16:15 24/11/2015

Mùa lạnh, mùa đau khớp

PV

Theo Đông y, trời lạnh thường mang theo các yếu tố gây bệnh như phong, hàn (gió, lạnh). Khi gặp điều kiện thuận lợi, các yếu tố này sẽ phối hợp xâm nhập vào cơ thể và lưu đọng lại ở các khớp xương làm khí huyết kém lưu thông, kinh lạc bị trì trệ, gây sưng, đau, tê nặng ở khớp. Đặc biệt, ở người sẵn có bệnh lý về khớp thường có cơ thể suy yếu và can thận bị hư, khí huyết giảm sút không nuôi dưỡng được cân mạch là những đối tượng dễ bị phong, hàn xâm nhập khiến bệnh thêm trầm trọng.

Mùa lạnh, mùa đau khớp - Ảnh 1

Một số bệnh khớp thường gặp    - Bệnh thấp khớp cấp hay còn gọi là bệnh thấp tim, hay gặp ở lứa tuổi học đường, xuất hiện sau nhiễm khuẩn đường hô hấp trên, đặc biệt là viêm họng do nhiễm liên cầu khuẩn bêta nhóm A. Trẻ có biểu hiện ban đầu như viêm họng, sốt cao. Sau vài tuần kể từ khi bị viêm họng, trẻ có thể xuất hiện các viêm khớp cấp do thấp. Viêm khớp có tính chất xảy ra đột ngột, hay gặp ở các khớp to vừa như khớp gối, cổ chân, khuỷu tay, cổ tay, ít gặp viêm các khớp nhỏ ở bàn tay, bàn chân, hoặc viêm một khớp đơn độc. Các khớp bị viêm sưng to, nóng, đỏ, đau, có thể có dịch nhưng không bao giờ bị hóa mủ. Khớp viêm thường không đối xứng, hay di chuyển từ khớp này sang khớp khác. Viêm khớp có thể tự khỏi nhưng thường khỏi nhanh hơn khi dùng thuốc chống viêm. Trong khi biểu hiện ở khớp thường khỏi nhanh, khỏi hoàn toàn không để lại di chứng thì biểu hiện ở tim thường nặng nề và là biểu hiện nguy hiểm nhất của bệnh. Ngoài các triệu chứng ở khớp, ở tim... trẻ còn có thể có các triệu chứng thần kinh như múa giật, liệt, hôn mê; đau bụng, tiểu ra máu...    - Viêm khớp dạng thấp là bệnh chủ yếu gặp ở nữ giới, tuổi trung niên, viêm khớp kéo dài với các đợt sưng đau khớp cấp tính, bệnh nhân thường sưng đau nhiều khớp, sốt, có thể có các biểu hiện ở các cơ quan khác. Nếu không được điều trị, các khớp nhanh chóng bị biến dạng, dính khớp. Các khớp thường gặp nhất là các khớp nhỏ ở bàn tay, khớp cổ tay, khuỷu, gối, cổ chân, bàn ngón chân, cả hai bên. Ở giai đoạn muộn, thường biểu hiện ở các khớp vai, háng, cột sống cổ. Buổi sáng, khi mới ngủ dậy, người bệnh thấy có cảm giác cứng tại khớp, khó vận động. Dấu hiệu này rõ nhất ở các khớp cổ tay và bàn tay, khiến người bệnh phải làm các động tác như gấp, xoay cổ tay... một hoặc vài tiếng, mới giảm bớt cảm giác cứng khớp. Sau nhiều đợt cấp tính hoặc sưng đau khớp kéo dài (vài tháng hoặc vài năm), các khớp có thể biến dạng: bàn tay bị vẹo, cổ tay sưng, các ngón tay ngón chân cũng bị biến dạng, các cơ teo, khiến cho chức năng vận động của bệnh nhân bị giảm sút, thậm chí ở giai đoạn muộn, bệnh nhân trở thành tàn phế.    - Đau vai gáy, đau thắt lưng viêm các điểm bám tận của các gân vào đầu xương trong chứng bệnh đau cân cơ (fibromyalgia). Bệnh thường gặp ở những nhân viên văn phòng, đánh máy tính... Do trời lạnh, các cơ thưòng co lại để sinh nhiệt (rét run), tư thế "so vai, rụt cổ" do các cơ vùng gáy co lại để hạn chế tối đa trao đổi nhiệt với môi trường lạnh xung quanh. Các tư thế này phải duy trì trong thời gian dài làm cho các cơ cạnh cột sống bị giữ ở một tư thế lâu, gây mệt và mỏi cơ. Có thể đau một hay hai bên bả vai, hạn chế các động tác của cột sống như cúi, ưỡn, nghiêng... Các triệu chứng hay đi kèm là trạng thái mệt mỏi, đau đầu, mất ngủ...    - Thoái hoá khớp là bệnh lý hay gặp ở người cao tuổi, do quá trình lão hoá của sụn khớp, sụn bị mất tính đàn hồi, mỏng dần đi và nhuyễn hoá, làm lộ tổ chức xương dưới sụn, gây đau và hạn chế vận động.  Khi trời lạnh, các gân cơ bị co rút lại, dịch khớp đông quánh hơn làm cho các khớp trở nên cứng hơn, khó cử động hơn. Hơn nữa khi trời lạnh, các thói quen tập luyện hàng ngày cũng bị giảm đi, cũng góp phần làm bệnh nặng thêm. Làm sao để giảm đau nhức xương khớp? Phương pháp dễ thực hiện nhất và phổ biến nhất để làm giảm các cơn đau nhực xương khớp là xoa bóp, có công dụng làm giảm cơn co cứng các khớp. Bạn có thể dùng rượu thuốc để xoa bóp. Cách chế biến rượu thuốc: Hồng hoa 12g, đào nhân 20g, xuyên khung 50g, đương quy 50g, thảo ô 20g, hạt tiêu 50g. Các vị tán vụn, ngâm với 1 lít rượu trắng, sau 3 ngày thì dùng được. Hoặc một bài thuốc xoa bóp khác khá phổ biến trong Đông y: Hồng hoa 6g, đào nhân 6g, nhũ hương 6g, đương quy 12g, sinh nam tinh 12g, sinh bán hạ 12g, sinh xuyên ô 9g, khương hoạt 9g, độc hoạt 9g, bạch giới tử 3g, băng phiến 3g, tế tân 4,5g, tạo giác 4,5g. Các vị tán vụn, ngâm với 1 lít rượu trắng trong bình kín, sau 7 ngày là có thể dùng được. Lưu ý: Các bài thuốc trên chỉ dùng để xoa ngoài khớp hoặc nơi đau mà da không loét, tuyệt đối không được uống. Không được xoa bóp trực tiếp lên vùng khớp viêm cấp (sưng, nóng, đỏ).

