10:33 17/09/2024

Mua bán, sử dụng thực phẩm an toàn sau bão lũ

Băng Hảo

Báo cáo về hành vi mua sắm của NielsenIQ Việt Nam chỉ ra người tiêu dùng Việt đang có tần suất mua sắm online cao gấp đôi so với năm 2023. Cũng theo đơn vị này, nhóm 3 mặt hàng được mua nhiều nhất là thực phẩm, đồ uống và mỹ phẩm…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Mới đây, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã đưa ra cảnh báo, bão lụt và các thay đổi bất thường về thời tiết là những điều kiện thuận lợi cho thực phẩm dễ bị ô nhiễm vi sinh vật. Thêm vào đó, lương thực, thực phẩm gặp thời tiết mưa ẩm dễ bị ôi, thiu, mốc, hỏng, sinh độc tố có thể gây ngộ độc thực phẩm.

Khi bão lũ xảy ra, nguồn cung cấp thực phẩm tươi, sạch, an toàn bị ách tắc do việc di chuyển bị hạn chế. Nguồn nước lúc này có thể bị ô nhiễm nặng dẫn đến nguy cơ ô nhiễm thực phẩm và nước uống được sử dụng dùng để chế biến thức ăn. Đặc biệt, sau mưa lũ cũng là thời điểm dễ xảy ra ngộ độc thực phẩm cao do bảo quản thực phẩm chưa đúng cách hoặc lựa chọn, sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc.

Trong khi đó, một số đối tượng lợi dụng mùa mưa bão, tâm lý người tiêu dùng, có thể trà trộn, đưa ra thị trường tiêu thụ các loại thực phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm, không có nguồn gốc, xuất xứ, thực phẩm giả, hết hạn sử dụng. Liên quan đến vấn đề này, đại diện Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội khuyến cáo người tiêu dùng cần chọn mua thực phẩm tại cơ sở sản xuất uy tín, đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm; ưu tiên lựa chọn các sản phẩm thực phẩm có tem/mã truy xuất nguồn gốc điện tử; Sản phẩm của các đơn vị đã tham gia hệ thống truy xuất nguồn gốc thực phẩm của thành phố…

Sau mưa lũ cũng là thời điểm dễ xảy ra ngộ độc thực phẩm cao do bảo quản thực phẩm chưa đúng cách hoặc lựa chọn, sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc.
Sau mưa lũ cũng là thời điểm dễ xảy ra ngộ độc thực phẩm cao do bảo quản thực phẩm chưa đúng cách hoặc lựa chọn, sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc.

Bên cạnh đó, dạo quanh các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, TikTok hay trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) như Lazada, Tiki, Sendo, Shopee…, chúng ta đều thấy có bán các mặt hàng thực phẩm, đa dạng, phong phú, từ đồ ăn vặt, thực phẩm chế biến sẵn, đóng hộp đến đồ tươi, sống. Chỉ cần có điện thoại thông minh, người tiêu dùng có thể mua mọi thứ và được giao đến tận nhà.

Đáng chú ý, các sàn TMĐT hiện nay đều ghi nhận số lượng đơn hàng của ngành hàng thực phẩm tươi sống có mức tăng trưởng cao hơn so với trước đây. Các mặt hàng bán chạy nhất trên mạng chủ yếu là nhóm hàng thực phẩm có thể bảo quản lâu hoặc bổ dưỡng cho sức khỏe như sữa, mì ăn liền, miến ăn liền, sữa bột, hoa quả nhập khẩu…

Bên cạnh các nhà hàng, cơ sở kinh doanh đồ ăn uống có đăng ký kinh doanh, có chứng nhận an toàn thực phẩm mở bán online, không ít địa chỉ bán hàng online là các cơ sở nhỏ lẻ theo kiểu gia đình không có giấy phép kinh doanh, các sản phẩm chế biến không có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Liên quan vấn đề này, tại hội thảo “Kết nối sản phẩm thực phẩm an toàn vào kênh phân phối hiện đại”, bà Lê Thị Hà (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương) cho biết, hiện nay người dân có thể dễ dàng mua các loại thực phẩm trên thị trường mạng chỉ trong vài phút đặt hàng, thanh toán và nhận đơn hàng tận nhà. Song cùng với tiện ích nêu trên, vấn đề đặt ra hiện nay đó là việc kiểm soát chất lượng, quản lý an toàn thực phẩm trên môi trường TMĐT.

Năm 2023, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã yêu cầu các sàn giao dịch TMĐT rà soát quy trình, biện pháp kiểm duyệt người bán, sản phẩm/dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện (nhất là đối với các sàn có kinh doanh thực phẩm, thực phẩm chức năng, rượu, bia) và một số sản phẩm theo yêu cầu của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế). Kết quả đã gỡ bỏ 17.234 sản phẩm và chặn 5.576 gian hàng vi phạm.

