17:09 24/05/2012

HSBC: Việt Nam sẽ giảm lãi suất trong hai tuần tới

Hoàng Vũ

Dự tính này vừa được nhóm phân tích của HSBC đưa ra chiều 24/5, sau diễn biến của lạm phát từ đầu năm đến nay

Theo HSBC, lạm phát đã giảm mạnh hơn so với dự kiến sẽ đẩy sớm hơn quá trình hạ lãi suất.
Theo HSBC, lạm phát đã giảm mạnh hơn so với dự kiến sẽ đẩy sớm hơn quá trình hạ lãi suất.
Dự tính này vừa được nhóm phân tích của HSBC đưa ra chiều 24/5, sau diễn biến của lạm phát từ đầu năm đến nay.

“Cuối cùng thì lạm phát một con số mà Việt Nam từng mòn mỏi trông đợi cũng đã diễn ra trong tháng Năm”, khá nhanh, bản báo cáo cập nhật thông tin về lạm phát vừa được công bố sáng nay.

Gần hai năm kể từ lần cuối cùng Việt Nam đạt mức lạm phát một con số, điều đó mới trở lại. Kết quả này được nhìn nhận ở việc áp dụng các biện pháp thắt chặt từ đầu năm 2011. Nhu cầu nội địa thấp kéo giá cả lương thực thực phẩm giảm sút cũng như đà tăng trưởng của nền kinh tế.

Với diễn biến của lạm phát từ đầu năm 2012, Ngân hàng Nhà nước đã cắt giảm lãi suất tổng cộng 2% trong tháng 3 và tháng 4 vừa qua. “Do giá xăng dầu tiếp tục giảm và nhu cầu vẫn còn uể oải và với tình hình lạm phát giảm nhiều so với dự kiến, Ngân hàng Nhà nước sẽ có thể cắt giảm lãi suất trong hai tuần tới”, HSBC dự tính.

Cụ thể, lạm phát toàn phần tháng 5 đã giảm từ 10,5% trong tháng 4 xuống còn 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Kể từ tháng 10/2010, tỷ lệ lạm phát của Việt Nam luôn ở mức hai con số, nổi bật là lạm phát tháng 8/2011 đạt mức đỉnh điểm 23% so với cùng kỳ năm trước.

Mặc dù việc giảm giá xăng dầu cũng hỗ trợ một phần vào sự suy giảm lạm phát (Chính phủ đã hạ giá xăng dầu hai lần theo xu thế giảm trên thị trường quốc tế), nhưng nguyên nhân chính vẫn là do nhu cầu tổng thể trong nước thấp. Kết quả là, giá lương thực thực phẩm đã giảm mạnh (thực phẩm chiếm 40% trong rổ chỉ số giá tiêu dùng).

Xăng dầu giảm giá và nhu cầu trong nước thấp khiến lạm phát có khả năng giảm. Tín dụng cũng giảm trong quý đầu năm 2012 chứng tỏ tình hình hoạt động kinh doanh thật sự khó khăn tại Việt Nam. Nguyên nhân là các doanh nghiệp không thể tiếp cận vốn vay do lãi suất cao hoặc thiếu tài sản đảm bảo để được vay tín dụng.

Mặc dù việc cắt giảm lãi suất cho thấy nỗ lực của Chính phủ để làm dịu bớt tình hình sản xuất kinh doanh, tín dụng dường như khó có thể cải thiện đáng kể trong năm nay do nhu cầu vẫn còn uể oải. Khi lạm phát giảm, Ngân hàng Nhà nước có khả năng cắt giảm thêm lãi suất.

“Tuy chúng tôi có dự đoán sắp tới sẽ còn nhiều đợt cắt giảm lãi suất, nhưng tình hình lạm phát đã giảm mạnh hơn so với dự kiến sẽ đẩy sớm hơn quá trình hạ lãi suất. Vì vậy, chúng tôi đang chờ một đợt giảm trần lãi suất huy động cũng như các mức lãi suất chính sách trong vòng hai tuần tới”, báo cáo của HSBC nhấn mạnh thêm.