Lệnh thông suốt, HSX thanh khoản kỷ lục, bảng điện tím ngắt
Phiên giao dịch đầu tiên của năm 2021 không thể tốt hơn. Hôm nay cũng là ngày HSX nâng lô tối thiểu lên 100, hệ thống nhận lệnh rất ổn định giúp người mua thoải mái "xuống tiền". VN-Index tăng gần 17 điểm
Phiên giao dịch đầu tiên của năm 2021 không thể tốt hơn. Hôm nay cũng là ngày HSX nâng lô tối thiểu lên 100, hệ thống nhận lệnh rất ổn định giúp người mua thoải mái "xuống tiền". VN-Index tăng gần 17 điểm.
Đà tăng giá cực mạnh ở hầu hết cổ phiếu, sàn HSX chỉ có 72 mã giảm giúp VN-Index tăng 1,5% so với tham chiếu. Mức này tuy chưa phải là nhất thế giới trong ngày đầu năm, nhưng cũng đứng thứ 3 các thị trường châu Á cùng giờ, sau Hàn Quốc và Indonesia.
Ấn tượng đầu tiên trong phiên đầu năm là hệ thống nhận lệnh rất thông suốt. Điều này giúp cả bên mua lẫn bên bán không phải e dè. Lực cầu dâng cao đã giúp gần như tuyệt đối các mã đều tăng giá. Độ rộng của HSX cuối ngày là 275 mã tăng/72 mã giảm. 32 mã trên sàn HSX tăng kịch trần và nếu tính cả HNX thì có tới 67 mã. HSX cũng có 140 mã tăng trên 2%.
Giao dịch rất cởi mở phiên này cũng giúp sàn HSX lập kỷ lục lịch sử về giá trị, với gần 16.255 tỷ đồng tổng giá trị, trong đó khớp lệnh đạt 14.761 tỷ đồng. Với số cổ phiếu tăng giá áp đảo, rất nhiều mã tăng gấp đôi mức tăng của VN-Index, thị trường hoàn toàn nằm trong tay người mua.
Chỉ số VN30-Index đóng cửa thậm chí tăng 1,97% và giá trị khớp lệnh cũng đạt 7.215,6 tỷ đồng, suýt soát kỷ lục của phiên ngày 17/12 vừa qua. Nhóm cổ phiếu ngân hàng hút tiền dữ dội, nổi bật là MBB lập kỷ lục lịch sử về giá trị, với gần 1.004 tỷ đồng và 42,37 triệu cổ phiếu. STB cũng suýt lập kỷ lục thanh khoản trong 3 năm với 46,8 triệu cổ và 805,8 tỷ đồng. TCB, CTG giữ hai vị trí còn lại trong Top 5 giá trị khớp lệnh toàn thị trường. Ngoài ra chưa kể ACB, VPB cũng nằm trong Top 10.
Nhóm blue-chips phiên này tăng cực tốt, chỉ trừ VIC giảm nhẹ 0,18%, VNM tăng yếu 0,46%, MSN tham chiếu. Còn lại VCB tăng 1,12%, GAS tăng 2,54%, VHM tăng 2,79%, SAB tăng 2,26%, HPG tăng 2,05%. Các mã ngân hàng khác cũng tăng cao: BID tăng 0,73%, CTG tăng 2,75%, EIB tăng 1,3%, HDB tăng 1,47%, MBB tăng 4,13%, TCB tăng 4,76%, STB tăng 3,85%, ACB tăng 1,96%, LPB tăng 2,02%, VIB tăng 1,85%, TPB tăng 3,73%... Cả rổ VN30 có 11 mã tăng trên 2% thì ngân hàng chiếm đa số.
Đà tăng rất rộng trên toàn sàn HSX và các mã vừa và nhỏ dĩ nhiên tăng mạnh hơn nhiều so với các blue-chips. Chỉ số Midcap tăng 2,31%, Smallcap tăng 2,1%. Hàng loạt cổ phiếu đầu cơ xuất hiện siêu thanh khoản như ITA giao dịch gần 20,2 triệu cổ, HSG khớp 10,4 triệu cổ, FIT khớp 9,2 triệu cổ, PVD khớp 10,6 triệu, HQC khớp 29,6 triệu... Đó là chưa kể các mã nhỏ khác dư mua trần hàng triệu cổ mà không khớp được.
Mặc dù nhóm blue-chips tăng yếu hơn hàng đầu cơ nhưng vẫn là trụ đỡ điểm số. VHM, TCB, VPB, GAS, VCB, CTG là những cổ phiếu tạo điểm số nhiều nhất, chiếm 8,2/16,6 điểm tăng của VN-Index.
Mặc dù đà tăng chung cuộc khá lớn, nhưng về cuối phiên thị trường cũng xuất hiện một đợt bán ra tạo sức ép nhất định. VN-Index đạt đỉnh cao nhất 1.126,43 điểm lúc 2h10, tương đương tăng 2,04% so với tham chiếu. Lực bán này đã ép chỉ số tụt xuống 1.118,12 điểm trước khi hồi nhẹ đợt ATC lên 1.120,47 điểm. Như vậy chỉ số chỉ còn thấp hơn đỉnh cao lịch sử hồi tháng 4/2018 khoảng 80 điểm nữa.
Với thanh khoản cực lớn hôm nay, thị trường thể hiện dòng tiền đang duy trì trong thị trường ở mức rất cao. Trong các phiên trước, dòng tiền không thể "thỏa sức" giao dịch do có thể làm nghẽn hệ thống. Tuy nhiên sau khi nâng lô tối thiểu lên 100, hệ thống đã đủ tải và thị trường vận hành trơn tru. Nhà đầu tư nhờ đó có thể vào lệnh thoải mái. Tính chung cả hai sàn, tổng giá trị giao dịch đạt tới 17.939 tỷ đồng, giá trị khớp lệnh đạt 16.239 tỷ đồng.
Riêng nhà đầu tư nước ngoài lại đứng ngoài sự hưng phấn cao độ hôm nay. Khối ngoại tiếp tục bán ròng khoảng 365 tỷ đồng trên sàn HSX. Riêng nhóm Vn30 bị bán ròng 287 tỷ đồng. MBB, CTG, HPG, GVR, KBC, HDB, SSI, VNM VHC bị bán ròng cực mạnh. Phía mua ròng có VHM, NVL, MSN là đáng kể.