08:27 14/09/2023

Khai thác thị trường mua sắm trực tuyến khổng lồ của Hoa Kỳ, doanh nghiệp Việt Nam cần nắm bắt mọi cơ hội

Vũ Khuê

Mua sắm trực tuyến được đánh giá là xu thế trong tương lai của Hoa Kỳ. Vì vậy, cơ hội bán hàng trực tuyến vào thị trường này còn nhiều dư địa để phát triển, doanh nghiệp Việt Nam cần phải nắm bắt tức thì…

Mua sắm trực tuyến được đánh giá là xu thế trong tương lai của Hoa Kỳ. Ảnh minh họa.
Mua sắm trực tuyến được đánh giá là xu thế trong tương lai của Hoa Kỳ. Ảnh minh họa.

Theo dữ liệu từ Statista, Hoa Kỳ là động lực chính thúc đẩy sự trỗi dậy của thương mại điện tử toàn cầu, với tổng doanh số thương mại điện tử ở Hoa Kỳ 2022 đạt mức 1,03 nghìn tỷ USD, đạt mức 1,03 nghìn tỷ USD, lần đầu tiên vượt qua 1 nghìn tỷ USD, chỉ đứng sau Trung Quốc, với số lượng giờ truy cập internet bình quân của người dân hơn 7 giờ/ ngày và tỉ lệ người dùng internet để mua sắm hàng tuần lên tới 57,8%.

NHIỀU RỦI RO RÌNH RẬP

Vụ thị trường châu Âu, châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết tính đến hết tháng 6/2023, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 11 (cùng kỳ năm ngoái Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 7) của Hoa Kỳ với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt khoảng 57,6 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 2,3% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Hoa Kỳ. Xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 52,8 tỷ USD (chiếm xấp xỉ 3,47% tổng nhập khẩu của Hoa Kỳ), nhập khẩu từ Hoa Kỳ đạt 4,9 tỷ USD.

Theo số liệu Hải quan Hoa Kỳ, Việt Nam duy trì xuất siêu sang Hoa Kỳ và hiện tại đạt 47,9 tỷ USD, xếp thứ 3 trong số các nước có thặng dư thương mại lớn nhất với Hoa Kỳ (sau Trung Quốc với 130,4 tỷ USD và Mexico với 75,5 tỷ USD).

Mặc dù vậy, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam vẫn xuất khẩu sang Hoa Kỳ theo các kênh mua bán truyền thống và hiện nay kênh thương mại này đã có xu hướng giảm sút, đặc biệt là thời gian đại dịch và sau đại dịch Covid-19.

Xuất khẩu thương mại điện tử xuyên biên giới chính là xu hướng rất tiềm năng cho doanh nghiệp hiện nay nhất là với thị trường Hoa Kỳ. Tuy nhiên, ông Trần Đình Toản, Phó Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư và Công nghệ OSB cho rằng có rất nhiều rủi ro mà doanh nghiệp phải đối mặt khi xuất khẩu trực tuyến.

Đó là liên quan tới hợp đồng mua bán không chặt chẽ, khi rủi ro xảy ra doanh nghiệp là người chịu thiệt. Vì vậy cần có các đơn vị tư vấn, luật sư để hỗ trợ doanh nghiệp soạn thảo hợp đồng ngay từ ban đầu.

Vấn đề nữa là giao vận. Đây là vấn đề doanh nghiệp cần quan tâm khi vận chuyển hàng hoá. Doanh nghiệp cần lựa chọn các nhà vận chuyển có uy tín.

Đáng lưu ý, gần đây gia tăng các vụ lừa đảo trong hoạt động thương mại quốc tế, dù các doanh nghiệp dù đã được khuyến cáo sử dụng hình thức thanh toán an toàn hơn như L/C, xác minh năng lực thanh toán.

