Thương hiệu thời trang Việt “tấn công” thị trường tỷ dân
Nền kinh tế tiêu dùng của Trung Quốc không chỉ là một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới, mà bối cảnh thời trang đang phát triển của nước này cũng đang tạo nên tiếng vang trong ngành công nghiệp khu vực và thế giới...

Sau khi loạt mỹ nhân Hoa ngữ khoe sắc trong các thiết kế của Lê Thanh Hòa, Hacchic Couture thì mới đây, hai mỹ nam Cbiz Lý Hiện và Phạm Thừa Thừa lại tiếp tục chọn một thương hiệu thời trang Việt trong các sự kiện quan trọng.
Cụ thể, đầu tháng 7/2025, trong video quảng bá cho bộ phim truyền hình đang gây sốt xứ Trung – Cẩm Tú Phương Hoa, nam diễn viên Lý Hiện đã xuất hiện trong một thiết kế từ bộ sưu tập Xuân - Hè 2025 của nhà thiết kế Trần Hùng.
Đây không chỉ là màn hợp tác đầu tiên giữa mỹ nam sinh năm 1991 và thương hiệu thời trang Việt Nam, mà còn đánh dấu một bước tiến nổi bật của thương hiệu TRAN HUNG tại thị trường Trung Quốc. Lý Hiện chọn thiết kế áo vest với họa tiết hoa poppy, rất phù hợp với nhân vật Hoa Điểu Sứ mà anh thủ vai trong phim. Bên trong anh mặc cùng áo thun đen đơn giản. Chiếc quần ống rộng cùng chất liệu tông đen giúp cân bằng tổng thể, mang đến nét sang trọng nhờ hiệu ứng all-black.

Theo chia sẻ từ nhà thiết kế Trần Hùng, thiết kế dùng vải cao cấp nhập khẩu từ Ý. Phần hoa poppy – điểm nhấn của toàn bộ tạo hình – được may từ lụa satin tơ tằm Việt Nam. Sự kết hợp giao thoa văn hoá Đông Tây này đã chinh phục stylist của Lý Hiện.
Tương tự, một gương mặt khác của làng giải trí Hoa ngữ cũng gây chú ý khi liên tục lựa chọn thiết kế của thương hiệu TRAN HUNG chính là Phạm Thừa Thừa. Ở một sự kiện mỹ phẩm mới đây, nam diễn viên diện một mẫu thiết kế Xuân - Hè 2025 từ TRAN HUNG, đánh dấu lần thứ ba anh tin tưởng lựa chọn thương hiệu Việt cho các hoạt động nghệ thuật.
“Stylist của Phạm Thừa Thừa đã trực tiếp liên hệ với thương hiệu TRAN HUNG để đặt thiết kế từng trình diễn tại Tuần lễ thời trang London. Họ yêu cầu giữ nguyên tinh thần trang phục, chỉ điều chỉnh form dáng theo số đo cá nhân. Khi hoàn thiện và gửi sang Trung Quốc, phía stylist nam diễn viên đã bày tỏ sự hài lòng, thậm chí chia sẻ rằng họ đã mong chờ sự hợp tác này từ rất lâu,” nhà thiết kế Trần Hùng chia sẻ.

Trong khi đó, tại Lễ hội thời trang quốc tế ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vừa qua, nhà thiết kế Nguyễn Minh Tuấn vừa trình làng bộ sưu tập mới mang tên “Sợi chỉ mê hoặc” (Threads Of Enchantment) lấy cảm hứng từ con đường tơ lụa. Bộ sưu tập gồm 30 thiết kế đầm dạ hội, lấy gam màu vàng làm chủ đạo, sử dụng các chất liệu tafta, kim tuyến, lưới xuyên thấu, lưới đá lấp lánh kết hợp với kỹ thuật tạo hình 3D, dập ly và draping.
Lễ hội thời trang quốc tế ở Trung Quốc có gần 10 nhà thiết kế tham gia trình diễn bộ sưu tập mới. Nguyễn Minh Tuấn là nhà thiết kế quốc tế duy nhất, cũng là nhà thiết kế Việt đầu tiên trình diễn tại lễ hội thời trang này. Anh cho biết việc tham gia trình diễn tại Trung Quốc là cơ hội để anh quảng bá thời trang Việt ở thị trường tỷ dân đầy tiềm năng. "Tôi luôn trân trọng những cơ hội trình diễn bộ sưu tập mới ở sàn diễn thời trang quốc tế,” nhà thiết kế cho hay.

