06:00 16/09/2024

Năm điểm trọng  tâm khắc phục siêu bão Yagi

Lý Hà

Bão Yagi là siêu bão mạnh nhất khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương trong năm 2024. Bão số 3 (Yagi) và hoàn lưu của nó đã gây nên những thiệt hại rất lớn về người, của cải, tài sản cho 25 tỉnh, thành phố phía Bắc. Nhiều chính sách, giải pháp đã được đưa ra, trong đó cứu người là trên hết...

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chủ trì họp Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chỉ đạo khắc phục hậu quả cơn bão số 3, ngày 9/9/2024.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chủ trì họp Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chỉ đạo khắc phục hậu quả cơn bão số 3, ngày 9/9/2024.

Trong nhiều thập kỷ qua, bão Yagi đã  tạo ra nhiều kỷ lục: vùng gió mạnh trên cấp 8 có bán kính hoảng 250 km; vùng gió cực mạnh vượt trên cấp 12 thậm chí giật đến cấp 17 kéo dài 80 km xung quanh tâm bão; sức tàn phá của bão cùng hoàn lưu để lại những hậu quả kinh hoàng ở những nơi nó đi qua. Tại Việt Nam, nhiều người chết và mất tích, hàng trăm người bị thương; nhiều diện tích lúa và hoa màu bị thiệt hại; nhiều nhà ở, trụ sở cơ quan, trường học…bị hư hại nặng nề…

DỐC SỨC CHỐNG BÃO, LŨ: CỨU NGƯỜI LÀ TRÊN HẾT 

Nhìn lại lịch sử các cơn bão hoạt động ở biển Đông, các chuyên gia khí tượng nhận xét chưa thấy một cơn bão nào có tốc độ tăng cấp nhanh như Yagi. Hình thành vào tối ngày 1/9/2024, trên vùng biển ngoài khơi miền Trung Philippines, sang ngày 2/9/2024 bão đã vượt qua đảo Lu-Dông (Philippines) để thành cơn bão số 3 của Biển Đông năm 2024.

Bão số 3 và hoàn lưu sau bão đã gây ảnh hưởng rộng khắp khu vực phía Bắc Việt Nam,  gồm 25 tỉnh, thành phố như Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hòa Bình, Thái Nguyên, Sơn La, Điện Biên, Hà Giang, Lai Châu, Cao Bằng, Bắc Kạn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Hưng Yên, Hà Nam và Vĩnh Phúc. Bão gây mưa lớn cho khu vực Bắc Bộ, đặc biệt ở khu vực miền núi phía Bắc để tiếp tục gây lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng tại các tỉnh như Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng…

Ngay sau khi bão số 3 tan, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã họp Bộ Chính trị, Ban Bí thư để chỉ đạo việc tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ do hoàn lưu của bão số 3. Tinh thần của Tổng bí thư là không được chủ quan, phải tăng cường cảnh giác, chủ động các phương án đối phó với diễn biến bất thường, nguy hiểm của thời tiết. Huy động tối đa các nguồn lực để bảo đảm an toàn và ổn định đời sống của nhân dân.

Thứ nhất, tập trung cao độ cho việc cứu người, tìm kiếm người mất tích; cứu chữa những người bị thương và lo hậu sự cho những người xấu số.

Thứ hai, không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu chỗ ở, không có nơi nương tựa; không để các cháu học sinh thiếu lớp, thiếu trường; không để người bệnh không có nơi khám chữa bệnh.

Thứ ba, khắc phục các sự cố về điện, nước, viễn thông và các lĩnh vực khác để phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo, sản xuất kinh doanh và đời sống người dân.

Thứ tư, thống kê thiệt hại chính xác, khách quan để có giải pháp khắc phục phù hợp, hiệu quả, kịp thời.

Thứ năm, ứng phó hậu quả hoàn lưu bão như lũ ống, lũ quét, sạt lở, sụt lún…

Sáng 12/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Yên Bái thị sát tình hình, thăm hỏi đời sống người dân, kiểm tra, động viên các lực lượng đang làm nhiệm vụ ứng phó mưa lũ, cứu hộ cứu nạn.
Sáng 12/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Yên Bái thị sát tình hình, thăm hỏi đời sống người dân, kiểm tra, động viên các lực lượng đang làm nhiệm vụ ứng phó mưa lũ, cứu hộ cứu nạn.

