Đề xuất xây dựng chỉ số chung về độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí trong ASEAN
ASEAN nên xây dựng Chỉ số chung về độ trưởng thành trong chuyển đổi số báo chí, một bộ tiêu chí chung để các cơ quan truyền thông hướng tới. Ngoài ra, mỗi quốc gia thành viên nên phát triển công cụ riêng để đo lường mức độ trưởng thành của chuyển đổi số báo chí nhằm tạo cơ sở để đo lường, giám sát, thúc đẩy chuyển đổi số, nâng cao chất lượng báo chí số...
Đề xuất này được Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra tại Hội thảo “ASEAN chuyển đổi số báo chí kiến tạo tri thức số”. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Thông tin ASEAN (AMRI) lần thứ 16 và các Hội nghị quan chức cấp cao liên quan với chủ đề “Truyền thông: Từ thông tin tới tri thức vì một ASEAN tự cường và thích ứng” do Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam đăng cai tổ chức từ 20-23/9/2023 tại Đà Nẵng.
Tiếp tục chương trình làm việc, ngày 23/9 diễn ra hội nghị AMRI+3 (với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) lần thứ 7.
50% GIÁ TRỊ QUẢNG CÁO TRUYỀN THÔNG ĐANG "CHẢY” VÀO “TÚI” CÁC NỀN TẢNG XUYÊN BIÊN GIỚI
Chia sẻ tại hội thảo, ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết thống kê Việt Nam hiện có khoảng hơn 800 cơ quan thông tấn và gần 1 triệu bài báo được đăng lên hằng ngày.
Đây là một kho dữ liệu thông tin khổng lồ, phong phú, đa dạng. Thông qua các ứng dụng số có thể phân tích xu hướng người dùng, các hiểu biết quan trọng từ các nguồn dữ liệu này. Việc biến kho thông tin thành nền tảng dữ liệu sẽ giúp khai thác tri thức trong khu thông tin đó.
Ngành truyền thông có tiềm năng rất lớn trong tạo ra các giá trị kinh tế với doanh thu lĩnh vực truyền thông đạt gần 4 tỷ USD. Tuy nhiên, có đến 50% giá trị quảng cáo đang “chảy” vào các nền tảng xuyên biên giới, mạng xã hội và các dữ liệu đang được các nền tảng này thu thập. Điều đó khiến các cơ quan thông tấn và truyền thông trong nước đang mất nguồn thu này.
Trước xu hướng chuyển đổi số mạnh mẽ, các cơ quan thông tấn, báo chí phải thay đổi để tồn tại. Sự thay đổi, thích nghi này bắt đầu từ các thể chế, từ các lãnh đạo đến các cơ quan truyền thông với sự thúc đẩy, hỗ trợ của Chính phủ trong việc hướng các luồng quảng cáo hướng tới các nền tảng kỹ thuật số trong nước.
Từ thực tế này cần xây dựng các nền tảng trong nước để dữ liệu có thể được kiểm soát và sử dụng. Đây là giải pháp nhằm khai thác lợi ích của dữ liệu và xây dựng nền tri thức.
Hiện nay ở Việt Nam, chuyển đổi số báo chí và phát triển nền tảng chung đang được đẩy mạnh trong các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình. Từ các nền tảng kĩ thuật số trong nước được xây dựng, sẽ góp phần thu hút được các nguồn quảng cáo từ các nền tảng xuyên biên giới.
Để thúc đẩy chuyển đổi số báo chí, tháng 4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, tầm nhìn 2030. Đây là định hướng quan trọng cho chuyển đổi số báo chí. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng có kế hoạch hành động thực hiện chiến lược này.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã phát triển nền tảng phát sóng, phát thanh kỹ thuật số quốc gia… Các chuyên gia cho rằng điều quan trọng hiện tại là hướng dẫn các luồng quảng cáo xuyên biên giới sang nền tảng kỹ thuật số trong nước.
Đại diện Bộ Truyền thông và Thông tin Indonesia chia sẻ, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, nhằm nâng cao năng lực truyền thông của báo chí trong thu hút thị phần người xem từ các nền tảng mạng xã hội, bảo vệ các giá trị truyền thống cùng với hiện đại hóa báo chí và truyền thông. Chuyển đổi số, phát triển công nghệ sẽ giúp đảm bảo sân chơi công bằng, tạo hệ sinh thái truyền thông lành mạnh để hỗ trợ cho báo chí trước các nền tảng xuyên biên giới.
