21:10 26/04/2019

Nền kinh tế đang gặp vấn đề gì?

Nguyên Vũ

Doanh nghiệp giải thể gần bằng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động có phải hiện tượng bình thường?

Phiên họp toàn thể lần thứ 9 của Uỷ ban Kinh tế.
Phiên họp toàn thể lần thứ 9 của Uỷ ban Kinh tế.

Áp lực lạm phát có thực sự đáng lo, có nguy cơ xảy ra bong bóng bất động sản không, doanh nghiệp giải thể gần bằng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động có phải hiện tượng bình thường, vì sao giải ngân chậm mà tăng trưởng vẫn cao...

Đó là một số trong nhiều vấn đề được đặt ra tại phiên họp thẩm tra báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện phát triển kinh tế- xã hội 2018, tình hình những tháng đầu năm 2019, trong phiên họp toàn thể lần thứ 9, ngày 25/4 của Uỷ ban Kinh tế Quốc hội.

Báo cáo về nội dung trên của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, mục tiêu phát triển kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 được hoàn thành, đạt kết quả tương đối toàn diện trên các lĩnh vực, quý 1/2019 vẫn giữ được xu thế tích cực từ cuối 2018.

Nhưng các vị đại biểu Quốc hội, các chuyên gia có mặt tại cuộc họp vẫn rất nhiều băn khoăn xung quanh kết quả toàn diện và tích cực đó.

Về lạm phát, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh khi gợi mở một số vấn đề thảo luận cũng đề nghị đánh giá cụ thể hơn. Khi mà thực tế giá cả biến động hết sức phức tạp, xăng một tháng hai lần tăng giá, rồi sau khi giá điện điều chỉnh tăng thì báo chí phản ánh một số gia đình "than" hoá đơn tiền điện đã vọt lên gấp đôi, thậm chí gấp ba.

Trong bối cảnh đó thì chính sách tiền tệ, tài khoá cần điều hành thế nào, có ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên không, tín dụng bất động sản cũng là vấn đề cần quan tâm, ông Thanh nói.

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và đầu tư thì áp lực lạm phát 2019 không quá lớn do giá hàng hoá thế giới được báo chỉ ở mức tương đương năm 2018.

Song, chuyên gia Cấn Văn Lực phân tích, trong nước một loạt mặt hàng tăng giá, quan trọng hơn là "lạm phát tâm lý" rất lớn, nếu truyền thông không tốt thì rủi ro sẽ cao.

Bong bóng bất động sản cũng nằm trong những lo ngại liên quan đến ổn định kinh tế vĩ mô.

Nhắc lại tình trạng bong bóng bất động sản 2009 và chu kỳ 10 năm lại có "sóng", Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình, ông Bùi Văn Phương cho rằng phải đánh giá thật kỹ vấn đề này. 

Mối lo, theo đại biểu Phương nằm ở vấn đề kiểm soát tiền tệ, vì chính danh thì dòng tín dụng chảy vào bất động sản không lớn nhưng nhiều ý kiến nói tín dụng vòng vo qua một số kênh, trong đó có tín dụng tiêu dùng rồi lại vẫn quay về bất động sản đẩy giá lên chứ nếu vì chênh lệch cung - cầu hay vì tâm lý đám đông thì rất khó có bong bóng bất động sản.

Hiện nay chung cư nhiều và đất nền nhiều khu còn mênh mông, ông Phương nhận xét.

Tham gia bình luận, chuyên gia Cấn Văn Lực cho rằng không nên quá quan ngại về bong bóng bất động sản, bởi hiện tượng này chỉ xảy ra cục bộ ở một số dự án chứ không phải trên diện rộng.

Về hoạt động doanh nghiệp, trong quý 1/2019, bên cạnh 15.050 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, một số ý kiến tại Uỷ ban Kinh tế cho rằng cũng đáng lưu tâm khi có đến 14.761 doanh nghiệp đăng ký tạm dừng kinh doanh có thời hạn.

Đã khảo sát xem vì sao nhiều doanh nghiệp tạm dừng nhiều như thế chưa, theo đăng ký thì hiện có khoảng 1,3 triệu doanh nghiệp nhưng thực chất chỉ có hơn 700 đang hoạt động thôi, như thế có thể đạt mục tiêu có 1 triệu doanh nghệp hoạt động vào 2020 không?, đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) đặt vấn đề.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Lê Quang Mạnh giải thích, tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới với doanh nghiệp đóng cửa như ở Việt Nam so với nhiều nước khác thì cũng là bình thường. Tuy nhiên, ông Mạnh cũng đồng tình phải quan tâm nhiều hơn đến mảng này, qua diễn biến của năm 2018 và quý 1/2019.

Ngoài những vấn đề trên, trong một ngày thảo luận, các thành viên Uỷ ban Kinh tế và chuyên gia còn đề cập đến chất lượng tăng trưởng, động lực mới của tăng trưởng...

Nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, chuyên gia Nguyễn Văn Phúc nói ông rất bất ngờ khi đồng bằng sông Cửu Long là vùng kinh tế trọng điểm đầu tiên được lựa chọn thí điểm thực hiện Quy chế thí điểm liên kết phát triển kinh tế - xã hội vùng theo quyết định của Thủ tướng, nhưng cả 13 tỉnh này thu ngânsách chỉ bằng Bình Dương, xuất khẩu thì không bằng Đồng Nai, thu hút vốn đầu tư nước ngoài thì không bằng một tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

"Tôi cũng tìm hiểu thì một số anh nói tiếng là liên kết nhưng gặp nhau vui vẻ nhậu 1 cuộc rồi tỉnh nào làm việc của tỉnh đó", ông Phúc trao đổi.

Ông Phúc cũng bày tỏ băn khoăn rằng tại sao giải ngân vốn đầu tư công luôn bị phê là chậm mà tăng trưởng vẫn cao. Và hồi âm từ thứ trưởng Mạnh là nếu làm tốt giải ngân đầu tư công thì tăng trưởng còn cao hơn.