Mùa lạnh, mùa đau khớp - Ảnh 2

Nước muối ấm và gừng cũng có tác dụng làm dịu cơn đau, phòng bệnh đau khớp cổ chân

Ngoài xoa bóp, bạn cũng có thể thử tắm nóng. Bởi vì khi bị đau khớp do trời lạnh, cách tốt nhất để giảm đau là làm nóng (khi người bệnh không có bệnh lý gì đặc biệt). Người bệnh có thể tắm nước nóng vì nước nóng có tác dụng giảm đau, tăng tuần hoàn ngoại vi, tạo thư giãn cơ, giảm cơn co cứng cơ và giúp người bệnh thực hiện một số cử động chủ động của khớp trong nước. Tắm nước nóng toàn thân (áp dụng cho các trường hợp viêm nhiều khớp), tắm nóng từng phần (những người không tắm được toàn thân hay đau khớp cục bộ, tay chân…). Đối với tắm nóng, nhiệt độ nước đủ ấm tránh quá nóng. Thời gian tắm từ 15 - 20 phút. Lưu ý, về mùa lạnh không nên tắm quá muộn. Chườm nóng cũng là một phương pháp được Đông y tin dùng cho các cơn đau khớp cấp. Người bệnh có thể đắp nóng hoặc chườm nóng. Đắp nước nóng bằng túi chườm nóng cho đau ở một hoặc 2 khớp. Thời gian đắp tối đa 20 phút. Hàng ngày lấy lá ngải cứu trắng hoặc lá lốt rửa sạch, cho muối vào rồi nướng nóng lên, sau đó đắp vào khớp. Khi khớp bị sưng, đắp ngải cứu muối ấm sẽ làm cơn đau giảm, khớp bớt sưng. Hoặc mỗi ngày, tốt nhất ngâm chân một lần vào thời gian thuận lợi, ngâm từ 15 - 30 phút. Nước muối ấm và gừng cũng có tác dụng làm dịu cơn đau, phòng bệnh đau khớp cổ chân và còn giúp phòng ngừa nhiều bệnh cho toàn thân. Nếu sau vài ngày áp dụng các biện pháp trên, không thấy thuyên giảm hoặc giảm rất ít, người bệnh cần đến cơ sở y tế để khám chữa bệnh, không nên tự ý dùng thuốc để tránh những hậu quả đáng tiếc. Để phòng đau nhức xương khớp khi chuyển mùa cần giữ ấm bàn chân không nên ra ngoài khi trời lạnh. Độ ẩm không khí cao là nguy cơ gây đau, sưng. Hãy luôn giữ ấm bàn chân để phòng bệnh một cách hiệu quả nhất. Đi bộ không thật sự tốt cho người bệnh đau khớp? Giống như mọi môn thể dục khác, đi bộ giúp tăng cường sức khoẻ. Nó thích hợp cho bệnh nhân tim mạch bởi không cần tốn nhiều sức lực, động tác đơn giản, có thể tự điều chỉnh cường độ và thời gian luyện tập. Tuy nhiên không phải ai tập đi bộ cũng cho kết quả tốt. Nhiều người càng đi càng đau, đặc biệt với những bệnh nhân đau khớp. Tren thực tế, một trong những nguyên lý bệnh học là cơ quan nào bị bệnh thì phải được nghỉ ngơi đợi hồi phục. Khớp xương cũng vậy, khi viêm thì gây đau nhức, sự nghỉ ngơi rất cần thiết vì chính là phương pháp giúp giảm đau. Đi bộ trong khi viêm khớp gối chắc chắn sẽ làm bệnh nặng hơn. Đa số người già bị thoái hoá khớp gối. Do sự lão hoá qua nhiều năm tháng sử dụng, các lớp sụn khớp bị hư hỏng, trục xương bị cong vào trong. Càng đi nhiều, càng làm khớp hư thêm. Lý do là khi đi đứng sẽ tạo sức đè ép lên các mặt sụn khớp đã bị thoái hoá. Lớp sụn này có tác dụng hấp thu lực đè ép, nay tác dụng này giảm đi hoặc không còn nữa sẽ tạo những sang chấn trên hai đầu xương, tạo ra hiện tượng viêm khớp, gây đau khi bệnh nhân đứng hay đi. Vì thế những bệnh nhân này được khuyến cáo hạn chế đi lại, khi đi phải có nạng hay gậy nâng đỡ giúp giảm tải cho bề mặt khớp hư. Vì vậy, đi bộ được xem là một phương pháp phòng bệnh hơn chữa bệnh. Những người lớn tuổi không có triệu chứng đau gối vẫn có thể tập đi bộ nhưng cần lưu ý cường độ và thời gian tập luyện phù hợp với cơ thể. Khi có triệu chứng đau nhức thì phải giảm mức độ tập luyện hay nghỉ ngơi một thời gian rồi mới tập lại.

