10:51 07/07/2007

Ngân hàng chưa quen bị cướp

Vì sống quá lâu trong “yên ổn” - ít có vụ cướp xảy ra, nên nhiều ngân hàng đâm ra chủ quan

Bảo vệ khó làm gì được trước họng súng.
Bảo vệ khó làm gì được trước họng súng.
Điều thường thấy ở ngân hàng là xe vận chuyển tiền đậu trước cửa ngân hàng, nhân viên xách hoặc đẩy từng túi tiền vào ngân hàng.

Có nơi nhân viên bảo vệ mang tiền vào ngân hàng hờ hững như xách một vật giá trị nhỏ. Cách làm này tạo thuận lợi cho cướp.

Khi có nhiều vụ cướp có súng dồn dập diễn ra gần đây, thì khả năng những tên cướp táo tợn mò đến tận Ngân hàng Nhà nước là điều có thể nghĩ đến.

Có dễ cướp ngân hàng?

Trong vụ cướp tại phòng giao dịch Ngân hàng Đầu tư và Phát triển sáng ngày 3/7, nếu viên đạn đầu nổ, thì có thể bọn cướp đã thoát cùng với những túi tiền.

Vì sống quá lâu trong “yên ổn” - ít có vụ cướp xảy ra, nên nhiều ngân hàng đâm ra chủ quan. Mỗi ngân hàng đều có kho tiền riêng. Kho được bố trí ở địa điểm kín đáo nhất. Kho có một loại cửa thiết kế riêng, thường được nhập từ nước ngoài.

Kho lớn nhất (ở Tp.HCM) là kho tiền Ngân hàng Nhà nước Tp.HCM. Đó là hầm ngay phía dưới ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước luôn được bảo vệ bởi một đội công an cắm chốt phía ngoài. Kho tiền thuộc dạng “chuyện” bí mật, nên hiếm khi nhân viên ngân hàng nào nhắc đến.

Trước 1975, ở các ngân hàng thương mại, bảo vệ đều có súng. Tại Ngân hàng Quốc gia (là Ngân hàng Nhà nước Tp.HCM bây giờ) có cả một đại đội bảo vệ ngày đêm, chỉ huy là một thiếu tá quân đội, vận chuyển tiền lúc nào cũng có cảnh sát và bảo vệ đi theo. Kho tiền Ngân hàng Quốc gia thường có 3 người giữ khoá, mỗi người có mật mã riêng.

Ông Trần Bá Tước, nguyên Giám đốc Nha Phát hành, Ngân hàng Quốc gia (cũ), là một trong 3 người giữ mã cửa, kể: Kho tiền Nhà nước có 2 lần tường, tường dày “cả thước”, cửa “nặng cả tấn”. Mỗi lần vào có 3 người mở khoá. Mã luôn được giữ trong tủ sắt, đề phòng trường hợp người giữ có sự cố gì thì người ta có thể mở kho ra.

Giật mình phòng thủ

Vụ cướp ngân hàng sáng 3/7 khiến giới ngân hàng “rúng động”. Ngay sau vụ cướp, ban giám đốc các ngân hàng họp khẩn và đưa ra vài quyết định thắt chặt việc vận chuyển tiền. Ngân hàng Nhà nước Tp.HCM tức tốc gởi văn bản chỉ đạo các ngân hàng khi vận chuyển tiền phải có đủ phương tiện bảo vệ cần thiết như xe chuyên dùng, két sắt, an ninh.

Yếu tố quan trọng nhất của xe chuyên dụng vận chuyển tiền là đạn bắn không thủng, luôn có bảo vệ đi kèm. Xe không được dừng quá lâu, phải chọn trục đường chính, không đi đường tắt, vắng; gặp sự cố không mở cửa mà chạy thẳng đến cơ quan pháp luật... là những điều lệ khi vận chuyển tiền.

Nói về trường hợp các chi nhánh, ông Hồ Hữu Hạnh, quyền Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Tp.HCM, cho biết: “Các chi nhánh, điểm giao dịch diện tích thường nhỏ, không có mặt tiền lớn để xe vào sâu. Hơn nữa, quy định giao thông không cho phép xe không được leo lên lề. Chúng tôi đã chỉ đạo ngân hàng trên địa bàn chú ý về việc vận chuyển này”.

