17:15 28/12/2021

Jack Ma và loạt tỷ phú Trung Quốc mất hàng tỷ USD năm 2021

Ngọc Trang

Trong top 10 tỷ phú chứng kiến tài sản giảm mạnh nhất năm 2021 có tới 6 người Trung Quốc...

Từ trái sang phải: Tỷ phú Jack Ma, Colin Zheng Huang và Masayoshi Son - Ảnh: Forbes
Từ trái sang phải: Tỷ phú Jack Ma, Colin Zheng Huang và Masayoshi Son - Ảnh: Forbes

Theo Forbes, 2021 là năm ăn nên làm ra của các tỷ phú thế giới khi tính từ đầu năm đến ngày 15/12, tổng giá trị tài sản của 2.600 tỷ phú tăng thêm khoảng 1.600 tỷ USD. Tuy nhiên, không ít người chứng kiến một năm thất bát, đặc biệt là các tỷ phú Trung Quốc.

Dưới đây là 10 tỷ phú có tài sản sụt giảm mạnh nhất trong năm 2021 (số liệu tính tới ngày 15/12/2021).

COLIN ZHENG HUANG

Quốc tịch: Trung Quốc

Tài sản: 22,4 tỷ USD

Giá trị tài sản giảm trong năm 2021: 40,2 tỷ USD

Người sáng lập Pinduoduo - Ảnh: Bloomberg
Người sáng lập Pinduoduo - Ảnh: Bloomberg

Chiến dịch siết quản lý với lĩnh vực công nghệ của Chính phủ Trung Quốc khiến Colin Zheng Huang – người sáng lập nền tảng thương mại điện tử Pinduoduo – chịu thiệt hại nặng nề nhất. Tài sản của tỷ phú này đã giảm 64% so với hồi đầu năm do giá cổ phiếu Pinduoduo lao dốc.

Vốn chịu ảnh hưởng bởi các cuộc điều tra chống độc quyền nhằm vào những công ty internet khổng lồ của Bắc Kinh, Pinduoduo càng lao đao sau khi Huang đột ngột từ chức chủ tịch hồi tháng 3, ngay sau khi nền tảng này vượt qua Alibaba trở thành hãng thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc về số lượng khách hàng hoạt động hàng năm. Cổ phiếu Pinduoduo tiếp tục giảm 21% sau khi công ty này báo doanh thu quý 3 không đạt dự báo của các nhà phân tích.

JACK MA

Quốc tịch: Trung Quốc

Tài sản: 37 tỷ USD

Giá trị tài sản giảm trong năm 2021: 21,4 tỷ USD

Tỷ phú Jack Ma - Ảnh: Getty Images
Tỷ phú Jack Ma - Ảnh: Getty Images

Từng là người giàu nhất Trung Quốc, thậm chí giàu nhất châu Á, Jack Ma – người đồng sáng lập Alibaba, gần như biến mất khỏi truyền thông sau khi nhà chức trách có một loạt động thái mạnh với các công ty của ông.

Cụ thể, tháng 11/2020, thương vụ chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) dự kiến trị giá tới 35 tỷ USD của Ant Group – công ty công nghệ tài chính của Alibaba – bất ngờ bị đình chỉ ngay trước thềm lên sàn. Tới tháng 4/2021, Alibaba lĩnh án phạt kỷ lục 2,8 tỷ USD với cáo buộc vi phạm quy định chống độc quyền. Từ đầu năm đến nay, giá cổ phiếu Alibaba đã giảm hơn 46%, “thổi bay” 37 tỷ USD khỏi tài sản của tỷ phú 57 tuổi.

HỨA GIA ẤN (HUI KA YAN)

Quốc tịch: Trung Quốc

Tài sản: 9,1 tỷ USD

Giá trị tài sản giảm trong năm 2021: 18 tỷ USD

Ông Hứa Gia Ấn - Ảnh: Bloomberg
Ông Hứa Gia Ấn - Ảnh: Bloomberg

Năm 2021 là năm thứ hai liên tiếp ông Hứa Gia Ấn lọt vào danh sách những tỷ phú có tài sản giảm mạnh nhất. Tỷ phú này tiếp tục mất gần 20 tỷ USD khi “đế chế” địa ốc Evergrande Group rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính với khối nợ khổng lồ 300 tỷ USD.

Tập đoàn địa ốc khổng lồ do ông sáng lập và làm chủ tịch chính thức vỡ nợ vào tháng 12. Ngày 15/12, cổ phiếu Evergrande giao dịch trên sàn chứng khoán Hồng Kông với mức giá chỉ còn 0,19 USD/cổ phiếu.

