12:26 13/11/2017

“Người hùng mới” của Viettel ở châu Phi

Nguyễn Hương

Thương hiệu của tập đoàn đến từ Việt Nam không chỉ tăng trưởng nhanh nhất Tanzania mà thế giới cũng hiếm có

“Người hùng mới” của Viettel ở châu Phi  - Ảnh 1.

“Người hùng mới” của Viettel ở châu Phi  - Ảnh 2.

Hơn 3 năm trước, khi Viettel quyết định đầu tư vào Tanzania với tổng số vốn lên tới 800 triệu USD, rất nhiều người lo lắng bởi ba lý do. 

Thứ nhất, đó là thị trường nước ngoài được đầu tư lớn nhất của Viettel đến thời điểm đó. Thứ hai, Tanzania cũng là thị trường nước ngoài lớn nhất mà Viettel đầu tư (dân số tới 55 triệu người). Thứ ba, đó cũng là quốc gia có những đối thủ sừng sỏ nhất thế giới về viễn thông (3 tập đoàn thuộc top 10 toàn cầu: Vodafone, Tigo, và Airtel).

Khi Halotel bắt đầu xây dựng hạ tầng, các mạng di động khác đã đầu tư ở Tanzania từ 6-10 năm. Đặc biệt, một đối thủ sừng sỏ trên thế giới, có chiến lược giá rẻ, tương đồng với Viettel là Airtel (Ấn Độ) đang nằm trong số 3 mạng di động lớn nhất tại đây.

“Người hùng mới” của Viettel ở châu Phi  - Ảnh 3.

Tháng 10/2015, Halotel gây bất ngờ khi khai trương mạng di động chỉ sau một năm xây dựng hạ tầng viễn thông. Thời điểm đó, công ty đến từ Việt Nam đã phủ sóng 90% diện tích dân số Tanzania đang sống, với 2.500 trạm BTS và 18.000 km cáp quang.

Halotel cũng là công ty đầu tiên xây dựng, cung cấp kết nối băng rộng di động tới 3.000 ngôi làng tại Tanzania, vốn chưa từng được kết nối Internet hay viễn thông di động trước đó. Tại quốc gia Đông Phi, Halotel là mạng di động duy nhất phủ sóng 3G toàn quốc.

Và chỉ sau một năm xây dựng, Halotel đã trở thành mạng viễn thông có hạ tầng lớn nhất Tanzania. Thế nhưng, đó mới là phần đầu tiên của sự bất ngờ.

“Người hùng mới” của Viettel ở châu Phi  - Ảnh 4.

Sau 3 tháng kể từ khi cung cấp dịch vụ di động, Viettel Tanzania đạt mốc 1 triệu khách hàng. Đây là tốc độ phát triển nhanh nhất mà Viettel có được trên 10 quốc gia đang kinh doanh thông tin di động và cũng là kỷ lục mà hiếm mạng di động trên thế giới đạt được. 6 tháng sau đó, công ty đến từ Việt Nam vượt ngưỡng 2 triệu khách hàng.

Đến cuối tháng 9/2017, Halotel vượt mốc 3,5 triệu khách hàng và trở thành mạng di động đứng thứ 4 trong số 8 hãng viễn thông đang kinh doanh tại Tanzania.

Trước đây, Viettel Mozambique (Movitel) được mệnh danh là "điều kỳ diệu châu Phi" bởi những thành tựu mà thương hiệu này đạt được về tốc độ phát triển cũng như sự thay đổi đem lại cho quốc gia Đông Phi. 

Giờ đây, Halotel đang nổi lên như một "người hùng mới" bởi sự thay đổi cũng như tốc độ phát triển nhưng ở quy mô lớn hơn (dân số Tanzania lên tới 55 triệu người, còn Mozambique là gần 30 triệu).

“Người hùng mới” của Viettel ở châu Phi  - Ảnh 5.

Vì sao Halotel có thể tạo ra một cú nhảy vọt trong thị trường có những đối thủ sừng sỏ nhất thế giới? 

Câu chuyện của một trưởng làng thuộc bộ lạc Masai nổi tiếng châu Phi có thể lý giải phần nào.

