01:07 11/08/2007

“Lạm phát chủ yếu do nguyên nhân về tiền”

Đó là nhận định của ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục phó Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) trong cuộc trả lời phỏng vấn báo giới mới đây

"Chính phủ sẽ mua ngoại tệ vào để tăng dự trữ ngoại hối."
"Chính phủ sẽ mua ngoại tệ vào để tăng dự trữ ngoại hối."
Đó là nhận định của ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục phó Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) trong cuộc trả lời phỏng vấn báo giới mới đây.

Quan điểm của Chính phủ trong việc điều hành giá cả nửa cuối năm 2007 như thế nào, thưa ông?

Có ba nhóm giải pháp cấp bách mà trước đây ta chưa làm quyết liệt, nay sẽ làm.

Nhóm thứ nhất là các biện pháp cân đối vĩ mô. Thủ tướng đã giao Bộ Công thương phối hợp với các bộ rà soát ngay cung cầu thực phẩm sáu tháng cuối năm.

Trong các mặt hàng, gạo được chú ý hơn cả vì nó có tác động lớn đến lương thực và chúng ta sẽ theo dõi chặt hơn để điều tiết khối lượng và tiến độ xuất khẩu hợp lý. Hiện, tạm thời ta cho xuất 4,5 triệu tấn gạo, sau quí 3 sẽ điều chỉnh tiếp.

Nhóm thứ hai là tài chính tiền tệ. Chúng ta sẽ kiểm soát tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán, cùng với việc đẩy mạnh giải ngân các công trình xây dựng.

Chính phủ sẽ mua ngoại tệ vào để tăng dự trữ ngoại hối. Bên cạnh đó, phải thực hiện hút tiền về thông qua thị trường mở, bán tín phiếu Ngân hàng Nhà nước và trái phiếu Chính phủ, trái phiếu kho bạc mạnh hơn.

Trong nhóm 2 này, có việc giảm thuế nhập khẩu với nhiều nhóm hàng quan trọng. Có những mặt hàng đã giảm thuế trước so với lộ trình WTO.

Tất nhiên, khi giảm thuế, ngân sách sẽ bị ảnh hưởng nhất định, nhưng đối với thị trường sẽ giúp tăng cung hàng hóa, nhất là thực phẩm, và giảm giá thành đầu vào sản xuất nông công nghiệp, dẫn đến việc giảm giá bán hàng hóa, giảm giá vốn cho doanh nghiệp.

Từ nay đến cuối năm và các năm tiếp theo, nước ta tiếp tục thực hiện các cam kết WTO theo đúng lộ trình. Việc giảm thuế và mở cửa thị trường theo lộ trình sẽ giúp hàng hóa bên ngoài vào nhiều, tạo sức ép cho doanh nghiệp trong nước tính toán và tiết giảm chi phí, đưa ra hàng hóa rẻ hơn.

Ở nhóm giải pháp thứ 3, Chính phủ sẽ tiếp tục giữ ổn định giá một số nhóm vật tư cơ bản như giá than bán cho các hộ tiêu dùng lớn, giá nước sạch, viễn thông, điện sẽ không tăng từ nay đến cuối năm. Chính phủ cũng đã thành lập các đoàn kiểm tra, theo các bộ ngành, về các địa phương để kiểm tra giá thuốc, thép, thiết bị trường học và sách giáo khoa...

Theo các chuyên gia, lạm phát năm nay khác các năm trước?

Sáu tháng đầu năm, dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào nhiều làm tăng cung ngoại tệ, gây sức ép tăng giá cho đồng nội tệ, đồng thời góp phần tăng tổng phương tiện thanh toán.

Ngân hàng Nhà nước đã đưa tiền vào lưu thông để mua ngoại tệ dự trữ, đồng thời thông qua nghiệp vụ thị trường mở để bán tín phiếu Ngân hàng Nhà nước, rút tiền mặt ra khỏi lưu thông. Lượng tiền mặt do ngân hàng đưa ra lưu thông đã bằng 67% mức cung ứng tiền tệ được Chính phủ phê duyệt cho cả năm.

Theo một ước tính của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 5, tổng phương tiện thanh toán đã tăng khoảng 16,9% so với cuối năm 2006 (6 tháng đầu năm 2006 chỉ tăng 9%) và tăng 39,8% so với cùng kỳ năm 2006, và cao hơn nhiều so với tốc độ tương ứng của năm tháng đầu năm 2006. Tổng dư nợ của nền kinh tế ước tăng 15,04% so với cuối tháng 12-2006 và tăng 33,53% so với cùng kỳ.

Lạm phát có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu do nguyên nhân về tiền. Qua những số liệu trên, có thể thấy yếu tố tiền tệ năm nay mạnh hơn các năm rất nhiều. Các nước trong khu vực cũng chịu tác động của giá thế giới và dịch bệnh như Việt Nam, nhưng lạm phát của họ thấp hơn chúng ta rất nhiều.

Một thực tế là trong nền kinh tế nước ta, tỷ lệ nhập khẩu của nhiều loại vật tư cơ bản rất cao như nhập xăng dầu 100%, phôi thép 60-70%, nguyên liệu cho thuốc chữa bệnh nhập khẩu đến 90%... Dĩ nhiên khi các mặt hàng này trên thế giới biến động thì chắc chắn giá cả trong nước cũng ảnh hưởng.

Các nước khác có độ mở của nền kinh tế lớn hơn. Họ đã làm quen với các yếu tố biến động bên ngoài sớm hơn ta. Thậm chí, Trung Quốc gần như không phải nhập khẩu nguyên liệu đầu vào. Họ có thể tự làm từ A đến Z. Trong khi ở Việt Nam, nếu giá một mặt hàng thế giới biến động ta sẽ phải điều chỉnh giá trong nước rất cao. Ví dụ, giá xăng qua hai lần điều chỉnh lên tới 18%, than tăng giá một bước lên tới 20%, điện tăng giá 7,6% từ đầu năm.

Bên cạnh đó, cũng phải thấy rằng, những biện pháp khắc phục biến động giá thế giới của nước ta, của các doanh nghiệp còn yếu.

Có ý kiến nói chúng ta nên giảm chi tiêu Chính phủ để góp phần kiềm chế lạm phát?

Chính phủ vẫn thực hiện bội chi ngân sách không quá 5%. Giảm gì thì giảm vẫn đảm bảo mức này. Vấn đề quan trọng hơn là sẽ xử lý bội chi bằng nguồn nào.