12:23 12/04/2007

Le Monde: Việt Nam trước tương lai tươi sáng

Kiều Oanh

Theo báo Le Monde (Pháp), Việt Nam là một ngôi sao trong số những nền kinh tế đang nổi lên của thế giới

Theo điều tra do Hội đồng Kinh doanh châu Á thực hiện, Việt Nam đứng thứ 3 về số lượng dự án đầu tư của các công ty đa quốc gia.
Theo điều tra do Hội đồng Kinh doanh châu Á thực hiện, Việt Nam đứng thứ 3 về số lượng dự án đầu tư của các công ty đa quốc gia.
Le Monde - tờ báo có bề dày truyền thống của Pháp - mới đây đã đăng tải bài viết của tác giả Jean-Claude Pomonti về sự phát triển kinh tế năng động của Việt Nam. VnEconomy xin giới thiệu tới độc gibản lược dịch bài viết này.

Tp.HCM, đầu tàu của nền kinh tế Việt Nam, đang tăng gấp đôi số đường nội thị, xây dựng một đường hầm dưới sông Sài Gòn và lên kế hoạch cho đường tàu điện ngầm đầu tiên ở Long Thành. Trong khi đó, ở Hà Nội, hàng loạt đô thị vệ tinh cũng đang được xây dựng.

Trong 7 năm qua, Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển năng động nhất ở châu Á với tốc độ tăng trưởng hàng năm ở mức 7% - 8%. Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu gạo và cà phê lớn thứ 2 trên thế giới sau Thái Lan và Brazil.

Năm 2006, vốn FDI đổ vào Việt Nam tăng 50% so với năm 2005 lên mức 9 tỷ USD. Theo điều tra do Hội đồng Kinh doanh châu Á thực hiện, Việt Nam đứng thứ 3 về số lượng dự án đầu tư của các công ty đa quốc gia (38%), sau Trung Quốc (85%) và Ấn Độ (51%) và đứng trước Mỹ (36%).

Người Việt Nam ở nước ngoài cũng đóng góp đáng kể cho sự phát triển của kinh tế đất nước, cả bằng tài chính và trí tuệ. Năm ngoái, lượng kiều hối gửi về Việt Nam đạt mức 3,86 tỷ USD, đồng thời, kiều bào cũng là cầu nối giữa Việt Nam với các quốc gia khác trên thế giới.

Các nhà tài trợ cũng đã cam kết cấp cho Việt Nam 4,41 tỷ USD trong năm 2007, tăng 20% so với năm ngoái. Trong đó, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) là cơ quan cam kết tài trợ nhiều nhất với 1,165 tỷ USD, tiếp theo là Liên minh châu Âu (EU) với 942 triệu USD, Nhật Bản với 835 triệu USD và Ngân hàng Thế giới (WB) cũng với 835 triệu USD.

Năm ngoái, người khổng lồ Intel đầu tư xây dựng một nhà máy sản xuất chip trị giá 258 triệu USD tại Tp.HCM. Sau đó, Intel đã tăng vốn đầu tư tại Việt Nam lên mức 1 tỷ USD. Dự án này sẽ tạo ra khoảng 4.000 việc làm và một số lượng lớn các nhà thầu phụ, nhà cung cấp và các đơn vị nghiên cứu.

Cũng trong năm 2006, Chủ tịch Microsoft Bill Gates cũng đến thăm Việt Nam và được tiếp đón nồng nhiệt. Theo Bill Gates, bên cạnh việc sản xuất phần cứng, Việt Nam cũng cần đẩy mạnh việc sản xuất phần mềm và gia công.

Tính đến năm 2005, ngành công nghệ thông tin của Việt Nam đã tăng trưởng 40% và tạo việc làm cho khoảng 15.000 người. Có chuyên gia cho rằng, ngành công nghệ thông tin ở Việt Nam rồi sẽ phát triển không kém ở Bangalore (Ấn Độ).

Những kết quả đạt được của ngành công nghệ thông tin Việt Nam đã vượt cả kỳ vọng và chẳng mấy chốc, Việt nam sẽ vượt Philippines, Thái Lan và thậm chí cả Malaysia trong lĩnh vực này.

Các nhà đầu tư Đài Loan và Nhật Bản cũng đang hướng sang thị trường Việt Nam thay vì đổ toàn bộ vốn vào Trung Quốc. Dân số trẻ của Việt Nam là một lợi thế lớn. Chỉ có 10% số học sinh tốt nghiệp phổ thông của Việt Nam vào đại học so với 40% ở Thái Lan nhưng học sinh Việt Nam rất xuất sắc trong môn Toán và đây được coi là một ưu điểm lớn.

Hơn 14 triệu người Việt Nam, tương đương 17,5% dân số 84 triệu người của nước này, thường xuyên sử dụng Internet vào thời điểm tháng 12/2006 so với mức 8 triệu người vào tháng 9/2005.

Bên cạnh đó, số lượng người sử dụng điện thoại di động cũng tăng gấp đôi hàng năm. Hiện nay, đã có tới 18,5% người Việt Nam sử dụng điện thoại di động.

Nhiều tập đoàn lớn khác như Nike, Canon, Alcatel, Fujitsu và Siemens cũng đang tiến hành đầu tư hoặc mở rộng hoạt động tại Việt Nam.

Mặc dù vẫn còn có một số vấn đề còn tồn tại như tham nhũng, cơ sở hạ tầng và hệ thống ngân hàng chưa hoàn thiện, Việt Nam có nhiều ưu thế như nhân công rẻ và dễ đào tạo. Mức thu nhập bình quân đầu người năm 2006 của Việt Nam là 620 USD/năm, tăng gấp 3 lần so với năm 1990. Việt Nam đang phấn đấu đưa con số này lên mức 1.000 USD vào năm 2010.

Với việc gia nhập WTO và tổ chức thành công Hội nghị cấp cao APEC vào năm ngoái, Việt Nam đã trở thành một ngôi sao trong số những nền kinh tế đang lên của thế giới.