Không phải ai cũng dùng được sữa ong chúa
Không uống sữa ong chúa chung với bia, rượu, cà phê, khi cơ thể đang sốt vì nó làm gia tăng sự hấp thụ các chất độc vào máu và làm gan thận mệt mỏi hơn.

Khi lên trang tìm kiếm thông tin phổ biến nhất trên mạng là google đánh cụm chữ "sữa ong chúa" thì chưa đầy 0,25 giây đã hiện ra trên 1,13 triệu kết quả tìm kiếm. Còn nếu đánh cụm chữ "công dụng của sữa ong chúa" thì 2,15 triệu kết quả đã hiện ra trong chưa đầy 0,18 giây. Điều này cho thấy sức hút, sự quan tâm của mọi người đối với sản phẩm sữa ong chúa lớn như thế nào.Vậy sữa ong chúa là gì, có thần diệu đến thế hay không? Nhà nghiên cứu, tiến sĩ Võ Văn Chi (tác giả cuốn Từ điển Động vật và khoáng vật làm thuốc ở Việt Nam) cho biết sữa ong chúa hay còn gọi là phong nhũ. Các ong thợ khi ăn thật no mật phấn hoa rồi thì tuyến hạ hầu bị kích thích, các tế bào căng phồng lên vì phải chứa một thứ sữa màu vàng mỡ gà. Tất cả ong thợ khi có sữa sẽ đưa vào kho dự trữ của tổ để làm thức ăn riêng cho ong chúa, ấu chúa và ấu trùng ong, cho nên gọi là sữa ong chúa.Sữa ấy còn quý hơn phấn hoa, phấn ong vì nó có tới 20 loại acid amin quan trọng, lại còn rất nhiều vitamin A, B1, B2, B6, B12, D, PP… và kích thích tố nữa. Sữa ong chúa là nguồn dược liệu quan trọng để chế ra nhiều thứ thuốc bổ.


Mặc dù có rất nhiều công dụng thần kỳ như vậy, nhưng để mua được sữa ong chúa hoàn toàn nguyên chất thì không phải dễ. Thị trường hiện nay hàng giả, hàng nhái rất là nhiều, thị trường sữa ong chúa tươi trong nước cũng đang loạn về giá cả lẫn chất lượng. Vì nhu cầu rất lớn của mọi người về sản phẩm tuyệt vời này nên các cơ sở kinh doanh sữa ong chúa mọc ra như nấm. Người tiêu dùng phải cẩn trọng, sáng suốt lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không nên ham rẻ mà nhắm mắt làm liều.Ông Phùng Đình Khánh, Chủ tịch Hội Đông y Ninh Bình cho biết: "Sữa ong chúa là loại thuốc bổ cao cấp, thành phần dinh dưỡng phong phú và có tác dụng chữa nhiều loại bệnh, nhưng không phải ai cũng có thể dùng. Sữa ong chúa có thể chữa các loại bệnh như: loét dạ dày và đường ruột, bệnh cao huyết áp, bệnh xơ cứng động mạch, suy nhược thần kinh, viêm khớp xương, thiếu dinh dưỡng, hen suyễn... Tuy nhiên, theo y học, có một số trường hợp không nên dùng sữa ong chúa như: người dễ bị dị ứng, người bị tiêu chảy và rối loạn tiêu hóa, người huyết áp thấp, bệnh nhân sau khi phẫu thuật, sức khỏe chưa phục hồi lại, bệnh nhân đang sốt, nôn ra máu hay bị vàng da đều không nên dùng sữa ong chúa... vì bệnh sẽ nặng thêm".
Tiến sĩ Võ Văn Chi cũng phân tích rõ rằng sữa ong chúa có tới 20 loại acid amin nhưng trong đó có 12 loại mà cơ thể con người không thể tổng hợp được. Có thể dùng sữa ong chúa như mật ong thường nhưng với liều thấp hơn và hiện đang được sử dụng chữa một số bệnh khác như suy dinh dưỡng trẻ em, thấp khớp, hen suyễn, sởi, huyết áp cao, viêm gan truyền nhiễm, thần kinh suy nhược. Một ngày chỉ nên dùng 2 - 5g sữa ong chúa, dạng thuốc uống hoặc tiêm.