Vật lộn để duy trì công ty, ông Hứa được cho là đã bơm 1 tỷ USD từ tài sản cá nhân vào Evergrande. Ông cũng bị buộc phải bán số cổ phần đã cam kết. Hiện tại, tỷ phú này đang đối mặt với áp lực đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu khối nợ 300 tỷ USD trong bối cảnh nhiều người lo lắng về nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng nợ lớn hơn trên thị trường bất động sản Trung Quốc. Theo tính toán của Forbes, ông Hứa đã nhận 8 tỷ USD cổ tức từ Evergrande trong khoảng thời gian từ 2009 (năm công ty IPO) tới năm 2020.

ZHANG YONG

Quốc tịch: Singapore

Tài sản: 7,6 tỷ USD

Giá trị tài sản giảm trong năm 2021: 15,9 tỷ USD

Ông chủ chuỗi lẩu Haidilao - Ảnh: Bloomberg
Ông chủ chuỗi lẩu Haidilao - Ảnh: Bloomberg

Ông Zhang Yong là người sáng lập, chủ tịch của Haidilao - chuỗi cửa hàng lẩu lớn nhất Trung Quốc và có chi nhánh trên khắp thế giới. Trên nền tảng tăng trưởng nhanh suốt nhiều năm, Haidilao đã đánh cược lớn khi quyết định triển khai kế hoạch mở rộng lớn nhất từ trước tới nay trong đại dịch với việc tăng gấp đôi số cửa hàng lên 1.600.

Tuy nhiên, những đợt bùng dịch mới cùng tâm lý thận trọng của người tiêu dùng với các trải nghiệm ăn uống tập trung tại Haidilao khiến nhu cầu không đủ lớn để lấp đầy các cửa hàng của chuỗi lẩu này. Hồi tháng 11, Haidilao thông báo sẽ tạm dừng hoặc đóng cửa 300 cửa hàng vào cuối năm nay. Tính từ đầu năm tới ngày 15/12, giá cổ phiếu công ty này giảm 71%, khiến tài sản của ông Zhang giảm tới 15,9 tỷ USD.

TADASHI YANAI

Quốc tịch: Nhật Bản

Tài sản: 30,4 tỷ USD

Giá trị tài sản giảm trong năm 2021: 14 tỷ USD

Tỷ phú Tadashi Yanai - Ảnh: Getty Images
Tỷ phú Tadashi Yanai - Ảnh: Getty Images

Ông Tadashi Yanai, người sáng lập “đế chế” thời trang Fast Retailing – công ty mẹ thương hiệu Uniqlo – đã mất khoảng 1/3 tài sản do giá cổ phiếu công ty này giảm khoảng 34% trong năm nay. Dù doanh thu 8 tháng đầu năm tăng 8% và lợi nhuận trước thuế tăng hơn 70% so với cùng kỳ năm 2020, Fast Retailing vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề bởi các biện pháp hạn chế cũng như phong tỏa để phòng dịch trong năm qua, trong đó có việc phải đóng cửa nhà máy tại Việt Nam trong vài tháng.

Ngoài ra, công ty này cũng gặp phải nhiều vấn đề với các nhà cung cấp ở Myanmar – nơi xảy ra cuộc đảo chính của quân đội gây bất ổn chính trị, cũng như những cáo buộc vi phạm nhân quyền với người dân tộc thiểu số tại khu vực Tân Cương, Trung Quốc. Fast Retailing phủ nhận các cáo buộc này.

LEI JUN

Quốc tịch: Trung Quốc

Tài sản: 16,3 tỷ USD

Giá trị tài sản giảm trong năm 2021: 14 tỷ USD

Ông chủ Xiaomi - Ảnh: Bloomberg
Ông chủ Xiaomi - Ảnh: Bloomberg

Tài sản của Lei Jun – người sáng lập, chủ tịch Xiaomi, một trong những thương hiệu điện thoại thông minh phổ biến nhất thế giới – đã giảm gần một nửa trong năm qua. Dù tránh được các biện pháp siết quản lý của nhà chức trách Trung Quốc, Xiaomi phải vật lộn với các vấn đề với chuỗi cung ứng, đặc biệt là tình trạng thiếu chip, cũng như sự cạnh tranh gay gắt khiến thị phần của công ty sụt giảm. Trong báo cáo kết quả kinh doanh quý 3/2021, Xiaomi ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu thấp nhất kể từ đầu năm 2020 và dự báo tình trạng thiếu chip sẽ còn tiếp diễn trong năm 2022.

