Kế hoạch thám hiểm Mặt Trăng của Ấn Độ bị hoãn vào phút chót
Kế hoạch đưa tàu thám hiểm lên Mặt Trăng của Ấn Độ đã bị hoãn ngay trước khi vụ phóng được tiến hành vào sáng ngày 15/7
Kế hoạch đưa tàu thám hiểm lên Mặt Trăng của Ấn Độ đã bị hoãn ngay trước khi vụ phóng được tiến hành vào sáng ngày 15/7. Nếu kế hoạch này được thực thi, Ấn Độ sẽ trở thành quốc gia đầu tiên đưa thiết bị lên phần phía Nam của Mặt Trăng.
Chuyến du hành của hệ thống thám hiểm mang tên Chandrayaan-2 đã bị dừng 56 phút trước giờ phóng do "trở ngại kỹ thuật", hãng tin Bloomberg dẫn thông tin từ Tổ chức Nghiên cứu vũ trụ Ấn Độ (ISRO) cho hay.
Vụ phóng dự kiến diễn ra tại một hòn đảo nhỏ ở miền Nam Ấn Độ, đã thu hút hơn 100 nhà báo tới đưa tin. Kế hoạch này không bị hủy hoàn toàn, mà vụ phóng sẽ được tiến hành vào một thời điểm khác hiện chưa được công bố.
Hệ thống Chandrayaan-2, nặng 3,8 tấn, dự kiến mất khoảng 2 tháng để tới Mặt Trăng. Khi đến nơi, hệ thống sẽ di chuyển xung quanh một quỹ đạo tròn cách bề mặt của Mặt Trăng khoảng 100 km.
Hệ thống trên bao gồm 3 phần, một tàu quỹ đạo mặt trăng, một tàu đổ bộ, và một xe thám hiểm. Khi hệ thống đã vào quỹ đạo, tàu đổ bộ sẽ tách khỏi tàu quỹ đạo và hạ cánh nhẹ nhàng xuống bề mặt của Mặt Trăng ở phần phía Nam, vào thời điểm khoảng ngày 6/9.
Tiếp đó, xe thăm dò mang tên Pragyan sẽ được triển khai và có cuộc khám phá Mặt Trăng trong 14 ngày. Trong chuyến đi này, Pragyan sẽ thu thập các mẫu khoáng chất và hóa chất để phân tích về thành phần bề mặt của Mặt Trăng. Trong vòng 1 năm sau đó, tàu quỹ đạo sẽ vẽ bản đồ bề mặt của Mặt Trăng và nghiên cứu về bầu khí quyển bao quanh Mặt Trăng.
Kế hoạch trên sẽ đưa Ấn Độ vào một "câu lạc bộ" đặc biệt đến nay mới chỉ có ba quốc gia là Liên Xô cũ, Mỹ và Trung Quốc đưa thành công tàu thăm dò lên Mặt Trăng. Ấn Độ đã đặt mục tiêu trở thành một cường quốc vũ trụ và đưa nhà du hành vào không gian vào năm 2022.
Chiến lược này của Ấn Độ khiến "cuộc đua" trong vũ trụ ngày càng "nóng". Ngoài các quốc gia, nhiều tỷ phú thế giới như Jeff Bezos, Elon Musk và Richard Branson cũng đã có kế hoạch lớn về lĩnh vực vũ trụ, từ phóng vệ tinh, cho tới đưa nhà du hành và du khách vào không gian.