Người dân có thể dễ dàng mua các loại thực phẩm trên thị trường mạng.
Người dân có thể dễ dàng mua các loại thực phẩm trên thị trường mạng.

Thông tin từ Cục Quản lý thị trường TP.HCM cũng cho biết, đơn vị đã chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tăng cường triển khai đồng bộ các kế hoạch công tác của lực lượng quản lý thị trường TP.HCM, đặc biệt tập trung kiểm tra, xử lý rất nhiều đối tượng lợi dụng sàn giao dịch thương mại điện tử, mua, bán online, mạng xã hội (Facebook, Zalo...) với nhiều thủ đoạn để kinh doanh hàng cấm, hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Theo ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), phương thức quảng cáo thực phẩm đã dần thay đổi từ quảng cáo trên các phương tiện chính thống, truyền hình, báo đài sang quảng cáo qua mạng và các nền tảng xã hội với đặc điểm rẻ, nhanh, khó kiểm soát. “Việc giám sát, quản lý, xử lý vi phạm trong quảng cáo thực phẩm cần phải có những thay đổi phù hợp thực tiễn", ông Long nhấn mạnh.

Đồng tình, bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, cho hay, hiện, cơ sở pháp lý chưa đủ, quản lý như thế nào với các cơ sở buôn bán thực phẩm online. Vì vậy, đơn vị khuyến khích các cơ sở này có giấy tờ liên quan đến an toàn thực phẩm như giấy đủ điều điện, tự công bố, phiếu kiểm nghiệm,… để thuyết phục người mua.

Về phía người tiêu dùng, khi mua hàng cần kiểm tra hàng hóa trước khi nhận; lựa chọn tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ có nguồn gốc, xuất xứ rõ; tìm hiểu kỹ thông tin hàng hóa trước khi mua. Cần thông tin cho cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan khi phát hiện có các cá nhân, tổ chức bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, ảnh hưởng tới quyền lợi người tiêu dùng và quyền lợi của các cá nhân, tổ chức đang sản xuất, kinh doanh các mặt hàng được cấp phép.

Ccác cơ sở nêncó giấy tờ liên quan đến an toàn thực phẩm như giấy đủ điều điện, tự công bố, phiếu kiểm nghiệm,… để thuyết phục người mua.
Ccác cơ sở nêncó giấy tờ liên quan đến an toàn thực phẩm như giấy đủ điều điện, tự công bố, phiếu kiểm nghiệm,… để thuyết phục người mua.

Ngoài ra, cảnh báo về thói quen dự trữ thực phẩm của không ít gia đình, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho rằng tủ lạnh giúp kéo dài tuổi thọ của thực phẩm trong một thời gian ngắn, nhưng nhiệt độ trong tủ lạnh phải được điều chỉnh ở mức thích hợp. Các nghiên cứu cho biết nếu tủ lạnh quá ấm sẽ tạo ra một môi trường tuyệt vời cho các loại vi khuẩn độc hại phát triển. Nhiệt độ tủ lạnh lý tưởng là ở mức dưới 40 độ F. Ở khoảng nhiệt độ này, các thực phẩm sẽ an toàn hơn khi sử dụng.

Trong thời gian mất điện, cửa tủ lạnh và tủ đá phải được đóng kín hoàn toàn để duy trì nhiệt độ lạnh. Một tủ đá với đầy kín thức ăn, nếu cửa đóng chặt thì sẽ giữ được nhiệt độ lạnh khoảng 48 giờ, trong khi đó nếu tủ chỉ chứa một nửa thực phẩm thì giữ được độ lạnh 24 giờ. Đối với tủ lạnh thì khác, nó chỉ giữ được độ lạnh khoảng 4 giờ sau khi bị mất điện. 4 giờ sau khi mất điện, các thực phẩm hư phải được bỏ đi.

Tiếp theo, khi có điện trở lại, cần phải xem thực phẩm trong tủ lạnh còn tươi và an toàn để tiếp tục dùng hay không. Nếu đã để một nhiệt kế trong tủ đá và nhiệt độ trên nhiệt kế vẫn còn dưới 4 - 5 độ C thì thực phẩm vẫn còn dùng được. Nếu cẩn thận hơn nữa thì có thể kiểm tra từng gói đồ ăn, nếu chúng vẫn còn dính băng đá hoặc dưới 4 - 5°C thì có thể tiếp tục giữ lạnh những gói thức ăn này hay đem nấu.