Ngành du lịch "khát" nhân lực lành nghề, chất lượng cao
Tồn tại khoảng cách khá lớn giữa cung và cầu về đào tạo nguồn nhân lực du lịch chuyên nghiệp và chất lượng cao
Năm 2019, ngành du lịch Việt Nam phấn đấu đón từ 18 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 85 triệu lượt khách du lịch nội địa. Trong đó, Tp.HCM đặt mục tiêu đón 8,5 triệu lượt khách quốc tế, 32,77 triệu lượt khách nội địa. Mục tiêu tăng trưởng cao đặt ra sức ép lớn cho ngành du lịch, nhất là nguồn nhân lực, trong khi thực tế rất "khát" nhân lực lành nghề, chất lượng cao.
Theo các báo cáo của World Economic Forum, chỉ số cạnh tranh chung của du lịch Việt Nam đang được cải thiện khá nhanh, từ vị trí thứ 80/140 quốc gia (năm 2013) trở thành 75/136 (năm 2015) và 67/136 (năm 2017).
"Khát" nhân lực chất lượng cao
Tuy nhiên, nhiều chỉ tiêu lẽ ra được coi là lợi thế của du lịch Việt Nam vẫn chưa được đánh giá cao so với các nước, trong đó có các chỉ tiêu về nguồn nhân lực. Chỉ số chất lượng cạnh tranh về tài nguyên của Việt Nam đạt 4.0/7.0, trong khi chỉ số này Singapore chỉ đạt 2.4 nhưng điểm số chất lượng cạnh tranh của nguồn nhân lực của quốc gia này lại đạt mức 5.6/7.0, còn Việt Nam đạt 4.9/7.0.
Trên diễn đàn "Nguồn nhân lực du lịch Việt Nam 2019" diễn ra tại Tp.HCM mới đây, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch Tp.HCM cho biết, thực tế ngành du lịch đang rất "khát" nhân lực lành nghề, chất lượng cao. Theo Tổng cục Du lịch, mỗi năm toàn ngành cần thêm gần 40.000 lao động nhưng lượng sinh viên chuyên ngành ra trường chỉ khoảng 15.000 người/năm; trong đó chỉ hơn 12% có trình độ cao đẳng, đại học trở lên.
Trong 1,3 triệu lao động du lịch của cả nước chỉ có 42% được đào tạo về du lịch, 38% được đào tạo từ các ngành khác chuyển sang và khoảng 20% chưa qua đào tạo chính quy mà chỉ được huấn luyện tại chỗ.
Tại Tp.HCM đón hàng triệu lượt khách quốc tế mỗi năm và con số này tăng lên hàng năm. Tính đến 2018, có 5.418 hướng dẫn viên du lịch đang hành nghề đã được cấp thẻ, bao gồm 3.146 hướng dẫn viên du lịch quốc tế và 2.272 hướng dẫn viên du lịch nội địa. Tuy nhiên, có tới 30-45% hướng dẫn viên du lịch không đạt chuẩn ngoại ngữ, đặc biệt một số ngôn ngữ như Nhật, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga còn rất hạn chế.
Trong khi thị trường du khách đến từ các quốc gia khác tăng đều qua các năm thì số lượng hướng dẫn viên quốc tế đa dạng ngoại ngữ lại tăng không tương xứng. Điều này tạo ra một rào cản rất lớn cho việc tiếp cận các thị trường tiềm năng cho du lịch thành phố.
Ông Vũ nêu ra thực trạng, nguồn nhân công phổ thông chưa qua đào tạo rất phong phú nhưng tìm kiếm lao động được đào tạo bài bản, đúng ngành nghề, có chất lượng là vấn đề khó khăn. Mặt khác, năng suất lao động còn thấp so với các nước trong khu vực. Cụ thể, năm 2018, ngành du lịch Việt Nam đón 15,5 triệu lượt khách quốc tế, doanh thu cả nước đạt 23 tỉ USD, đóng góp 7,5% vào GDP.
Đây là mức tăng doanh thu ấn tượng, nhưng mỗi nhân lực trong ngành chỉ tạo ra 3.477 USD/năm. Trong khi đó, ở Singapore với số dân gần 5,9 triệu người, mỗi lao động trong ngành tạo ra 47.713USD/năm, gấp 15 lần. Còn ở Thái Lan, mỗi lao động tạo ra 8.369 USD/năm, gấp 2,5 lần.
Dự báo chi tiết nguồn nhân lực
Theo ông Vũ, từ thực tế cho thấy, tồn tại khoảng cách khá lớn giữa cung và cầu về đào tạo nguồn nhân lực du lịch chuyên nghiệp và chất lượng cao, đặc biệt đáp ứng yêu cầu tăng trưởng nhanh trong điều kiện cạnh tranh khu vực và quốc tế ngày càng gia tăng của ngành du lịch. Khoảng cách này không chỉ đơn thuần là số lượng mà quan trọng hơn là chất lượng và bài toán năng suất lao động.
Để góp phần thu hẹp khoảng cách cung-cầu, ông Vũ cho rằng cần giải quyết một số bất cập. Chẳng hạn như các địa phương cần dự báo được chính xác nhất có thể mức độ tăng trưởng của ngành, của các loại hình dịch vụ. Dự báo chính xác nguồn nhân lực cần cho ngành trong 5 năm, 10 năm tới.
Dự báo cần mang tính chi tiết hơn, trong đó đặc biệt lưu ý dự báo cơ cấu lao động trực tiếp và gián tiếp, cơ cấu lao động phổ thông và lao động chất lượng cao. Việc dự báo chi tiết sẽ giúp các cơ sở tổ chức hoạt động đào tạo đáp ứng đúng nhu cầu thị trường, với chiến lược phát triển du lịch của quốc gia, của địa phương, tránh tình trạng thiếu hụt trong vài năm tới.
Bên cạnh đó, cần có giải pháp kết nối "ba nhà": nhà trường, nhà doanh nghiệp và Nhà nước (cơ quản quản lý nhà nước về du lịch).
Theo đề xuất từ ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Công ty Vietravel, cần tính toán việc thành lập trường chuyên về du lịch vì đã xác định là ngành kinh tế mũi nhọn thì có thể qui hoạch một số trường đại học có các khoa du lịch làm nòng cốt cho vùng (tập trung chủ yếu tại các thị trường có du lịch phát triển) để phân bổ và quy hoạch nguồn lực, đầu tư chuẩn cho các khoa du lịch trở thành trường thí điểm.
So với yêu cầu thị trường và thực tế đào tạo hiện nay thì các chương trình đào tạo của Việt Nam nên cần đi sâu hơn vào đào tạo các kỹ năng ngoại ngữ, cập nhật thêm các kiến thức mới theo sự vận động của ngành du lịch thế giới và Việt Nam.
Bên cạnh đó, khuyến khích có cơ chế ưu đãi về cơ sở vật chất cho các doanh nghiệp trong ngành du lịch tự đào tạo nâng cao tay nghề cho nhân viên để đáp ứng nhu cầu khách; tự xây dựng các chương trình đào tạo phù hợp tiêu chuẩn nghề chung.