Lãnh đạo Mỹ-Trung nhất trí nối lại đàm phán thương mại
Kết quả của cuộc gặp được thế giới chờ đợi giữa ông Trump và ông Tập bên lề hội nghị thượng đỉnh khối G20 ở Osaka, Nhật Bản
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 29/6 nhất trí nối lại cuộc đàm phán thương mại giữa hai nước. Đây là kết quả của cuộc gặp được thế giới chờ đợi giữa ông Trump và ông Tập bên lề hội nghị thượng đỉnh khối G20 ở Osaka, Nhật Bản.
"Chúng tôi đã trở lại hướng đi đúng", hãng tin CNBC dẫn lời ông Trump phát biểu sau cuộc gặp. Người đứng đầu Nhà Trắng cho biết cuộc gặp đã diễn ra tốt nhất có thể, và đàm phán sẽ được nối lại.
Truyền thông Trung Quốc nói rằng cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo đã diễn ra trong khoảng 80 phút đồng hồ. Hãng thông tấn Tân Hoa Xã cho biết Mỹ sẽ không áp thêm thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc, và hai nhà lãnh đạo đã đồng ý "tái khởi động tham vấn thương mại giữa hai nước trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau".
Kết quả này có vẻ phù hợp với dự báo mà nhiều nhà phân tích đưa ra trước cuộc họp. Các chuyên gia được CNBC khảo sát đều đã dự báo hai bên sẽ đi đến một thỏa thuận "đình chiến", theo đó tạm dừng áp thêm thuế quan và nối lại đàm phán.
Tuy nhiên, giới quan sát hiện vẫn cảm thấy ít nhiều lo ngại, bởi ông Trump vẫn chưa lên tiếng chính thức về việc có áp thêm thuế lên hàng hóa Trung Quốc hay không. Trước cuộc gặp, ông Trump từng cảnh báo rằng gặp ông Tập xong ông mới quyết định về vấn đề này.
Sau cuộc gặp, ông Trump nói Mỹ sẽ ra tuyên bố chính thức về cuộc gặp vào lúc 3h30 chiều ngày thứ Bảy theo giờ Nhật Bản.
Bình luận trên truyền thông nhà nước Trung Quốc trước cuộc gặp cho thấy Mỹ-Trung sẽ không dễ đi đến một thỏa thuận để thực sự khép lại cuộc chiến thương mại đã kéo dài hơn một năm qua. Một bài viết trên tờ Thời báo Hoàn Cầu số ra ngày thứ Bảy nói thế giới cần phải "kiềm chế những hành động đồng bóng của Mỹ", và nêu ví dụ là việc ông Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận chống biến đổi khí hậu Paris.
"Thế giới cần kiềm chế Mỹ, mặc dù đó là việc khó", bài xã luận viết. "Vấn đề nằm ở chỗ nhiều quốc gia ngại bày tỏ sự phản đối của họ đối với các chiến thuật bắt nạt của Mỹ, vì họ sự sức mạnh Mỹ, hoặc vì hy vọng sẽ hưởng lợi từ việc Mỹ đảo lộn trật tự thế giới".
Theo CNBC, cuộc gặp lần này giữa ông Trump và ông Tập được xem là có ý nghĩa quan trọng toàn cầu, bởi cuộc chiến thương mại giữa hai siêu cường đã đe dọa gây gián đoạn nền kinh tế của nhiều quốc gia và làm xáo trộn các chuỗi cung ứng quốc tế.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây cảnh báo rằng nếu Mỹ và Trung Quốc áp thêm thuế quan lên hàng hóa của nhau, thì tổng sản phẩm trong nước (GDP) toàn cầu có thể thiệt hại 0,5% trong năm 2020.