Ông Hạnh nói thêm: “Chúng tôi đã từng phát hiện có vụ thâm nhập vào ngân hàng, camera phát hiện được, hoặc người kiếm chuyện trên đường vận chuyển tiền. Chuyện cướp đã được cảnh báo 5 năm trở lại đây”.

Hiện nay, quy chế bảo vệ các ngân hàng không được phía công an ủng hộ, bởi quy chế hoạt động của bên Công an không còn làm việc đó nữa. Các ngân hàng đang “đòi” có súng để bảo vệ mình. “Bảo vệ khó làm gì nếu đứng trước một họng súng”, một giám đốc ngân hàng nói.

Ông Hạnh cho rằng ngân hàng có thể thành lập công ty bảo vệ riêng. Về nguyên tắc, công ty này liên hệ công an sẽ được trang bị công cụ hỗ trợ như súng, roi điện, súng bắn hơi cay, súng gây tê... Có những ngân hàng nằm gần chốt công an thì hai bên thoả thuận không chính thức với nhau.

Còn bảo vệ Ngân hàng Nhà nước Tp.HCM đương nhiên phải có súng. Có cả đơn vị công an bảo vệ chốt.

Ra khỏi cửa là hết trách nhiệm

“Chở tiền đi xe máy chỉ có ở Việt Nam”, một người nhận xét. Những vụ cướp tiền trên đường xảy ra cho người đi rút tiền, dường như không ngân hàng nào bận tâm xem mình đóng vai trò gì trong đó. Sau khi giao dịch, ra khỏi cửa là dường như ngân hàng hết trách nhiệm với khoản tiền đó.

Ông Hạnh nói: “Thủ tướng đã có quy định thanh toán không dùng tiền mặt đối với các tổ chức, cơ quan nhà nước, chưa có hạn mức thanh toán bằng tiền mặt đối với cá nhân. Có một số ngân hàng và khách hàng thanh toán bằng tiền mặt khối lượng lớn. Lý do là khách hàng giấu doanh số, không muốn thể hiện trên sổ sách qua ngân hàng. Đây là sự không minh bạch của nền kinh tế tiền mặt. Ngân hàng muốn giữ chân khách nên chiều theo. Việc này chúng tôi không đồng tình”.

Chính khi giao dịch một khoản tiền mặt lớn, ngân hàng và người dân đã vô tình tạo cơ hội cho cướp. Ra khỏi ngân hàng mà cầm một túi tiền to thì khác gì “lạy ông tôi ở bụi này”.

Theo ông Hạnh, khuynh hướng là làm sao sử dụng cheque nhiều, thẻ nhiều, chứ không thể chở từng bao tiền mặt đi. Có ngân hàng có dịch vụ chở tiền đến tận nhà khách hàng. Nhưng với tình hình kẹt xe như hiện nay, có nhiều khách hàng nên vài ngân hàng không đủ điều kiện để phục vụ từng người.

Hiện chưa có quy định nào đối với giao dịch rút tiền mặt của người dân, nghĩa là người dân muốn rút tiền mặt bao nhiêu cũng được, chỉ phải thông báo cho ngân hàng trước vài ngày để chuẩn bị lượng tiền mặt.

* Nghị định Chính phủ số 81/1998/NĐ-CP ban hành về đúc tiền, bảo quản, vận chuyển và tiêu huỷ tiền giấy, tiền kim loại; bảo quản, vận chuyển tài sản quý và giấy tờ có giá trong hệ thống ngân hàng.

Chương IV, Điều 16:

1. Bộ Công an có trách nhiệm tổ chức lực lượng bảo vệ an toàn các chuyến vận chuyển tiền, tài sản quý và giấy tờ có giá của Ngân hàng Nhà nước khi được yêu cầu phối hợp.

2. Nghiêm cấm các trạm kiểm soát, các đội tuần tra cơ động khám xét dọc đường đối với xe và các phương tiện vận chuyển chuyên dùng đang làm nhiệm vụ vận chuyển tiền, tài sản quý và giấy tờ có giá của Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng; trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

3. Các cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm cấp giấy phép ưu tiên cho các phương tiện làm nhiệm vụ vận chuyển tiền, tài sản quý và giấy tờ có giá của Ngân hàng Nhà nước để đi trong giờ cao điểm, qua các cầu phà và vào các đường cấm.