23:08 02/08/2007

Ngân hàng cổ phần: Mở rộng để bứt phá

Minh Đức

Khối ngân hàng cổ phần đang tăng cường mở rộng mạng lưới để bứt phát trước khối quốc doanh và nước ngoài

Hiện Techcombank đã có 109 điểm giao dịch trên cả nước.
Hiện Techcombank đã có 109 điểm giao dịch trên cả nước.
Khối ngân hàng cổ phần đang tăng cường mở rộng mạng lưới để bứt phát trước khối quốc doanh và nước ngoài.

Từ đầu năm đến nay, bình quân mỗi tuần có không dưới 5 thông báo lập điểm giao dịch, chi nhánh mới của các ngân hàng thương mại, tập trung ở khối cổ phần. Đây là cuộc đua thực sự bên cạnh chất lượng dịch vụ và công nghệ.

Trao đổi với VnEconomy, ông Đặng Bảo Khánh, Giám đốc Trung tâm thanh toán và Ngân hàng đại lý Ngân hàng Kỹ thương Techcombank, cho rằng khối cổ phần đang nắm cơ hội mở rộng để bứt phá trước khối quốc doanh và các ngân hàng nước ngoài.

Techcombank vừa chính thức vượt mốc 100 điểm giao dịch. Ông nói gì về con số này?

Hiện Techcombank đã có 109 điểm giao dịch trên cả nước. Có nghĩa là riêng trong 6 tháng đầu năm, Techcombank đã mở mới hơn 20 điểm giao dịch, tạo điều kiện cho khách hàng bán lẻ tiếp cận với dịch vụ của mình. Theo kế hoạch, năm 2007 chúng tôi sẽ mở khoảng 40 điểm giao dịch mới, nâng con số trên lên 120 điểm.

Con số đó là mục tiêu hay là áp lực từ sự mở rộng của các ngân hàng khác?

Chúng tôi muốn trở thành một trong những ngân hàng bán lẻ hàng đầu Việt Nam. Theo chúng tôi, nếu thị trường phát triển với tốc độ 30-40%/năm và bản thân Techcombank và một số ngân hàng bạn phát triển nhanh hơn nữa thì áp lực cạnh tranh còn chưa lớn lắm.

Ngược lại, miếng bánh thị trường ngân hàng Việt Nam đang có dấu hiệu tăng trưởng vượt bậc, thậm chí bùng nổ. Như vậy, đây là một cơ hội lớn để cho các ngân hàng, đặc biệt là khối cổ phần hàng đầu bứt phá, phát triển mạng lưới, cơ sở khách hàng trong khi các ngân hàng nước ngoài và khối quốc doanh còn chưa sẵn sàng.

Mặt khác, các ngân hàng đều phải phấn đấu toàn diện để giữ vững vị thế cạnh tranh, phát triển để giữ chân khách hàng và tăng cường nhận biết thương hiệu. Trong mục tiêu đó, mở rộng mạng lưới là một hướng đi hiệu quả.

Một số ngân hàng mở chinh nhánh mới thường đặt luôn thời hạn phải có lãi. Với Techcombank thì sao?

Đối với các điểm giao dịch mới tại các thành phố lớn, chúng tôi đặt mục tiêu bắt đầu có lãi sau 6 tháng hoạt động. Ngược lại, đối với các địa điểm giao dịch tại các tỉnh, chúng tôi mới có mặt, thời điểm hoàn vốn có thể dài hơn, nhưng chúng tôi đầu tư vào đây nhằm mục tiêu lâu dài và rất tin tưởng vào tiềm năng của các địa bàn mới mở.

Nhân lực ngành ngân hàng đang là một khó khăn, trong khi các ngân hàng liên tục mở rộng mạng lưới. Ông nói gì về vấn đề này?

Đúng là nhân sự trong lĩnh vực ngân hàng đang là vấn đề đau đầu của nhiều ngân hàng, đặc biệt là nhân sự quản lý, cao cấp. Techcombank có một chiến lược toàn diện về phát triển nguồn nhân lực bao gồm các khâu tuyển dụng, đào tạo, tạo môi trường làm việc năng động và chế độ đãi ngộ thoả đáng kết hợp với một lộ trình công danh hấp dẫn đối với các nhân sự chủ chốt.

Ngoài các thành phố lớn, nhân sự không chỉ thiếu mà còn yếu trong một số kỹ năng. Techcombank giải quyết vấn đề này bằng cách tập trung hoá việc xử lý giao dịch về các trung tâm lớn nơi chúng tôi có nguồn nhân lực dồi dào, có đủ kỹ năng, kiến thức và kinh nghiệm.

Ngoài ra chúng tôi còn có một thế mạnh riêng là hợp tác với đối tác chiến lược HSBC. Theo hợp đồng hỗ trợ kỹ thuật, HSBC đang cử những chuyên gia ưu tú đảm đương một số vị trí chủ chốt tại Techcombank mà nhân sự trong nước còn chưa đáp ứng được. Không chỉ đáp ứng nhu cầu trước mắt các chuyên gia này còn có nhiệm vụ chuyển giao công nghệ để nhân viên của Techcombank có thể thay thế được họ trong một vài năm tới.