Người cao tuổi có thể được hỗ trợ nhiều hơn 270 ngàn đồng mỗi tháng
Dự kiến cuối năm nay sẽ trình Chính phủ ban hành mức hỗ trợ mới cho người cao tuổi
Dự kiến cuối năm nay sẽ trình Chính phủ ban hành mức hỗ trợ mới cho người cao tuổi, Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung cho biết tại phiên giải trình sáng 6/8.
Phiên giải trình do Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức, về việc thực hiện chính sách pháp luật đối với người cao tuổi , người khuyết tật.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến 31/12/2018 cả nước có hơn 11,3 triệu người cao tuổi (chiếm 11,95% dân số), trong đó có gần 2 triệu người từ 80 tuổi trở lên (chiếm 17,5% tổng số người cao tuổi), người cao tuổi, người khuyết tật thuộc diện hộ nghèo cao hơn bình quân chung cả nước.
Bộ Lao động - thương binh và xã hội nhận định, dân số Việt Nam đã bước vào thời kỳ già hóa, theo dự báo của Liên hiệp quốc, đến năm 2030, tỷ lệ dân số trên 65 tuổi của Việt Nam sẽ vào khoảng 12,9% và năm 2050 là 23%.
Bên cạnh đó, cả nước có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật từ 2 tuổi trở lên (chiếm khoảng 6,5% dân số), trong đó có 1,03 triệu người khiếm thị, 0,93 triệu người khiếm thính, 1,1 triệu người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng, 5,1 triệu người khuyết tật nhẹ.
Theo báo cáo của Bộ Lao động - thương binh và xã hội thì đời sống người cao tuổi, người khuyết tật còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao so với tỷ lệ hộ nghèo chung của cả nước. Mức trợ cấp xã hội đối với người cao tuổi, người khuyết tật còn thấp, bằng khoảng 30% so với chuẩn nghèo thành thị và 40% chuẩn nghèo nông thôn.
Tại phiên giải trình, hồi âm băn khoăn của một số vị đại biểu Quốc hội về mức hỗ trợ và độ tuổi người cao tuổi được hưởng hỗ trợ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thừa nhận, mức hỗ trợ cơ bản từ ngân sách hiện nay (270.000 đôngv/người/ tháng) đúng là còn thấp.
Ông Dung cũng "hứa" trong thời gian sớm nhất Bộ sẽ đề nghị điều chỉnh. Dự kiến cuối năm nay sẽ trình Chính phủ ban hành mức mới.
"Riêng về độ tuổi được hưởng, tôi cũng cho rằng nếu điều kiện kinh tế xã hội cho phép thì nên giảm xuống là 75 tuổi, nhưng muốn vậy thì phải sửa luật. Theo kế hoạch thì năm 2021 mới sửa luật, vì vậy nếu Quốc hội thấy cần sửa ngay thì có thể ban hành nghị quyết. Có một số đại biểu băn khoăn tại sao chỉ có người cao tuổi không có lương mới được hưởng trợ cấp, tôi xin ghi nhận ý kiến này, nhưng cần tiếp tục nghiên cứu để có phương án hợp lý nhất", ông Dung nói.
Báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh xã hội tại phiên giải trình cũng kiến nghị Chính phủ nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ theo hướng tiếp tục hoàn thiện chính sách trợ giúp xã hội, điều chỉnh mức chuẩn trợ giúp xã hội phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội; tăng cường phân cấp cho địa phương chủ động giải quyết các chính sách cho đối tượng đặc thù; cải cách hành chính; đơn giản hóa hồ sơ, quy trình, thủ tục giải quyết chính sách, tạo môi trường pháp lý, hành chính thuận lợi cho các đối tượng dễ bị tổn thương tiếp cận chính sách.