Mùa lạnh, mùa đau khớp - Ảnh 3

Một số bài tập cho người đau xương khớp    - Khởi động trước khi tập: Trước khi tập cần khởi động nhẹ nhàng như sau: lần lượt gập đầu sang trái, phải, ra trước, ra sau; lặp lại 4 lần. Xoay cổ tay, khuỷu tay, khớp vai, mỗi động tác 5 lần. Xoay cổ chân, đầu gối, mỗi động tác 5 lần. Vặn mình sang mỗi bên 3 lần. Đi bộ tại chỗ hoặc bước đi khoảng 2 - 3 phút. Nếu trong lúc tập thấy khó thở, chóng mặt, mệt hay đau thắt ngực thì ngưng bài tập ngay.    - Kéo căng khớp vai: Đứng thẳng người, chân mở rộng bằng vai, đan các ngón tay vào nhau, lòng bàn tay ngửa lên trên, từ từ đưa thẳng 2 tay lên trên qua đầu, rồi gồng vươn tay hết mức, đếm giữ ở tư thế này 10 giây rồi thả lỏng lại. Bạn sẽ thấy cảm giác kéo căng ở cánh tay, vai và phần trên của lưng. Làm từ 3 - 5 lần.    - Kéo căng cánh tay: Đứng thẳng người, hai chân mở rộng bằng vai. Dùng bàn tay bên phải nhẹ nhàng kéo khuỷu tay bên trái choàng qua ngực đến vai bên phải; lực kéo mạnh dần, đếm giữ 10 giây rồi thả lỏng lại. Đổi bên. Làm 3 - 5 lần mỗi bên.    - Kéo căng gối - ngực: Nằm ngửa trên nệm cứng, đan ngón tay vào nhau, kéo đầu gối bên trái co lên ép vào ngực, trong khi đầu vẫn giữ áp sát mặt nệm, đếm giữ 20 - 30 giây rồi thả lỏng lại. Đổi bên.    - Kéo căng cơ đùi sau: Ngồi trên nệm, duỗi thẳng 2 chân ra trước, dùng khăn bông dài quàng vào mũi bàn chân, thẳng 2 tay, cầm khăn kéo và hơi gập phần trên thân người tới trước, đếm giữ 20 - 30 giây rồi thả lỏng lại. Đổi bên.    - Kéo căng cơ đùi trước: Tay phải vịn chặt vào thành ghế, đứng trên 1 chân trái. Dùng tay trái nắm giữ bàn chân phải, kéo dần gót chân lên phía mông, đếm giữ 20 - 30 giây rồi thả lỏng lại. Đổi bên.    - Ngồi xổm tương đối: Đứng phía trước ghế, 2 chân mở rộng bằng vai, dạng 2 bàn chân nhẹ sang 2 bên, trọng lực dồn đều 2 chân. 2 tay đặt chéo trước ngực, lưng thẳng. Từ từ ngồi xuống ghế. Làm động tác 8 - 12 lần, sau đó nghỉ 30 - 60 giây rồi tập động tác kế tiếp.

Hoài Phương