Loạt nhà băng thận trọng lên kế hoạch lợi nhuận năm 2019
Hầu hết các tổ chức tín dụng đều đặt ra kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận năm 2019 thấp hơn mức tăng trưởng đạt được năm 2018
Hầu hết các tổ chức tín dụng đều đặt ra kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận năm 2019 thấp hơn mức tăng trưởng đạt được năm 2018.
Một cuộc điều tra xu hướng kinh doanh mới nhất do Ngân hàng Nhà nước thực hiện vào tháng 3/2019 cho biết hầu hết các tổ chức tín dụng đánh giá môi trường kinh doanh và kết quả kinh doanh trong quý 1 cải thiện so với cùng kỳ và kỳ vọng kết quả kinh doanh cả năm sẽ tăng trưởng tốt hơn so với năm trước.
Cụ thể, kết quả điều tra của Vụ Dự báo thống kê - Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tình hình kinh doanh của tổ chức tín dụng trong quý đầu năm 2019 đã diễn biến tương đối tốt. Cụ thể, 70,4% tổ chức tín dụng nhận định tình hình kinh doanh cải thiện tốt hơn, trong đó 14,3% là "cải thiện nhiều" so với quý trước.
Dự kiến trong thời gian tới, 80,6% tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ "cải thiện" trong quý 2/2019, cao hơn so với tỷ lệ 79,3% của cuộc điều tra tháng 12/2018 và 88% tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh tổng thể trong năm 2019 "cải thiện" hơn so với năm 2018 (tương tự kết quả của cuộc điều tra tháng 12/2018), trong đó 20-29% tổ chức tín dụng kỳ vọng "cải thiện nhiều".
Tuy nhiên, trên thực tế, không ít ngân hàng lại đặt kế hoạch tăng trưởng không hề "tốt hơn" so với năm trước. Trong số những ngân hàng đã tổ chức đại hội cổ đông hoặc có tài liệu đại hội đồng cổ đông thường niên với chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận cụ thể, các tổ chức tín dụng này đều có kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận năm 2019 thấp hơn mức tăng trưởng đạt được năm 2018.
Cụ thể, đối với Nam Á Bank, năm 2018 ngân hàng chỉ đặt kế hoạch tăng trưởng khoảng 6% về lợi nhuận trước thuế, tuy vậy kết quả thu về 743 tỷ đồng đã khiến mức tăng trưởng đạt 147%. Đại hội đồng cổ đông thường niên ngày 23/3 vừa qua đã thống nhất kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2019 đạt 800 tỷ đồng, tương ứng mức tăng kế hoạch là 8%.
Tại Đại hội đồng cổ đông VIB, cổ đông cũng đã chấp thuận kế hoạch kinh doanh 2019 của ngân hàng, trong đó chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế mục tiêu là 3.400 tỷ đồng, tương đương mức tăng 24% so với năm trước. Trước đó, năm 2018 VIB đạt 2.743 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng tới 162%, đây là mức tăng tốt nhất của ngân hàng này trong vòng 5 năm qua.
Nguồn: BVSC.
Một số ngân hàng có lịch họp đại hội đồng cổ đông cuối tháng 4 này cũng đã công bố tài liệu đại hội với các chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế dù tăng trưởng tốt so với thực hiện năm 2018 nhưng mức tăng trưởng này vẫn không thể vượt qua mức tăng trưởng đạt được năm trước như TPBank, ACB, MBB, Techcombank, SeABank, HDBank.
Trên thực tế, điều này khá dễ hiểu bởi 2018 được đánh giá là một năm đột biến về lợi nhuận của khối ngân hàng, cùng với nhiều yếu tố khác dẫn tới sự thận trọng trong việc lên kế hoạch kinh doanh năm mới.
Theo dự báo của BVSC, trong năm 2019, các ngân hàng vẫn có thể mở rộng lợi nhuận đối với hoạt động tín dụng do chi phí dự phòng giảm. Tuy vậy, nguồn thu nhập sẽ giảm do không còn thu nhập đột biến từ hiện thực hóa trái phiếu đầu tư cũng như các khoản lãi đột biến liên quan đến hoạt động bancassuarance và thu từ xử lý nợ xấu như năm 2018. Với tình hình này, BVSC dự báo lợi nhuận nhóm ngân hàng niêm yết sẽ tăng khoảng 13,5% trong năm 2019.