09:38 21/08/2007

Kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng khá

Quốc Trung

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán tụt dốc thê thảm, kinh tế Mỹ vẫn duy trì đà tăng trưởng khá trong 22 tháng liên tục

Cán cân thương mại quốc tế của Mỹ trong tháng 6/2007 tương đối cân bằng.
Cán cân thương mại quốc tế của Mỹ trong tháng 6/2007 tương đối cân bằng.
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán tụt dốc thê thảm, kinh tế Mỹ vẫn duy trì đà tăng trưởng khá trong 22 tháng liên tục và được dự báo sẽ tăng trưởng 3%/năm trong khoảng 4 năm tới.

Những số liệu mới mà Chính phủ Mỹ vừa công bố cho thấy bức tranh kinh tế nước này khá sáng sủa, bất chấp những lo ngại thị trường nhà đất và chứng khoán đang sa sút và bất ổn.

Thu nhập tăng, cán cân thương mại bình ổn

Bản tin kinh tế Mỹ tháng 8/2007 do phòng thông tin Nhà Trắng vừa phát hành, cho biết tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng trung bình 2,9%/năm kể từ cuối năm 2001 tới nay.

Nét nổi bật trên bức tranh kinh tế Mỹ là tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức rất thấp, thu nhập của người dân tăng lên. Kể từ năm 2003 tới nay, nền kinh tế Mỹ đã tạo thêm được trên 8,3 triệu việc làm mới, trong đó có 1,8 triệu việc làm mới được tạo ra trong khoảng thời gian 12 tháng tính tới hết tháng 7/2007.

Chỉ riêng trong tháng 7/2007 thị trường lao động Mỹ đã tiếp nhận thêm 92.000 việc làm. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp là 4,5%, thấp hơn mức thất nghiệp trung bình của những năm 1960, 1970, 1980 và 1990.

Nhờ chương trình cắt giảm thuế theo đề xuất của Tổng thống Mỹ George W. Bush, trong năm 2007 gần 5 triệu người có thu nhập thấp không phải đóng thuế thu nhập; các doanh nghiệp được giảm khoản thuế trung bình là 4.712 USD; các gia đình có con nhỏ được giảm thuế trung bình 2.864 USD và những người đóng thuế được giảm trung bình là 2.216 USD.

Thu nhập cá nhân tính theo đầu người sau thuế tăng 11,4% và đứng ở mức trung bình 3.400 USD/người. Mức lương tuần trung bình tăng 1,3% trong vòng 12 tháng tính tới hết tháng 7, nghĩa là một gia đình có hai người đi làm sẽ có mức thu nhập tăng thêm 782 USD/năm.

Báo cáo Thương mại quốc tế do Bộ Thương mại Mỹ công bố giữa tháng 8 cho thấy, cán cân thương mại quốc tế của Mỹ trong tháng 6/2007 tương đối cân bằng. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 134,5 tỷ USD, tổng kim ngạch nhập khẩu là 192,7 tỷ USD.

Kim ngạch xuất khẩu của tháng 6 cao hơn so với tháng 5 là 2 tỷ USD trong khi kim ngạch nhập khẩu chỉ tăng 0,9 tỷ USD so với tháng 5. So với cùng kỳ của năm 2006, thâm hụt thương mại đối với hàng hóa và dịch vụ của Mỹ giảm 6,4 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu tăng 13,5 tỷ USD (11,2%); kim ngạch nhập khẩu tăng 7,1 tỷ USD, (3,8%).

Những mặt hàng xuất khẩu của Mỹ tăng trong tháng 6 gồm nguyên liệu công nghiệp (tăng 1,2 tỷ USD); các loại hàng hoá khác (tăng 0,3 tỷ USD); ô tô và phụ tùng ô tô (tăng 0,1 tỷ USD); thực phẩm và đồ uống (tăng 0,1 tỷ USD). Đáng chú ý là xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc trong tháng 6 lên đến mức kỷ lục 5,9 tỷ USD.

Tuy nhiên, trong khi thâm hụt thương mại nói chung của Mỹ giảm xuống còn 59,2 tỷ USD nhờ đồng USD mất giá và một số nhân tố khác, thì thâm hụt với Trung Quốc tiếp tục tăng, lập kỷ lục 21,16 tỷ USD trong tháng 6.

Giảm lãi suất, thị trường chứng khoán phục hồi

Quyết định bất ngờ sáng sớm 17/8 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) giảm lãi suất chiết khấu đã nhanh chóng tác động tích cực đến thị trường chứng khoán Mỹ và kéo theo cả các thị trường chứng khoán châu Âu và châu Á. Quyết định của FED giảm lãi suất chiết khấu từ 6,25% xuống 5,75% đối với các khoản cho vay của FED dành cho các ngân hàng được xem là bước đi mạnh mẽ nhằm bình ổn các thị trường tài chính chao đảo suốt tuần qua.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia phân tích, thị trường tài chính Mỹ sẽ tiếp tục chưa ổn định cho tới khi nào FED tiếp tục giảm lãi suất 5,25% duy trì từ hơn một năm nay đối với các khoản vay ngắn hạn liên ngân hàng.

Các chuyên gia cho rằng, chính quyết định giảm lãi suất chiết khấu của FED, chứ không phải việc bơm gần 120 tỷ USD vào hệ thống ngân hàng, đã tác động rất mạnh, khiến giá cổ phiếu tại thị trường chứng khoán Mỹ phục hồi ngay trong ngày 17/8. Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 1,82%, vượt ngưỡng 13.000 điểm; chỉ số Nasdaq cũng tăng 2,2% lên 2.505 điểm. Chỉ số Standard & Poor 500 tăng 2,4% lên 1.445 điểm.

Chỉ riêng trong ngày 16/8, FED đã phải hai lần đổ tiền vào thị trường nhưng không đảo ngược được xu hướng giảm của các thị trường chứng khoán Mỹ. FED đã buộc phải hành động khi các ngân hàng, các nhà cho vay thế chấp và các công ty tài trợ khác siết chặt các điều kiện cho vay trong bối cảnh đã có những ý kiến coi đây là cuộc khủng hoảng tín dụng.

FED thừa nhận sự náo loạn trên thị trường chứng khoán tuần qua là "một nguy cơ đe doạ sự phát triển của nền kinh tế Mỹ”.