản thậm chí còn lắp máy bán hàng miễn thuế tự động tại sân bay để du khách không phải xếp hàng chờ đợi tại cửa hàng để nhận tiền hoàn thuế.

Trang Time Out cho biết mua sắm miễn thuế của Nhật Bản là một trong những hệ thống mua sắm miễn thuế tốt nhất và thuận tiện nhất trên thế giới. Thông thường, tại hầu hết các nước, khách du lịch mua hàng phải thanh toán toàn bộ số tiền mua hàng bao gồm thuế tại các cửa hàng, sau đó xuất trình giao dịch mua hàng tại sân bay để được hoàn thuế trước khi khởi hành. Song, ở Nhật Bản, quy trình này dễ dàng hơn rất nhiều, nơi thuế tiêu thụ 10% được khấu trừ ngay tại các cửa hàng với điều kiện khách mua hàng xuất trình hộ chiếu.

Ở Hàn Quốc, quy mô của thị trường hàng miễn thuế đạt hơn 17 tỉ USD, Trung Quốc đạt 6 tỉ USD vào thời điểm trước đại dịch. Tại Singapore, tuy không có số liệu cụ thể, song chỉ riêng sân bay Changi, nơi được xem là thiên đường mua sắm, doanh thu năm 2018 với hàng miễn thuế trong sân bay đạt 1,5 tỉ USD và nằm trong tốp 3 sân bay có mức chi tiêu của khách du lịch lớn nhất.

Thậm chí mới đây, một công ty khởi nghiệp du lịch tại Singapore có tên Utu - chuyên giúp khách du lịch trải nghiệm tối đa hóa từ việc mua sắm miễn thuế - vừa huy động thành công 33 triệu USD. Startup này đã hợp tác với các nhà điều hành hoàn tiền trên 50 quốc gia, mang lại nhiều phần thưởng hơn cho khách du lịch.

Đại diện công ty khởi nghiệp Utu cho biết, mặc dù du lịch đã tăng trở lại, nhưng chỉ có khoảng 1% vốn đầu tư mạo hiểm dành cho du lịch trong suốt 15 năm qua, chủ yếu là các ngành dịch vụ khách sạn. Chính vì vậy, mục tiêu của Utu là tạo ra sự đổi mới trong lĩnh vực mua sắm miễn thuế, cho phép khách du lịch hoàn thuế VAT khi mua hàng.