17:01 14/01/2009

Kinh tế Trung Quốc “qua mặt” Đức

Mai Phương

Trung Quốc đã thế chỗ Đức để trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới từ năm 2007

Theo những số liệu được điều chỉnh lại vừa công bố, GDP của Trung Quốc trong năm 2007 tăng trưởng 13%, cao hơn con số được công bố trước đó là 11,9%, đạt mức 25.731 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 3.380 tỷ USD) - Ảnh: Reuters.
Theo những số liệu được điều chỉnh lại vừa công bố, GDP của Trung Quốc trong năm 2007 tăng trưởng 13%, cao hơn con số được công bố trước đó là 11,9%, đạt mức 25.731 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 3.380 tỷ USD) - Ảnh: Reuters.
Trung Quốc đã thế chỗ Đức để trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới từ năm 2007.

Thông tin này vừa được Cơ quan Thống kê Trung Quốc công bố ngày 14/1.

Theo những số liệu được điều chỉnh lại vừa công bố, GDP của Trung Quốc trong năm 2007 tăng trưởng 13%, cao hơn con số được công bố trước đó là 11,9%, đạt mức 25.731 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 3.380 tỷ USD). Trong khi đó, GDP của Đức năm 2007 chỉ là 2.424 tỷ Euro, tương đương 3.320 tỷ USD.

Nếu như vậy, kinh tế Trung Quốc hiện là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, sau Mỹ và Nhật Bản, và lớn thứ hai ở châu Á, sau Nhật Bản.

Hiện quy mô nền kinh tế Trung Quốc đã lớn gấp 70 lần so với ở thời điểm nước này bắt đầu công cuộc cải cách vào năm 1978. Sau khi vượt qua Anh và Pháp về GDP vào năm 2005, Trung Quốc trở thành nước có khả năng công nghiệp vũ trụ lớn thứ ba trên thế giới, đăng cai Olympic mùa hè năm 2008 và vượt Nhật để trở thành nước mua nhiều nhất trái phiếu kho bạc Mỹ. Theo số liệu của Bộ Tài chính Mỹ, hiện Trung Quốc đang nắm giữ lượng trái phiếu Chính phủ Mỹ trị giá 652,9 tỷ USD.

Trung Quốc hiện là nước đóng góp nhiều nhất  vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Vai trò  của nước này trong hệ thống tài chính toàn cầu cũng dược tăng cường khi vào tháng 10/2008, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã phối hợp hành động với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và 5 ngân hàng trung ương lớn khác để đối phó với khủng hoảng tài chính.

“Con số thống kê ngày hôm nay chỉ là một trong rất nhiều bằng chứng cho thấy Trung Quốc là một trong những gương mặt quan trọng nhất trên trường quốc tế”, kinh tế gia trưởng khu vực châu Á Huang Yiping của Citigroup nhận xét.

Đáng chú ý, số liệu cho thấy Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới được công bố trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này đã giảm xuống mức thấp nhất từ năm 1990 tới nay do tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu.

Quý 3 vừa qua, kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 9%, thấp nhất trong 5 năm. Xuất khẩu, lĩnh vực đầu tàu của kinh tế Trung Quốc, trong tháng 12/2008 đã sụt giảm 2,8% so với cùng kỳ năm 2007, mạnh nhất trong vòng 10 năm qua.

Tuy nhiên, theo nhà phân tích Louis Kuijs thuộc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Bắc Kinh, hiện quy mô của nền kinh tế Trung Quốc đang lớn hơn kinh tế Đức khoảng 15%.

Nhà phân tích Tim Condon đứng đầu bộ phận nghiên cứu châu Á của ngân hàng ING thì cho rằng, nếu kinh tế Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng với tốc độ bình quân của nền kinh tế này trong 20 năm qua và kinh tế Mỹ cũng tăng trưởng với tốc độ bình quân của mình trong 20 năm qua, chỉ 20 năm nữa, Trung Quốc sẽ vượt Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.

“Điều này chắc chắn sẽ xảy ra. Tất cả chỉ còn là vấn đề thời gian”, ông Condon nói.

(Theo Bloomberg)