“Không phải cứ xây trường đẹp thì là trường quốc tế”
"Trường gắn mác quốc tế là phải có chương trình đào tạo quốc tế rõ ràng, đội ngũ giáo viên đạt chuẩn, không phải cứ xây trường cho đẹp thì gọi là trường quốc tế là không đúng"
TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội nêu quan điểm như vậy liên quan đến vấn đề trường quốc tế tại Việt Nam.
Bàn về vấn đề trên, TS. Nguyễn Tùng Lâm thừa nhận, luật pháp hiện nay chưa có quy định nào về trường quốc tế cả. Tuy nhiên, trên thực tế do nhu cầu của người dân mong muốn cho con được học nền giáo dục tốt hơn, với chất lượng ngày càng được nâng cao, do đó, lợi dụng tâm lý này, một số trường đã tự gắn mác quốc tế vào tên trường.
TS Tùng Lâm cho rằng, cần thiết phải đối chiếu, rà soát lại hệ thống các trường mang danh quốc tế, thậm chí cũng có thể đưa những trường chuẩn quốc gia vào diện chuẩn quốc tế nếu người dân có nhu cầu, và điều này là hoàn toàn có thể làm được.
"Nếu nói trường chuẩn quốc gia, hiện nay chúng ta đã có quy định rất chặt chẽ, nhưng ngay trường chuẩn quốc gia tôi cũng thấy vẫn có một số nơi cho nợ đạt chuẩn, như vậy là không được. Những người đánh giá phải nắm được chuẩn và những người thực hiện chuẩn cũng phải thực hiện thường xuyên chứ không phải lúc nào kiểm tra mới làm. Tôi nghĩ chuẩn quốc tế cũng như vậy, trường gắn mác quốc tế là phải có chương trình đào tạo quốc tế rõ ràng, đội ngũ giáo viên đạt chuẩn, không phải cứ xây trường cho đẹp là trường quốc tế là không đúng", TS. Tùng Lâm nêu quan điểm.
Để quản lý tốt vấn đề trên, TS.Tùng Lâm cho rằng, trên tất cả, chính các cán bộ quản lý của ngành giáo dục phải làm tường minh những thông tin của mỗi nhà trường, đáng lẽ không có trường quốc tế thì các trường không được treo biển như vậy.
"Khi nào được nhà nước cho phép và ban hành chuẩn thì các trường mới được làm. Chúng ta phải sớm chuẩn hóa vấn đề này, đảm bảo nghiêm túc cho những người làm giáo dục và không được lợi dụng niềm tin của phụ huynh", TS. Tùng Lâm nhấn mạnh.
Mặc dù vậy, theo TS Tùng Lâm, chính các bậc phụ huynh phải là những người thông minh khi lựa chọn đúng trường cho con, phải xem xét xem trường có thực hiện đúng cam kết không cũng như phải tìm hiểu, tham gia đánh giá.
Hơn hết, trách nhiệm của các cấp quản lý giáo dục là phải làm lành mạnh hóa, luật hóa vấn đề trường quốc tế. "Cái gì không được làm thì các trường không được làm, còn cái gì cho phép mới được làm chứ không thể lẫn lộn trắng đen như hiện nay. Như vậy, cả nhà quản lý lẫn phụ huynh đều phải tham gia, các nhà trường phải cam kết, không thể nói một đằng cam kết một nẻo được", TS. Tùng Lâm nêu ý kiến.
Liên quan đến vấn đề này, Phó giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Lê Ngọc Quang thông tin, theo thống kê chính thức của sở, đến nay trên địa bàn thành phố chỉ có 11 trường theo quy định được gọi là trường quốc tế, còn các trường khác là có yếu tổ nước ngoài chứ không thể gọi là trường quốc tế,.
Ông Quang cho biết, trong thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ công khai danh tính của tất cả những trường có yếu tố quốc tế và trường được gọi là trường quốc tế để người dân và phụ huynh học sinh biết được để có cơ sở chọn lựa trường.
"Chúng tôi cũng sẽ kiểm tra, xử lý theo đúng quy định những trường vi phạm. Các tên gọi phải đúng quy định, luật đã quy định như thế nào thì các trường phải thực hiện như vậy", ông Quang khẳng định.
Đối với những trường mạo danh trường quốc tế, trong khi tại quyết định thành lập của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội không có nhưng nhiều trường tự thêm vào để thu hút học sinh, ông Quang cho rằng, điều này là sai quy định.
"Chúng tôi sẽ yêu cầu các trường làm sai từ bỏ những tên như vậy để tránh hiểu lầm cho phụ huynh học sinh. Tôi cũng nghĩ việc luật hóa quy định về trường quốc tế là cần thiết cũng như có chế tài xử phạt với những đơn vị như vậy", ông Quang nhấn mạnh.