XÂY DỰNG BỘ CHỈ SỐ ĐO LƯỜNG MỨC ĐỘ TRƯỞNG THÀNH CHUYỂN ĐỔI SỐ BÁO CHÍ
Để thực hiện chuyển đổi số báo chí, Việt Nam đã xây dựng công cụ đánh giá tình hình phát triển báo chí. Thông qua đó, các cơ quan báo chí có thể thực hiện lộ trình chuyển đổi số, với những giải pháp phù hợp, thực hiện chiến lược trong tương lai.
Cục Báo chí cho biết tháng 6/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có Quyết định số 951/QĐ-BTTTT về ban hành bộ chỉ số đánh giá, đo lường mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí với 5 trụ cột và 42 tiêu chí.
Thứ nhất, chiến lược (chiến lược/kế hoạch/chương trình, tài chính).
Thứ hai, hạ tầng, nền tảng số và an toàn thông tin.
Thứ ba, sự đồng nhất về tổ chức và chuyên môn.
Thứ tư, độc giả, khán giả, thính giả (quản lý trải nghiệm và trải nghiệm của độc giảm khán giả, thính giả).
Thứ năm, mức độ ứng dụng công nghệ số.
Trong đó, hạ tầng số, nền tảng số và an toàn thông tin có số tiêu chí nhiều nhất (19 tiêu chí). Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ công bố kết quả trưởng thành về chuyển đổi số hàng năm của các cơ quan báo chí.
Cũng tại hội nghị này, Cục Báo chí đề xuất ASEAN nên xây dựng Chỉ số chung về độ trưởng thành trong chuyển đổi số báo chí, một bộ tiêu chí chung để các cơ quan truyền thông hướng tới. Tiếp đó, mỗi quốc gia ASEAN nên phát triển công cụ riêng để đo lường mức độ trưởng thành của chuyển đổi số báo chí nhằm tạo cơ sở để đo lường, giám sát mức độ trưởng thành của chuyển đổi số báo chí tại ASEAN.
Trước xu thế chuyển đổi số, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh, ngành truyền thông không thể đứng ngoài cuộc. Chuyển đổi số của phương tiện truyền thông không chỉ là vấn đề sống còn mà còn là điều cần thiết cho sức sống của ngành.
Nhấn mạnh những ưu tiên trong chuyển đổi số truyền thông, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho rằng các quốc gia ASEAN cần thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm và thực tiễn tốt; tích cực trao đổi các chính sách, bài học và ứng dụng thành công liên quan đến chuyển đổi số như chính sách hợp lý và ứng dụng công nghệ, chiến lược đào tạo và đầu tư, huy động nguồn lực…
Cùng với đó, thiết lập kế hoạch toàn diện của ASEAN về chuyển đổi số. Sáng kiến cần áp dụng cách tiếp cận theo lộ trình chiến lược để giúp các nước phát triển nhanh chóng và hiệu quả. Nằm trong kế hoạch này, ASEAN có thể xem xét xây dựng một chỉ số chung để đo lường mức độ trưởng thành của chuyển đổi số trên báo chí và một công cụ đo lường tương ứng.
Chia sẻ tại diễn đàn, đại diện Brunei cho hay, nước này hướng đến mục tiêu trở thành một quốc gia thông minh, hoàn thành xây dựng 3 nhiệm vụ: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số; đồng thời hình thành hệ sinh thái có trách nhiệm, sáng kiến trong nền tảng truyền thông số.
Đại diện Brunei mong muốn các nước ASEAN tăng cường, mở rộng hợp tác với ngành kỹ thuật số để hỗ trợ và thúc đẩy chuyển đổi số cho các cơ quan truyền thông; đặc biệt là chia sẻ thông tin trên các nền tảng kỹ thuật số mới cho báo chí và các cơ quan truyền thông.
Cũng trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Thông tin ASEAN đã diễn ra Diễn đàn ASEAN về ứng phó và xử lý tin sai sự thật trên không gian mạng. Diễn đàn đã tạo không gian trao đổi mở giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, báo chí, và một số nền tảng công nghệ xuyên biên giới như Google và TikTok liên quan vấn đề tin giả, tin sai. Các nước ASEAN đã khẳng định quyết tâm giảm thiểu tác hại của tin giả, hướng đến không gian thông tin lành mạnh và đáng tin cậy cho người dân.
Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh, đã đến lúc cần đẩy mạnh hơn hợp tác giữa các cơ quan quản lý truyền thông, những người đóng vai trò quan trọng trong tăng cường thông tin; giữa các cơ quan truyền thông tham gia truyền bá thông tin chính thống và chính xác, phát hiện, công bố và sửa chữa tin giả; giữa các cơ quan nghiên cứu và nhà cung cấp mạng xã hội để đối phó với thông tin sai lệch trong khu vực.