Không để vật nuôi chứng kiến đồng loại bị giết mổ
Đó là quy định đã được luật hoá tại Luật Chăn nuôi vừa được Quốc hội thông qua
Chiều 19/11 Quốc hội đã thông qua hai Luật Trồng trọt, Luật Chăn nuôi với đa số phiếu tán thành.
Cả hai luật đều có hiệu lực thi hành từ 1/1/2020.
Gây ngất vật nuôi trước khi giết mổ
Theo quy định đối xử nhân đạo với vật nuôi tại điều 69 của Luật Chăn nuôi thì tổ chức, cá nhân có hoạt động chăn nuôi phải thực hiện các yêu cầu sau đây:
1. Có chuồng trại, không gian chăn nuôi phù hợp với vật nuôi;
2. Cung cấp đủ thức ăn, nước uống bảo đảm vệ sinh;
3. Phòng bệnh và trị bệnh theo quy định của pháp luật về thú y;
4. Không đánh đập, hành hạ vật nuôi
Điều 71 quy định:
Cơ sở giết mổ vật nuôi phải thực hiện các yêu cầu sau đây:
1. Có nơi lưu giữ vật nuôi bảo đảm vệ sinh; cung cấp nước uống phù hợp với vật nuôi trong thời gian chờ giết mổ;
2. Hạn chế gây sợ hãi, đau đớn cho vật nuôi; không đánh đập, hành hạ vật nuôi;
3. Có biện pháp gây ngất vật nuôi trước khi giết mổ; không để vật nuôi chứng kiến đồng loại bị giết mổ.
Báo cáo giải trình, tiếp thu trước khi đại biểu bấm nút, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết, một số vị đại biểu đề nghị nghiên cứu và quy định cụ thể việc quản lý đối với từng loại danh mục giống vật nuôi, nhất là đối với vật nuôi quý, hiếm cần bảo tồn; bổ sung quy định định kỳ cập nhật danh mục này cho phù hợp với tình hình thực tế và pháp luật có liên quan.
Theo báo cáo, dự thảo luật đã quy định danh mục giống vật nuôi cần bảo tồn và danh mục giống vật nuôi cấm xuất khẩu để giữ gìn nguồn gen giống vật nuôi quý, hiếm của Việt Nam, quy định cụ thể về việc trao đổi nguồn gen giống vật nuôi quý, hiếm và trình tự, thủ tục trao đổi để khuyến khích việc xuất khẩu, chuyển giao giống vật nuôi từ Việt Nam ra nước ngoài phù hợp với Luật Chuyển giao công nghệ.
Vì thế, dự thảo đã tiếp thu ý kiến đại biểu về bổ sung quy định giao Chính phủ cập nhật 2 danh mục này tại điều 19.
10 hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động trồng trọt
Điều 8 Luật Trồng trọt quy định 10 hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động trồng trọt:
1. Sản xuất, buôn bán, nhập khẩu giống cây trồng chưa được cấp Quyết định công nhận lưu hành hoặc tự công bố lưu hành tại Việt Nam, trừ trường hợp được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
2. Sản xuất, buôn bán, nhập khẩu phân bón chưa được cấp Quyết định công nhận lưu hành tại Việt Nam trừ trường hợp nhập khẩu phân bón quy định tại khoản 2 Điều 44 của Luật này và sản xuất phân bón để xuất khẩu theo hợp đồng với tổ chức, cá nhân nước ngoài.
3. Sản xuất, buôn bán giống cây trồng không đáp ứng điều kiện sản xuất, buôn bán; sản xuất, buôn bán phân bón chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, buôn bán phân bón.
4. Sản xuất, buôn bán, nhập khẩu giống cây trồng, phân bón, vật tư nông nghiệp khác và sản phẩm cây trồng giả, hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc.
5. Cung cấp thông tin về giống cây trồng, phân bón sai lệch với thông tin đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc sai lệch với thông tin tự công bố.
6. Thực hiện trái phép dịch vụ khảo nghiệm, thử nghiệm, kiểm định ruộng giống, giám định, chứng nhận chất lượng giống cây trồng, sản phẩm cây trồng, phân bón.
7. Cung cấp sai hoặc giả mạo kết quả khảo nghiệm, thử nghiệm, kiểm định ruộng giống, kiểm tra, giám định, chứng nhận chất lượng, hợp chuẩn, hợp quy về vật tư nông nghiệp và sản phẩm cây trồng.
8. Xuất khẩu trái phép giống cây trồng thuộc Danh mục nguồn gen giống cây trồng cấm xuất khẩu.
9. Canh tác gây hại cho cây trồng, vật nuôi và sức khoẻ con người; gây ô nhiễm môi trường; suy thoái và cạn kiệt tài nguyên đất, nước và đa dạng sinh học.
10. Khai thác, sử dụng trái phép tầng đất mặt của đất chuyên trồng lúa nước vào mục đích phi nông nghiệp.