Nắm giữ đài truyền hình, quân đội Zimbabwe tuyên bố không đảo chính
Diễn biến căng thẳng ở Zimbabwe, quốc gia nằm dưới sự lãnh đạo duy nhất của ông Mugabe suốt từ năm 1980
Quân đội Zimbabwe ngày 15/11 tuyên bố đã giành quyền kiểm soát Chính phủ trong một cuộc tấn công nhằm vào "những tên tội phạm" xung quanh Tổng thống Robert Mugabe - người bị cho là gây ra hàng loạt thách thức kinh tế-xã hội ở quốc gia châu Phi này.
Tuy nhiên, quân đội Zimbabwe tuyên bố đảm bảo rằng nhà lãnh đạo 93 tuổi và gia đình ông vẫn "an toàn và khỏe mạnh".
Theo tin từ Reuters, trong một bản tin ngắn phát trên kênh truyền hình quốc gia, một phát ngôn viên của quân đội Zimbabwe nói tình hình sẽ trở lại bình thường sau khi quân đội hoàn thành "sứ mệnh".
Trước đó, trong đêm ngày 14/11, quân đội đã ập vào chiếm đài truyền hình quốc gia nhưng tuyên bố sẽ không có đảo chính.
Nguồn thạo tin nói quân đội đã bắt giữ Bộ trưởng Bộ Tài chính Zimbabwe, ông Ignatius Chombo. Ông Chombo là một trong những thành viên đứng đầu của một phe cánh được gọi là G40 trong đảng cầm quyền ZANU-PF.
Phe cánh này do bà Grace Mugabe, vợ Tổng thống Mugabe, làm thủ lĩnh, và bà Grace đang nỗ lực nhằm trở thành người kế nhiệm chồng trên cương vị lãnh đạo đất nước.
Binh sỹ quân đội đã được triển khai khắp thủ đô Harare sau khi đảng cầm quyền ZANU-PF của ông Mugabe cáo buộc người đứng đầu quân đội tội phản quốc, theo đó làm dấy lên những tin đồn về một cuộc đảo chính.
Việc quân đội Zimbabwe giành quyền kiểm soát Chính phủ diễn ra sau khi tướng Constantino Chiwenga, người đứng đầu quân đội, cảnh báo sẽ can thiệp nhằm chấm dứt một cuộc thanh trừng nhằm vào các đồng minh của ông trong ZANU-PF.
Chỉ 24 giờ sau tuyên bố này, phóng viên Reuters đã nhìn thấy xe bọc thép chở binh sỹ di chuyển trên khắp những con đường chính ở Harare.
Xe quân đội trên đường phố thủ đô Harare, Zimbabwe, ngày 15/11 - Ảnh: Reuters.
Hai giờ sau đó, đài truyền hình quốc gia ZBC bị quân đội chiếm giữ, với toàn bộ nhân viên được yêu cầu không được rời nhà đài. Tiếp theo, có ba tiếng nổ lớn làm rung chuyển khu vực trung tâm thủ đô quốc gia Nam Phi này.
Ông Mugabe đã cầm quyền ở Zimbabwe suốt 37 năm. Dù được nể trọng ở châu Phi, ông bị phương Tây xem là một nhà lãnh đạo có những chính sách kinh tế "thảm họa" và sẵn sàng dùng vũ lực để duy trì quyền lực, khiến một trong những nền kinh tế hứa hẹn nhất của "lục địa đen" rơi vào tình cảnh thê thảm.
Cách đây khoảng một thập niên, siêu lạm phát đã hoành hành ở Zimbabwe, với tỷ lệ lạm phát vào năm 2008 lên tới 40 triệu %.
Mấy tháng trước, Phó tổng thống Emmerson Mnangagwa của Zimbabwe được xem là ứng cử viên sáng giá để thay thế ông Mugabe trên cương vị Tổng thống. Nhưng sau đó, ông Mnangagwa đã bị cách chức để nhường đường cho bà Grace, 52 tuổi.
Sự nổi lên của bà Grace trên chính trường Zimbabwe đã đặt bà vào thế xung đột với các cựu binh ở nước này - những người vẫn được hưởng đặc quyền cho tới hai năm trước, khi họ bắt đầu chỉ trích mạnh các chính sách kinh tế của ông Mugabe.
Ông Mnangagwa là người cùng phe phái với tướng Chiwenga, nên tướng Chiwenga tuyên bố sẽ không để yên khi những người ủng hộ ông Mnangawa trong đảng ZANU-PF bị thanh trừng.
Những gì đang diễn ra cho thấy cuộc đấu đá quyền lực căng thẳng ở Zimbabwe, quốc gia chỉ nằm dưới sự lãnh đạo duy nhất của ông Mugabe suốt từ năm 1980, khi nước này giành độc lập khỏi Anh.
Hiện cả Tổng thống Mugabe lẫn bà Grace đều chưa có phản ứng công khai nào trước tuyên bố của quân đội Zimbabwe.