MASAYOSHI SON

Quốc tịch: Nhật Bản

Tài sản: 25,1 tỷ USD

Giá trị tài sản giảm trong năm 2021: 13,6 tỷ USD

Tỷ phú Masayoshi Son - Ảnh: Getty Images
Tỷ phú Masayoshi Son - Ảnh: Getty Images

Việc Bắc Kinh siết quản lý với các hãng công nghệ Trung Quốc cũng đã ảnh hưởng lớn tới ông Masayoshi Son - người sáng lập, CEO của tập đoàn SoftBank. SoftBank cũng như quỹ đầu tư Vision Fund của tập đoàn này hiện nắm cổ phần lớn tại hàng loạt công ty công nghệ Trung Quốc như Alibaba hay hãng gọi xe công nghệ Didi Global.

Trong quý 3/2021, quỹ Vision Fund báo lỗ kỷ lục 7,3 tỷ USD từ các khoản đầu tư vào công ty công nghệ Trung Quốc, trong đó có IPO của Didi, khiến giá cổ phiếu SoftBank sụt giảm mạnh. Tài sản của ông Son đã giảm 13,6 tỷ USD trong năm qua.

DANIEL GILBERT

Quốc tịch: Mỹ

Tài sản: 29,6 tỷ USD

Giá trị tài sản giảm trong năm 2021: 13,2 tỷ USD

"Ông trùm" cho vay thế chấp Daniel Gilbert - Ảnh: AP
"Ông trùm" cho vay thế chấp Daniel Gilbert - Ảnh: AP

2021 là một năm sóng gió với cổ phiếu công ty cho vay thế chấp Rocket Companies của tỷ phú Dan Gilbert. Hồi tháng 3, ông lọt vào top 10 người giàu nhất thế giới khi tài sản tăng vọt lên 80 tỷ USD. Tuy nhiên, sau đó, giá cổ phiếu công ty này giảm mạnh và tính từ đầu năm tới ngày 15/12 giảm tới 62% do doanh thu và lợi nhuận đi xuống. Theo đó, tài sản của “ông trùm” cho vay thế chấp sụt hơn 13 tỷ USD, xuống còn hơn 29 tỷ USD.

ZHANG BANGXIN

Quốc tịch: Trung Quốc

Tài sản: 1,2 tỷ USD

Giá trị tài sản giảm trong năm 2021: 11,3 tỷ USD

Ông Zhang Bangxin - Ảnh: VCG
Ông Zhang Bangxin - Ảnh: VCG

Dưới sự giám sát nghiêm ngặt của nhà chức trách, lĩnh vực dạy thêm tại Trung Quốc chịu ảnh hưởng nặng nề trong năm qua. Giới chức Trung Quốc cho rằng việc dạy thêm tạo quá nhiều áp lực cho học sinh cũng như phụ huynh và lĩnh vực này đang tăng trưởng “quá nóng” với dòng vốn đầu tư ồ ạt.

Do đó, hàng loạt quy định mới nghiêm ngặt hơn đã được đưa ra để siết quản lý lĩnh vực này, bao gồm cấm huy động vốn từ nhà đầu tư nước ngoài hoặc qua niêm yết cổ phiếu, yêu cầu những công ty dạy thêm các môn học chính khóa phải đăng ký là tổ chức phi lợi nhuận…

Công ty dịch vụ giáo dục TAL Education do Zhang Bangxin đồng sáng lập và làm chủ tịch là một trong những công ty chịu ảnh hưởng nặng nề trong năm qua khi giá cổ phiếu lao dốc, “thổi bay” tới 90% tài sản của ông Zhang.

ZHONG HUIJUAN

Quốc tịch: Trung Quốc

Tài sản: 10 tỷ USD

Giá trị tài sản giảm trong năm 2021: 10,4 tỷ USD

Nữ tỷ phú Zhong Huijuan - Ảnh: Getty Images
Nữ tỷ phú Zhong Huijuan - Ảnh: Getty Images

Bà Zhong Huijuan là người sáng lập, chủ tịch kiêm CEO của hãng dược Trung Quốc Hansoh Pharmaceutical. Bà từng là một trong những phụ nữ giàu nhất thế giới sau khi đưa công ty lên sàn chứng khoán vào năm 2019 và chứng kiến giá cổ phiếu tăng tới 130%. Tuy nhiên, cổ phiếu Hansoh đã mất hơn 50% giá trị trong năm 20121 và hiện giao dịch ở dưới mức giá IPO. Theo đó, tài sản của bà Zhong giảm hơn một nửa trong năm nay, xuống còn 10 tỷ USD.