Lỗ luỹ kế lớn, cổ phiếu TTF tiếp tục bị kiểm soát
Lợi nhuận sau thuế của cổ đông của Công ty mẹ TTF trên BCTC hợp nhất là 901 triệu đồng, lỗ lũy kế tại ngày 30/06/2021 là -3.042 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu tại ngày 30/06/2021 là -553 tỷ đồng.
Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HOSE) vừa cho biết sẽ giữ nguyên diện kiểm soát và khả năng hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu TTF của CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành.
Trước đó, ngày 24/04/2019, HOSE đã ra quyết định chuyển cổ phiếu TTF từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát kể từ ngày 06/05/2019 do Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối năm 2017 là -1.406,8 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế của cổ đông Công ty mẹ năm 2018 là -715,1 tỷ đồng căn cứ Báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2018.
Ngày 31/8/2021, HOSE nhận được báo cáo tài chính bán niên năm 2021 đã soát xét của TTF. Theo đó, lợi nhuận sau thuế của cổ đông của Công ty mẹ trên BCTC hợp nhất là 901 triệu đồng, lỗ lũy kế tại ngày 30/06/2021 là -3.042 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu tại ngày 30/06/2021 là -553 tỷ đồng. Ngoài ra, kiểm toán viên cũng đưa ra ý kiến nhấn mạnh về khả năng hoạt động liên tục của Nhóm Công ty.
Trên cơ sở TTF kết quả kinh doanh 6 tháng năm 2021 có lãi nhưng Công ty đang lỗ lũy kế lớn tương đương 97,8% vốn điều lệ và chưa khắc phục được tình trạng vốn chủ sở hữu âm, HOSE tiếp tục duy trì diện kiểm soát đối với cổ phiếu TTF.
HOSE cho biết, nếu BCTC kiểm toán năm 2021 của Công ty có vốn chủ sở hữu là số âm thì cổ phiếu TTF sẽ thuộc trường hợp hủy niêm yết theo quy định tại Nghị định 155/2020/NĐ-CP.
Còn theo BCTC kiểm toán năm 2020 của TTF thì LNST của cổ đông công ty mẹ trên BCTC hợp nhất là 30,5 tỷ đồng, lỗ luỹ kế tại ngày 31/12/2020 là -3.43 tỷ đồng, vôn chủ sở hữu tại ngày 31/12/2020 là -584,8 tỷ đồng. Ngoài ra, kiểm toán viên cũng đưa ra ý kiến nhấn mạnh về khả năng hoạt động liên tục của nhóm công ty.
Về phương án khắc phục, TTF cho biết mục tiêu doanh số năm 2021 của TTF là 1.025 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 59 tỷ đồng. Để đạt được mục tiêu đề ra, công ty đã tiến hành tái cơ cấu hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư... và bước đầu có chuyển biến tích cực.
TTF cho biết, hiện tại công ty đã có đủ đơn từ các chủ đầu tư cho hết năm 2021 và hai nhà máy của TTF là nhà máy SOFA 1 và Nhà máy SOFA 2 đã đi vào hoạt động với công suất ổn định là 150 container/tháng với doanh số bình quân là 40 tỷ đồng/tháng và hai nhà máy này đã đủ đơn hàng từ khách để thực hiện đến cuối năm 2021.
Ngoài ra, công ty cũng đang đầu tư xây dựng Nhà máy Ván ép với công suất 9.000m3/tháng tại tỉnh Bình Định, một lợi thế của công ty là công ty có nguồn ván ép tự sản xuất để cung cấp cho Nhà máy tủ bếp.
Đồng thời, với thương hiệu gỗ Casadora (một công ty con của công ty), công ty hiện đang kết hợp với chuỗi bán lẻ của hệ thống Nội thất Phố Xinh mở rộng các Showroom lớn tại các thành phố lớn tại Việt Nam và tham gia vào phân khúc đồ gỗ cao cấp tại thị trường Việt Nam...
Trong năm 2021, công ty tiếp tục tiến hành thanh lý hàng tồn kho và đặc biệt là các mặt hàng gỗ quý hiếm đã tồn đọng lâu năm trong năm 2021.