Ngoài ra, doanh nghiệp cần lựa chọn các mô hình thương mại điện tử uy tín để xuất khẩu vì họ có hệ thống bảo mật đa cấp. Cần rất thận trọng trong truy cập vào các đường link, spam, chia sẻ tài khoản, cho mượn tài khoản…

Theo bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), thách thức với doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa khi xuất khẩu qua sàn thương mại điện tử cũng giống như xuất khẩu truyền thống đó là thích ứng được với những quy định khắt khe của những thị trường truyền thống như Hoa Kỳ, EU…

Bên cạnh đó, kỹ năng khai thác những ứng dụng mới của thương mại điện tử nhằm tối ưu hoá chi phí, tối ưu hoá khách hàng tiềm năng. Doanh nghiệp phải mất khoảng thời gian nhất định để nắm bắt được những công cụ trên các nền tảng thương mại nhằm khai thác hiệu quả những tính năng của sàn để đưa được những đơn hàng thực tế.

Ngoài ra là rào cản về ngôn ngữ, thanh toán, logistics… Theo đại diện Bộ Công , bán hàng qua thương mại điện tử chủ yếu là trực tiếp cho khách hàng nên đơn hàng nhỏ, do đó vấn đề vận chuyển, logistics cũng không đơn giản.

GIẢI PHÁP NÀO?

Theo ông Toản, để khai thác hiệu quả hơn các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới, điều quan trọng đầu tiên mà doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý là sản phẩm phải có khả năng xuất khẩu, có sức cạnh tranh. Vì mỗi nền tảng thương mại điện tử có những mảng sản phẩm đặc thù, nên sản phẩm đưa lên sàn không đúng, không phù hợp thì không thể thành công.

Mặt khác, doanh nghiệp cần phải hết sức lưu ý đến việc tìm hiểu tính năng, tận dụng tối đa các chức năng của các nền tảng thương mại điện tử. Sàn thương mại điện tử không chỉ là nơi giao thương mua - bán mà nó còn thực hiện nhiều chức năng khác, ví dụ như hoạt động hội chợ ảo, hoạt động kết nối giao thương.

“Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) hay VR (thực tế ảo) trên các sàn thương mại điện tử khiến cho hoạt động mang tính đa chiều, theo đó khoảng cách giữa người mua và người bán được thu hẹp. Người mua có thể mời người bán đến nhà xưởng thăm quan như thực tế. Doanh nghiệp cần tận dụng điều này”, ông Toản lưu ý.

Mặt khác, cần xây dựng gian hàng trên sàn thương mại điện tử có uy tín. Đây là điều rất quan trọng bởi theo đại diện OSB, rất nhiều doanh nghiệp có thương hiệu tốt trên thị trường thực tế nhưng lại không để ý đến môi trường trực tuyến.

Có rất nhiều doanh nghiệp lớn nhưng khi nhìn trên môi trường trực tuyến, khách hàng không nhận ra đó là doanh nghiệp lớn và ngược lại. Đó là điều khiến rất nhiều doanh nghiệp mất cơ hội kinh doanh. Bởi trên môi trường ảo, người mua chỉ có vài giây để cân nhắc đặt hàng hay không, hay chuyển sang gian hàng khác. Vì thế, doanh nghiệp phải sử dụng nhiều dịch vụ khác để hỗ trợ tốt cho gian hàng của mình.

Ngoài ra, hiện nay xu hướng sản phẩm xanh đang rất phổ biến, đặc biệt là thị trường châu Âu, châu Mỹ. Do đó cần đưa các sản phẩm này lên các gian hàng thương mại điện tử, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.

Bên cạnh việc đầu tư chi phí xây dựng gian hàng, theo ông Toản, doanh nghiệp cần đầu tư cho nhân sự làm việc 24/24, chứ không phải chỉ 8 tiếng, nhất là khi buổi tối của Việt Nam là buổi sáng của Mỹ và châu Âu. Khi khách hàng muốn chat trực tiếp trên các công cụ đó, nhưng thấy gian hàng không sáng đèn họ sẽ bỏ qua, như vậy doanh nghiệp bị tuột mất cơ hội.

Đồng thời, doanh nghiệp cần minh bạch hoá, số hoá các điểm chạm với người mua hàng. Điều này vô cùng quan trọng, giúp doanh nghiệp tiếp cận được các thị trường khó tính như Mỹ.