12:00 13/11/2017

Khó chọn phương án thêm vốn cho mặt bằng sân bay Long Thành

Nguyên Vũ

Cả hai phương án Chính phủ đề xuất thêm vốn cho giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành đều chưa thuyết phục được đại biểu Quốc hội

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nhận xét cả hai phương án đều gợn.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nhận xét cả hai phương án đều gợn.

Cả hai phương án Chính phủ đề xuất thêm vốn cho giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành đều chưa thuyết phục được đại biểu Quốc hội.

Sáng 13/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sân bay Long Thành.

Dự thảo nghị quyết nêu tổng mức đầu tư dự án là 22.938 tỷ đồng và nêu hai phương án về nguồn vốn bổ sung, ngoài 5.000 tỷ đồng đã được Quốc hội quyết.

Phương án 1: Bố trí bổ sung 15.000 tỷ đồng trong số 80.000 tỷ đồng cho các dự án quan trọng quốc gia theo Nghị quyết số 26/2016/QH14 ngày 10/11/2016 của Quốc hội và 2.938 tỷ đồng từ nguồn thu tiền sử dụng đất, giao đất tái định cư giai đoạn đầu; trường hợp không đủ thì bố trí từ nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016-2020.

Phương án 2: Ngân sách Trung ương bố trí bổ sung kinh phí 17.938 tỷ đồng từ nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016-2020 để thực hiện dự án.

Nhận xét cả hai phương án đều gợn, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai nói 15.000 tỷ ở phương án 1 đã dự kiến bố trí cho 4 dự án đường sắt và 10 dự án đường bộ, đều được cho là cấp thiết. Còn nếu phương án hai thì cũng chưa đúng với tinh thần tại nghị quyết của Quốc hội và chính Chính phủ cũng không nhất quán về sử dụng nguồn này.

Đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre), Phó chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng phương án hai hợp lý hơn, bố trí trước từ vốn dự phòng sau đó hoàn trả lại thì khả thi hơn.

Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế, đại biểu Trần Hoàng Ngân lại cho rằng phương án 1 khả thi hơn vì nguồn dự phòng không phải là dự phòng chung mà của từng bộ, từng  ngành, từng địa phương nên không thể lấy được mà phải có kế hoạch chi tiết, giải trình rõ ràng, phải qua nhiều bước mới bố trí được.

Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) lại cho rằng nên chọn phương án 2.

Phương án 2 cũng là phương án được Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể mong đại biểu ủng hộ, vì đây là phương án Chính phủ chọn.

Bộ trưởng trình bày, vốn trung hạn nhiệm kỳ này tập trung chủ yếu vào đường cao tốc nên đường sắt và một số công trình đường bộ dở dang mà không phải cao tốc hiện đang là bức xúc rất lớn. Có những công trình đường bộ đã làm một phần nhưng đến bây giờ có những công trình có cầu mà chưa có đường, nếu không bố trí vốn làm trong nhiệm kỳ này thì còn khoảng 4-5 năm nữa mới bố trí được sẽ dẫn đến bức xúc ghê gớm, dẫn đến lãng phí. Do đó Chính phủ đề xuất bố trí nguồn vốn thực hiện 10 công trình quốc lộ đang bức xúc từ 80 ngàn tỷ cho các dự án quan trọng Quốc gia. 4 dự án cầu yếu của đường sắt, theo Bộ trưởng nếu nhiệm kỳ này không làm xong thì 4-5 năm nữa mới xong được... nếu xảy ra sự cố thì hết sức khó khăn.

Riêng cơn bão số 12 vừa qua ở Phú Yên bị sạt lở đoạn 35m, sâu 30m, rộng 10m thì tốn hơn 100 tỷ để khắc phục mà đến thời điểm này chưa xong. Tuyến đường sắt Bắc – Nam dù lạc hậu nhưng vẫn là thế mạnh của chúng ta, nếu đường sắt có vấn đề thì có ảnh hưởng nghiêm trọng, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng nếu chọn phương án 2 thì phải điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và cũng không nhất quán trong sử dụng nguồn lực.

Với phương án 1, ông Hiển phân tích: 80.000 tỷ theo quy định là phải đầu tư cho công trình trọng điểm quốc gia - công trình có giá trị trên 10.000 tỷ. Trong số này Chính phủ đề nghị bố trí cho các công trình đều dưới 10.000 tỷ, tức không phải công trình  trọng điểm quốc gia nên không thể dùng nguồn này. Nhưng nếu tiền cho các công trình đó lại có thể lấy từ nguồn dự phòng, Chính phủ trình và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có quyền xem xét. 

Nếu sử dụng phương án 1 thì hoàn toàn hợp lý, ông Hiển nói.