13:13 13/01/2025

Lạm phát năm 2024 được kiểm soát hiệu quả

Song Hà

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân của Việt Nam năm 2024 tăng 3,63% so với năm 2023, lạm phát đã được kiểm soát dưới ngưỡng cho phép của Quốc hội. Tuy nhiên, năm 2025 Việt Nam vẫn sẽ đối mặt với nhiều yếu tố tiềm ẩn gây áp lực lên lạm phát...

CPI tháng 12/2024 tăng 0,29% so với tháng trước, đây là mức tăng tương đối nhẹ và thể hiện sự ổn định của thị trường vào thời điểm cuối năm.
CPI tháng 12/2024 tăng 0,29% so với tháng trước, đây là mức tăng tương đối nhẹ và thể hiện sự ổn định của thị trường vào thời điểm cuối năm.

Theo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý 4 và năm 2024 của Tổng cục Thống kê, năm 2024, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tăng 3,63% so với năm 2023; lạm phát cơ bản tháng 12/2024 tăng 0,25% so với tháng 11/2023, tăng 2,85% so với cùng kỳ năm 2023.

Bình quân năm 2024, lạm phát cơ bản tăng 2,71% so với năm 2023, thấp hơn mức tăng CPI bình quân chung (3,63%), chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt, dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế là yếu tố tác động làm tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.

“GIỮ CHÂN” LẠM PHÁT CẢ NĂM 2024 Ở MỨC 3,63%

Tổng cục Thống kê đánh giá đây là mức lạm phát phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội ở trong nước, hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, là điểm sáng trong kết quả phát triển kinh tế của Việt Nam năm 2024.

Cụ thể, CPI tháng 12/2024 tăng 0,29% so với tháng trước, đây là mức tăng tương đối nhẹ và thể hiện sự ổn định của thị trường vào thời điểm cuối năm. “Một số địa phương thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo Thông tư số 21/2024/TT-BYT, giá nhà ở thuê, giá xăng dầu tăng là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2024 tăng 0,29% so với tháng trước”, Tổng cục Thống kê giải thích.

Nhìn chung trong tháng 12, báo cáo của Tổng cục Thống kê chỉ ra sự biến động giá cả diễn ra ở nhiều nhóm hàng hóa và dịch vụ. 9/11 nhóm hàng chính ghi nhận tăng giá so với tháng 11 và hai nhóm giảm giá. Cụ thể, nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 2,19%, do điều chỉnh giá dịch vụ y tế và nhu cầu tiêu dùng thuốc tăng cao vào mùa đông.

Ngoài ra, nhóm giao thông tăng 0,57%, chủ yếu do giá vận tải và xăng dầu tăng. Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,53%, do giá thuê nhà và điện sinh hoạt tăng.

Ngược lại, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,13%, với thực phẩm giảm 0,3%, chủ yếu do giá rau tươi giảm mạnh. Nhóm bưu chính, viễn thông cũng giảm nhẹ 0,03%.

Bên cạnh đó, phân tích CPI tháng 12/2024 tăng 2,94% so với cùng kỳ năm 2023 cho thấy dù thị trường có những biến động, công tác điều hành giá cả vẫn được duy trì ở mức ổn định, đảm bảo không gây ra những xáo trộn lớn cho nền kinh tế.

Với kết quả trên, tổng hợp chỉ số CPI bình quân quý 4/2024 đã tăng 2,87% so với quý 4/2023. Báo cáo chỉ ra nguyên nhân chủ yếu là do giá hàng ăn và dịch vụ ăn uống, giá nhà ở thuê và nhà chủ sở hữu, giá dịch vụ y tế, giá điện sinh hoạt và giá gas tăng. Tuy nhiên, giá xăng dầu giảm đã góp phần giảm áp lực lên CPI.

Lạm phát năm 2024 được kiểm soát hiệu quả - Ảnh 1

Tổng cục Thống kê phân tích kỹ hơn các yếu tố tác động đến CPI. Cụ thể, giá hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 4,03%, tác động lớn nhất đến CPI chung, nguyên nhân do giá lương thực, thực phẩm và ăn uống ngoài gia đình “leo thang”.

Thêm vào đó, giá nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 5,2%, chủ yếu do giá điện sinh hoạt và nhà ở thuê tăng. Ngoài ra, giá thuốc và dịch vụ y tế điều chỉnh lên 7,16%, chi phí giáo dục tăng 5,37% do một số địa phương tăng học phí, chi phí giao thông tăng 0,76%, do giá xăng dầu tăng.

Để ổn định kinh tế vĩ mô, thành công trong việc kiểm soát lạm phát, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai quyết liệt nhiều giải pháp trong năm 2024 như đảm bảo thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống của người dân.