Trước đó, thương hiệu thời trang Việt Lsoul cũng đã có màn chào sân ấn tượng tại thị trường Trung Quốc, với sự kiện khai trương flagship store đầu tiên vào cuối tháng 6/2025, ngay sau khi tham dự Shanghai Fashion Week (3/2025). Đây cũng là thương hiệu thời trang Việt hiếm hoi làm được điều này.
Ngay tại trung tâm không gian flagship store tại Thượng Hại, các quan khách tỏ ra thích thú khi lần đầu chiêm ngưỡng tác phẩm nghệ thuật R: GENERA (robot cử động như người thật, mặc thiết kế Lsoul). Đây được xem như thông điệp thời trang về sự tái định nghĩa cái đẹp - về những người phụ nữ Lsoul trong thế hệ mới: đa sắc, đa diện và luôn kết nối với chính mình.
Sau sự kiện, nhà sáng lập Nguyễn Trọng Lâm không giấu được niềm vui: "Phản ứng tích cực từ các chuyên gia thời trang hàng đầu đã khẳng định rằng thời trang Việt Nam hoàn toàn có đủ sức sáng tạo và chất lượng để chinh phục những thị trường khắt khe nhất".
Các thiết kế của Lsoul từng được các sao quốc tế như BlackPink, aespa, Katy Perry... lựa chọn làm trang phục xuất hiện trong những dịp đặc biệt. Sau khi có cửa hàng tại TP.HCM, Thái Lan, việc có mặt tại thị trường tỷ dân là bước đệm vững chắc để Lsoul tiếp tục các kế hoạch mở rộng tại Dubai, Paris và các sàn diễn thời trang danh giá tại London và New York trong tương lai.

Năm 2024, tại Tuần lễ thời trang Thượng Hải, nhiều thương hiệu Việt Nam cũng đã tham gia các hoạt động trình diễn (runway), như Hacchic, Sixdo và triển lãm (tradeshow), như Linh Nga, Joli Poli… Bên cạnh đó, hội chợ thương mại Xcommons tổ chức tại Côn Sơn (tỉnh Giang Tô) cũng thu hút 10 thương hiệu Việt gồm DANG HAI YEN, KHAAR, Decode House, Onon Made, Le Art, Emwear, Briller, Larmes, Emwear và Valenciani.
Nhà thiết kế Đinh Thị Phương Thảo (nghệ danh Linh Nga) nhận định với dân số hơn 1,4 tỷ người, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ thời trang rất lớn, mang đến nhiều cơ hội kinh doanh cho thương hiệu Việt. Sau 5 ngày tham gia trưng bày sản phẩm và đón tiếp các nhà phân phối quốc tế tại tradeshow, cô ước tính tiềm năng doanh số từ thị trường Trung Quốc có thể cao gấp 200 - 300 lần thị trường trong nước.
Do vậy, dù chỉ phát triển sản phẩm ngách là thời trang may đo cao cấp Haute Couture thì doanh số vẫn đủ lớn để doanh nghiệp vận hành, có lãi để tái đầu tư và phát triển thương hiệu.
Sau Úc và Mỹ, Trung Quốc cũng là quốc gia thứ ba được Sixdo chọn để giới thiệu bộ sưu tập mới. Ông Huy Cận, CEO thương hiệu Sixdo, nhận định Trung Quốc là thị trường lớn với ngành thời trang toàn cầu. Hầu hết các thương hiệu lớn của thế giới đã có mặt và khai thác tốt tiềm năng nơi đây.

Tháng 6/2024, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), đã dẫn đoàn doanh nghiệp dệt may Việt Nam sang tham quan và nghiên cứu công nghệ sáng tạo tại CCCT-Chenfeng Fashion Hub, Trung Quốc.
"Hiện Việt Nam đứng thứ ba trong top các quốc gia xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Bangladesh. Việt Nam đang có khoảng 7.000 doanh nghiệp dệt may với 3 triệu lao động nhưng đến 80% năng lực được sử dụng để sản xuất cho các thương hiệu nổi tiếng thế giới, xuất khẩu dưới hình thức B2B.
Tuy nhiên, với sự bùng nổ của thương mại điện tử, dệt may thời trang Việt Nam hoàn toàn có thể bán tận tay người tiêu dùng trên toàn thế giới, xuất khẩu theo hình thức B2C (doanh nghiệp đến tay người tiêu dùng). VITAS đang vận động các doanh nghiệp nên phát triển song song cả hai hình thức này", bà Tuyết Mai cho biết.