13:35 14/03/2012

“Lỗ ngoài ngành của EVN không được tính vào giá điện”

Từ Nguyên

Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực nói về thông tin EVN đang xây dựng phương án điều chỉnh giá bán điện trong năm nay

Ông Đặng Huy Cường: "Xử lý các khoản lỗ của EVN như thế nào thì phải tùy thuộc vào chỉ đạo của Chính phủ".
Ông Đặng Huy Cường: "Xử lý các khoản lỗ của EVN như thế nào thì phải tùy thuộc vào chỉ đạo của Chính phủ".
“Hiện chúng tôi chưa nhận được đề xuất tăng giá điện của EVN, nhưng chỉ có các khoản lỗ do đầu tư vào điện thì EVN mới được tính vào giá thành điện”, đó là khẳng định của Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) Đặng Huy Cường với báo giới sáng 14/3.

Ông nói sao về thông tin Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang xây dựng phương án điều chỉnh giá bán điện trong năm nay và đang xin ý kiến Bộ Công Thương?

Hiện nay chúng tôi chưa nhận được bất kỳ một đề xuất nào về tăng giá điện từ EVN, nên không thể bình luận gì nhiều hơn.

Tại sao Bộ Công Thương lại cho phép EVN có thể tăng giá điện tối đa 4 lần/năm, thưa ông?

Trong Quyết định 24/2011 của Thủ tướng về điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế thị trường có nhấn mạnh rằng, việc điều chỉnh giá điện phải tránh điều chỉnh thường xuyên nhưng cũng tránh để quá lâu, do đó mới mở ra cơ chế cho phép 3 tháng có thể điều chỉnh một lần nếu đầu vào biến động mạnh.
 
Như vậy, về lý thuyết là một năm EVN có thể điều chỉnh - chưa biết tăng hay giảm - 4 lần nhưng phải tùy theo tình hình cụ thể, sức chịu đựng của nền kinh tế. Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương sẽ tham khảo, thống nhất việc điều chỉnh giá điện của EVN.

Nếu chiếu theo những biến động các yếu tố đầu vào hiện nay, liệu có thể hiểu là giá điện lại sắp tăng?

Như tôi đã nói ở trên, Bộ chưa nhận được đề xuất gì từ EVN, nên tôi không khẳng định được điều này.

Trong trường hợp tăng, giá điện trong thời gian tới có phải phải “gánh lỗ” cho EVN, trong đó có cả lỗ do đầu tư ngoài ngành?

Chúng tôi khẳng định, các khoản lỗ không phải do đầu tư vào điện thì EVN sẽ không được thu hồi thông qua giá điện. Còn xử lý như thế nào thì phải tùy thuộc vào chỉ đạo của Chính phủ.

Chẳng hạn phần lỗ của EVN trong đầu tư cho điện 15 nghìn tỷ đồng do chênh lệch tỷ giá, hơn 8 nghìn tỷ đồng do sản xuất trong năm 2010 thì phải có lộ trình giải quyết. Hiện Bộ Công Thương cũng đang tính toán để xin ý kiến Chính phủ. Còn khoản lỗ này thu hồi trong bao nhiêu năm cũng chưa thể khẳng định ngay được.
 
Trong các viện dẫn cho việc tăng giá điện trước đây, EVN và cơ quan quản lý đều cho rằng, giá điện thấp là nguyên nhân quan trọng khiến người dân sử dụng lãng phí điện. Tuy nhiên, theo số liệu của Học viện Tài chính thì tỷ lệ tiêu dùng điện bình quân đầu người ở Việt Nam hiện vẫn rất thấp so với nhiều nước trong khu vực, ví dụ chỉ bằng 2/5 ở Thái Lan?

Có thể là EVN viện dẫn, còn cơ quan quản lý không nói rằng tăng giá điện là do dân dùng điện lãng phí. Còn chuyện bình quân đầu người sử dụng điện của chúng ta đang thấp cũng có thể đúng, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta có thể sử dụng điện thoải mái, lãng phí mà không cần tiết kiệm.

Có ý kiến phản ánh EVN mua điện rẻ nhưng bán ra cao hơn nhiều, thưa ông?

EVN mua vào khoảng 5 cent/kWh, nhưng không có chuyện bán cao hơn nhiều. Hiện giá điện bình quân chỉ hơn 1.200 đồng/kWh, tức khoảng 6,5 cent.

Nhưng quan trọng hơn là thị trường điện rất phức tạp, biến động khó lường. Do đó, EVN buộc phải rất chặt chẽ khi mua vào, không ký hợp đồng lâu dài nhằm tránh những thua lỗ trong tương lai.

Giá xăng dầu có lúc tăng, lúc giảm, còn giá điện chỉ có tăng, chưa bao giờ giảm, ông thấy sao?

Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào các yếu tố đầu vào, giá xăng có lúc giảm là do giá họ nhập về từ thị trường thế giới giảm. Còn giá điện, từ trước đến nay EVN chưa bao giờ được các đơn vị bán điện giảm giá bán, trong khi các yếu tố đầu vào liên tục tăng qua các năm thì khó mà có chuyện giảm giá bán điện.

Nếu chẳng hạn sắp tới tăng giá điện thì sẽ tác động như thế nào đến chỉ số giá tiêu dùng, thưa ông?

Hiện tăng giá điện ảnh hưởng đến CPI bao nhiêu chúng tôi chưa thể tính toán được. Song vừa qua Bộ trưởng Bộ Tài chính có dự tính sơ bộ, chẳng hạn nếu tăng 5% thì sẽ ảnh hưởng đến hai vòng CPI, với tổng cộng khoảng 0,69%. Chúng ta có thể sử dụng tính toán đó.