Cũng cần thấy rằng chỉ trong vòng 5 ngày kể từ khi bão số 3 đổ bộ vào Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ban hành liên tục 5 công điện, và trong các công điện này luôn nhắc nhở tập trung ưu tiên bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân. Quán triệt tinh thần trên của Bộ Chính trị, ngày 10/9/2024, Thủ tướng đã chỉ đạo lãnh đạo các tỉnh, bộ, ban, ngành phải đặt mục tiêu đảm bảo an toàn, sức khỏe, tính mạng cho nhân dân là trên hết, trước hết. Cứu chữa miễn phí cho người bị thương; tổ chức thăm hỏi, động viên kịp thời thân nhân và hỗ trợ lo hậu sự chu đáo cho người bị thiệt mạng. Tổ chức cứu trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các hộ dân có nguy cơ thiếu đói, nhất là các hộ tại các khu vực còn bị cô lập; bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà ở. Tuyệt đối không để ai bị đói, bị rét, không có nơi ở.

Thủ tướng yêu cầu rà soát ngay, hỗ trợ cho các địa phương bị thiệt hại, các gia đình có người thiệt mạng. Trong lúc này, người dân đang phải chịu thiệt hại nên phải khẩn trương triển khai ngay các công việc khắc phục hậu quả bão; kịp thời xử lý các vấn đề liên quan tới đời sống người dân, sản xuất, kinh doanh, ứng phó sạt lở, sụt lún. Các đoàn công tác của Chính phủ từ các Bộ trưởng đến các Phó Thủ tướng, Thủ tướng đã có mặt tại các điểm nóng để ra các quyết định kịp thời thực hiện 5 mục tiêu kể trên như việc hỗ trợ tiền, cấp 200 tấn gạo hỗ trợ 14 địa phương bị ảnh hưởng cơn bão số 3…

Năm mục tiêu trên của Bộ Chính trị đề ra như sợi chỉ đỏ để các bộ, ngành, địa phương căn cứ diễn biến tình hình bão, mưa lũ thực tế tại địa phương mình để đưa ra các biện pháp, chính sách thực hiện, thí dụ việc di chuyển người dân đến đâu, đi đâu hay quyết định việc cho học sinh các cấp nghỉ học để bảo đảm an toàn...

CÒN NHIỀU VIỆC PHẢI LÀM ĐỂ KHẮC PHỤC HẬU QUẢ 

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương tập trung thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách. Trong đó, hỗ trợ, cứu chữa người bị thương và tổ chức hỗ trợ, thăm hỏi, động viên, chia sẻ với các gia đình bị thiệt hại do bão số 3 gây ra, nhất là các gia đình có người bị chết, bị thương, mất tích, theo quy định của Chính phủ về chính sách trợ giúp xã hội khẩn cấp (hỗ trợ chi phí điều trị cho người bị thương nặng, hỗ trợ chi phí mai táng cho người chết, hỗ trợ làm nhà ở, sửa chữa nhà ở theo các quy định của Chính phủ).

Chỉ đạo rà soát, nắm bắt chính xác các hộ gia đình bị thiệt hại, bị ảnh hưởng bởi cơn bão số số 3 kịp thời hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho các hộ dân, các gia đình có nguy cơ bị thiếu đói, các hộ gia đình phải di dời khẩn cấp. Hỗ trợ lều bạt, nước uống, thực phẩm, chăn màn và một số mặt hàng thiết yếu khác phục vụ nhu cầu trước mắt, tại chỗ, nhất là các hộ có nhà bị đổ, sập, trôi, các hộ ở vùng bị ngập sâu, sạt lở, chia cắt… Trong mọi tình huống thì ưu tiên cao nhất luôn là sức khỏe, tính mạng của nhân dân.

Dù đã cố gắng giảm thiểu tối đa thiệt hại, chuẩn bị tất cả những gì có thể nhưng hậu quả của cơn bão để lại vẫn rất lớn. Nhiều người bị thiệt mạng do lở đất, nỗi đau đang đè nặng lên mỗi con người, mỗi gia đình. Trước mắt, việc khắc phục hậu quả cả bão, lũ đang còn rất nhiều việc phải làm.

Trong chống bão, lũ trong những hoàn cảnh khó khăn nhất người dân Việt Nam đã thể hiện tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái để giúp đỡ nhau vượt quá khó khăn. Đó cũng là điểm tựa vững chắc cho công cuộc xây dựng bảo vệ tổ quốc.  Ngày 10/9/2024, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phát động đợt ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra. Nhiều cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nhà hảo tâm và các địa phương đã đăng ký ủng hộ số tiền trên 407 tỷ đồng...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 38-2024 phát hành ngày 16/09/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Năm điểm trọng  tâm khắc phục siêu bão Yagi - Ảnh 1