13:01 16/01/2008

Kiến nghị kiểm soát chặt việc phát hành chứng khoán

Hoàng Xuân

Sự thành công của việc huy động vốn trên thị trường chứng khoán trong năm 2007 đặt ra những thách thức không nhỏ

Hiện nay có hiện tượng các doanh nghiệp nhân cơ hội thị trường chứng khoán tăng trưởng đã thực hiện liên tiếp các đợt phát hành thêm cổ phiếu ra công chúng.
Hiện nay có hiện tượng các doanh nghiệp nhân cơ hội thị trường chứng khoán tăng trưởng đã thực hiện liên tiếp các đợt phát hành thêm cổ phiếu ra công chúng.
Phát hành huy động vốn trên thị trường chứng khoán đã trở thành một nội dung được hầu hết các thành viên thị trường đề cập tới tại hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2008, diễn ra tại Hà Nội ngày 15/1/2008.

Sự thành công của hoạt động này trong năm 2007, một mặt đã và đang ngày càng chứng tỏ vai trò kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của thị trường chứng khoán đối với nền kinh tế, mặt khác lại đặt ra những thách thức không nhỏ đối với thị trường và doanh nghiệp.

Kiểm soát kỹ hơn, nhưng bớt thủ tục

Trong bản kiến nghị dài 6 trang về các giải pháp phát triển thị trường trong năm 2008 của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), phần kiến nghị về hoàn thiện hơn nữa các quy định pháp lý về công tác phát hành đã chiếm tới 1/3.

Theo ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng giám đốc BVSC, ngoài việc các quy định pháp lý cần bao phủ rộng khắp các hoạt động phát hành chứng khoán ra công chúng của các loại hình doanh nghiệp trong các tình huống, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nên kiểm soát kỹ hơn việc phát hành ra công chúng nhưng giảm một số thủ tục không cần thiết để rút ngắn thời gian đăng ký phát hành, đồng thời cải tiến một số quy định về giá phát hành và giá bảo lãnh phát hành so với các quy định hiện nay.

“Các quy định pháp lý về việc phát hành thêm chứng khoán ra công chúng của công ty cổ phần hiện nay là tương đối hoàn chỉnh và đầy đủ, tuy nhiên các văn bản pháp luật cần được mở rộng, quy định chi tiết và cụ thể hơn với các tình huống như Công ty FDI, Công ty TNHH bán bớt phần vốn của chủ sở hữu hiện có ra công chúng hoặc chào bán cổ phiếu ra công chúng hoặc kết hợp cả hai hình thức trên để chuyển đổi sang công ty cổ phần.

Hiện nay các quy định về nội dung này đã được nêu trong Nghị định số 14, hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán nhưng mới chỉ quy định đối với công ty FDI tiến hành chuyển đổi kết hợp chào bán chứng khoán ra công chúng, chưa có quy định đối với các công ty TNHH đồng thời các quy định đối với công ty FDI chuyển đổi còn chưa thật sự chi tiết, đầy đủ”, ông Vinh giải thích thêm.

Đối với các công ty cổ phần thành lập mới, theo các quy định hiện hành, trong vòng 2 năm sẽ không được phát hành thêm cổ phiếu ra công chúng vì sẽ không đáp ứng đủ hồ sơ theo quy định. Điều này hạn chế việc huy động vốn đại chúng trong nhân dân đồng thời tạo ra các hình thức phát hành chui, thiếu công bố thông tin và tính minh bạch.

Trong năm 2008 các vấn đề trên cần được hoàn chỉnh để tạo ra được một thị trường sơ cấp lành mạnh, làm cơ sở tiền đề cho thị trường chứng khoán phát triển bền vững cũng như khơi thông nguồn vốn đầu tư cho nền kinh tế.

Hiện nay có hiện tượng các doanh nghiệp nhân cơ hội thị trường chứng khoán tăng trưởng đã thực hiện liên tiếp các đợt phát hành thêm cổ phiếu ra công chúng, tạo ra lượng cung hàng hóa lớn, trong khi lượng vốn huy động sử dụng chưa thật sự hiệu quả, điều này làm cho thị trường chứng khoán chưa vận hành đúng hướng của nó.

Ông Vinh cũng kiến nghị trong năm tới đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước, trong hồ sơ đăng ký chào bán ra công chúng cần có thêm nội dung báo cáo về kết quả sử dụng nguồn vốn huy động lần trước. Báo cáo này phải được nêu trong nghị quyết đại hội đồng cổ đông công ty.

Bên cạnh việc bổ sung này, thời gian xét duyệt hồ sơ cũng cần được rút ngắn hơn nữa theo hướng xem xét chặt chẽ việc phát hành chứng khoán lần đầu ra công chúng, còn những lần phát hành lần sau, thời gian xét duyệt hồ sơ nên xem xét để có thể đẩy nhanh vì doanh nghiệp đã được xem xét kỹ trong phát hành lần đầu.

Theo quy định hiện nay, các doanh nghiệp phát hành phải nêu giá phát hành và giá bảo lãnh phát hành (nếu có) ngay khi nộp hồ sơ đăng ký phát hành. Điều này đă gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp và các tổ chức bảo lãnh phát hành đặc biệt là trong bối cảnh thị trường chứng khoán nhiều biến động và thời gian thẩm định hồ sơ đăng ký phát hành kéo dài như hiện nay. Điều này tạo ra nhiều rủi ro cho doanh nghiệp và nhà bảo lãnh khi ấn định giá phát hành và giá bảo lãnh quá sớm, làm giảm sự an toàn của đợt phát hành.

Trong năm 2008, các cơ quan nhà nước nên xem xét, sửa đổi điều này theo hướng chỉ đề ra các nguyên tắc giá chào bán và giá bảo lãnh trong hồ sơ đăng ký chào bán để tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp và tổ chức phát hành, giúp thị trường chứng khoán phát triển.

Ủy ban: Sẽ xem xét

Năm 2007 được xem là một năm phát triển nhất của thị trường chứng khoán trong lĩnh vực phát hành huy động vốn của các doanh nghiệp. Theo ước tính của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tính cả các đợt IPO, phát hành thêm, chưa nói đến trái phiếu đã lên tới 100 nghìn tỷ đồng. Chính số lượng các doanh nghiệp đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng tăng lên rất nhanh và tập trung vào thời điểm nên ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ của thị trường.

Về phía Ủy ban Chứng khoán, ông Vũ Bằng - Chủ tịch Ủy ban - cho biết sẽ xem xét và nghiên cứu những kiến nghị của các thành viên thị trường. Với kiến nghị giá phát hành, sắp tới Ủy ban sẽ có điều chỉnh phù hợp hơn để đáp ứng thời điểm phát hành.

Riêng với việc xử lý sai mục đích tiền thu được của các đợt phát hành, Ủy ban sẽ ban hành văn bản và xử phạt đích đáng và kiểm tra kỹ hơn đối với hoạt động này.