Chú trọng tăng cường công tác quản lý, điều hành giá, đặc biệt trong thời điểm thiên tai, bão lũ, kịp thời xuất cấp hàng dự trữ quốc gia để hỗ trợ, cứu trợ người dân bị thiệt hại do bão lũ. Điều hành giá các mặt hàng Nhà nước định giá, các dịch vụ công theo lộ trình thị trường một cách thận trọng. Các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp cũng được Chính phủ tiếp tục thực hiện trong năm 2024.

Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ được điều hành chủ động, linh hoạt, kịp thời và hiệu quả đã góp phần kiểm soát lạm phát. Ngoài ra, sự hạ nhiệt của lạm phát thế giới đã tác động tới lạm phát của Việt Nam, giảm bớt áp lực từ kênh nhập khẩu lạm phát.

Năm 2025 là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Tại Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 đã được Quốc hội thông qua, mục tiêu tiếp tục ưu tiên tăng trưởng gắn với củng cố giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. Trong đó, mục tiêu kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng ở mức khoảng 4,5%...

Theo đại diện Tổng cục Thống kê, với kinh nghiệm điều hành của Chính phủ thì mục tiêu này không quá nặng nề, tuy nhiên không nên chủ quan vì tiềm ẩn những yếu tố vượt tầm kiểm soát, tạo áp lực lên lạm phát.

NHẬN DIỆN RỦI RO LẠM PHÁT NĂM 2025

Tổng cục Thống kê đánh giá áp lực lạm phát năm 2025 có thể đến từ một số yếu tố. Hiện nay xung đột quân sự ở một số quốc gia leo thang căng thẳng, diễn biến khó lường, có nguy cơ lan rộng. Cạnh tranh thương mại giữa các nước lớn ngày càng gay gắt. Cùng với đó, hiện tượng thời tiết cực đoan tác động nghiêm trọng tới kinh tế - xã hội toàn cầu. Điều này có thể tạo nên sự đứt gãy chuỗi cung ứng, làm gia tăng chi phí vận tải, tác động đến biến động giá các mặt hàng chiến lược trên thế giới, gây ra các rủi ro về an ninh năng lượng, an ninh lương thực.

Đặc biệt, các chính sách thuế trong nhiệm kỳ của Tổng thống đắc cử Donald Trump có khả năng rất khắc nghiệt, dẫn đến các phản ứng trả đũa từ các quốc gia. Bảo hộ thương mại và rào cản thương mại gia tăng sẽ làm trầm trọng thêm căng thẳng thương mại và phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu, điều này có thể gây ra một đợt lạm phát mới, đồng thời làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu và tỷ lệ thất nghiệp có nguy cơ tăng cao trở lại.

Ở trong nước, chi phí nhập khẩu nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ sản xuất có thể tăng lên theo giá thế giới và chịu tác động từ biến động tỷ giá, ảnh hưởng đến chi phí, giá thành sản phẩm, tạo áp lực cho sản xuất của doanh nghiệp và từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước tăng lên, tạo áp lực lên lạm phát.

Bên cạnh đó, việc tiếp tục thực hiện lộ trình thị trường đối với các dịch vụ do Nhà nước quản lý như giá điện, học phí, giá dịch vụ y tế theo hướng tính đúng, tính đủ các yếu tố, chi phí sẽ tác động làm tăng chỉ số giá tiêu dùng năm 2025. Các gói kích cầu, hạ mặt bằng lãi suất cho vay, mở rộng tín dụng, đẩy mạnh đầu tư công giúp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, nhưng cũng có thể tạo sức ép lên mặt bằng giá nếu nguồn cung tiền không được kiểm soát hợp lý.

Ngoài ra, theo quy luật, vào các tháng cuối năm và dịp lễ, Tết, giá lương thực, thực phẩm, đồ uống, may mặc, thiết bị và đồ dùng gia đình thường tăng, trong năm nếu thiên tai, dịch bệnh xảy ra sẽ gây ảnh hưởng đến giá lương thực, thực phẩm tại một số địa phương, những điều này cũng sẽ tác động làm tăng CPI.

Do đó, Tổng cục Thống kê cho rằng trong năm 2025 cần theo dõi sát diễn biến tình hình thế giới, diễn biến chính sách tài khóa, tiền tệ của các nước là đối tác thương mại, đầu tư chủ yếu của Việt Nam; chủ động có phương án ứng phó kịp thời với các tình huống phát sinh.

Các kịch bản dự báo về tăng trưởng, lạm phát cần liên tục được cập nhật để có phản ứng kịp thời nhằm duy trì sự ổn định và tăng trưởng của nền kinh tế trong năm tới. Đặc biệt, cần theo dõi chặt chẽ diễn biến giá các mặt hàng thiết yếu nhất là mặt hàng xăng dầu, xây dựng các phương án điều tiết nguồn cung, hạn chế việc tăng giá đột biến nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến lạm phát và đời sống người dân...

Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 02-20245 phát hành ngày 13/1/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:  

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Lạm phát năm 2024 được kiểm soát hiệu quả - Ảnh 2