17:30 05/11/2022

Nghiêm túc rút kinh nghiệm trong điều hành giá và đảm bảo nguồn cung xăng dầu

Thuỷ Tiên

Đây là phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại phiên chất vấn trước Quốc hội chiều ngày 5/11...

Thủ tướng Phạm Minh Chính
Thủ tướng Phạm Minh Chính

Báo cáo một số vấn đề trước khi nhận chất vấn trực tiếp, về công tác điều hành giá và bảo đảm nguồn cung xăng dầu, Thủ tướng cho biết trước tình hình giá xăng dầu thế giới tăng mạnh, Chính phủ đã chủ động kịp thời giảm thuế nhập khẩu xăng dầu theo thẩm quyền và đề xuất Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường 2 lần đối với xăng dầu để giảm giá, hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp.

Đồng thời, Chính phủ cũng đã chủ động chỉ đạo quyết liệt sản xuất của 2 nhà máy lọc hóa dầu trong nước đang vận hành ở công suất tối đa (đáp ứng khoảng 70 - 80% nhu cầu).

Tuy nhiên, thời gian gần đây, do giá và nguồn cung xăng dầu tiếp tục biến động nhanh, chu kỳ ngắn, khó dự báo, chi phí đầu vào tăng; trong khi đó các cơ quan chức năng chậm điều chỉnh định mức chi phí, sử dụng Quỹ Bình ổn giá chưa thật sự hiệu quả, dẫn đến hoạt động kinh doanh khó khăn, gây thiếu nguồn cung tại một số địa phương.

Mặt khác, sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý còn thiếu chặt chẽ, chưa kịp thời ứng phó hiệu quả với diễn biến nhanh, phức tạp của thị trường quốc tế, trong nước.

"Các quy định thiết lập trong tình hình bình thường, nhưng đến khi tình hình không bình thường thì chúng ta phản ứng chính sách chưa kịp thời. Tình hình không bình thường đáng lẽ phải có biện pháp khác thường, nhưng tình hình không bình thường ta vẫn dùng biện pháp bình thường. Cái này Chính phủ sẽ nghiêm túc rút kinh nghiệm", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cho biết, Chính phủ đang chỉ đạo các cơ quan liên quan phản ứng chính sách kịp thời, phối hợp hiệu quả để khắc phục bằng được hạn chế, yếu kém nêu trên, bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong mọi tình huống.

Thời gian tới, Chính phủ sẽ khẩn trương rà soát, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan như Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và 83/2014/NĐ-CP... Trường hợp cần thiết sẽ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép điều chỉnh các loại thuế liên quan.

Ngoài ra, Chính phủ cũng sẽ bảo đảm tính chủ động, linh hoạt, hiệu quả trong quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước; tăng cường phòng chống buôn lậu, đầu cơ xăng dầu và công tác giám sát, kiểm tra, xác định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan để xử lý nghiêm vi phạm theo quy định của pháp luật. Nghiên cứu, thực hiện nâng tổng mức dự trữ quốc gia và tăng cường năng lực sản xuất trong nước.