Trước khi Halotel cung cấp dịch vụ viễn thông di động, ông Joseph Leizer, Trưởng làng Ormelili (Kilimanjaro) thường có những chuyến đi kéo dài hàng tháng trời (dẫn đàn gia súc đi rất xa, để tìm kiếm nước và thức ăn) nhưng không thể liên lạc được với gia đình. Lý do đơn giản là những nơi ông Joseph Leizer đến không có sóng di động. 

Và người dân Tanzania ngóng chờ một nhà cung cấp dịch vụ sẵn sàng đầu tư vào cả những vùng nông thôn, dân cư nghèo, sống thưa thớt mà diện tích lại toàn đồi núi.

“Người hùng mới” của Viettel ở châu Phi  - Ảnh 6.

Kể từ khi Viettel Tanzania cung cấp dịch vụ, trong những chuyến chăn gia súc dài ngày, ông Joseph Leizer không còn bị đứt liên lạc với gia đình, bạn bè nữa. Người thủ lĩnh của bộ tộc Masai nổi tiếng đã có chiếc di động với sóng Halotel. 

"Người mua gia súc cũng dễ dàng liên lạc với chúng tôi hơn, công việc kinh doanh thuận lợi hơn", ông Joseph Leizer cho biết.

Một dịch vụ được chờ đón ở những nơi chưa từng có sóng viễn thông không chỉ đem đến cho Halotel khách hàng, nó đem đến sự yêu mến và gắn bó với thương hiệu một cách nhanh chóng.

“Người hùng mới” của Viettel ở châu Phi  - Ảnh 7.

Ngoài cam kết phủ sóng ở 4.000 ngôi làng chưa từng có sóng viễn thông trong 3 năm, Halotel còn cung cấp Internet băng rộng miễn phí tới 417 trường học, 124 UBND, 74 bệnh viện, 131 đồn cảnh sát… Với việc tiên phong phủ sóng ở vùng nông thôn và thực hiện nhiều chương trình xã hội lớn, về viễn thông, Halotel giống như một "người hùng mới" tại Tanzania.

Ở phương diện kinh doanh, công ty đến từ Việt Nam cũng tiến hành những bước đi khác hẳn. Trong khi những hãng viễn thông khác dựa phần lớn vào kênh phân phối truyền thống, Halotel phát triển thêm kênh bán hàng của riêng mình để có thể phủ tới tận các vùng nông thôn xa xôi - nơi mà các đại lý không muốn đến.

Với cửa hàng mở ra tại 26 tỉnh, 200 đội bán hàng, 1.000 trưởng nhóm và hơn 22.000 cộng tác viên, cùng đội ngũ bán hàng online, kết hợp các kênh phân phối truyền thống của đối tác, Halotel cũng nhanh chóng có hệ thống phân phối lớn nhất.

“Người hùng mới” của Viettel ở châu Phi  - Ảnh 8.

Chưa hết. Trong khi các công ty viễn thông khác gặp vấn đề lớn với đăng ký thông tin thuê bao trả trước (phải chụp ảnh, photo giấy tờ tuỳ thân, có chữ ký chính chủ), Halotel đã có giải pháp. 

Đó là ứng dụng đăng ký thông tin thuê bao cá nhân trên smartphone có tên MBCCS dành cho người bán hàng. Nhờ ứng dụng này, người bán có thể chụp ảnh người mua sim, lấy chữ ký và làm đăng ký thông tin cá nhân ở bất kỳ nơi đâu, đồng thời cập nhật luôn vào hệ thống của Halotel…

“Người hùng mới” của Viettel ở châu Phi  - Ảnh 9.

“Người hùng mới” của Viettel ở châu Phi  - Ảnh 10.

Cuối tháng 10/2017, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó tổng giám đốc Halotel và một đồng nghiệp của mình, ông Dương Anh Đức (giám đốc một chi nhánh Halotel tại Tanzania) đại diện cho Viettel sang Barcelona để nhận giải thưởng quốc tế "Doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất khu vực Trung Đông và châu Phi". 

Nhớ lại kỷ niệm của hơn 3 năm trước, khi bắt đầu xây dựng Halotel, ông Dương Anh Đức cũng bất ngờ với chính mình và các đồng nghiệp.

Khi đó, nhiều người Viettel bắt đầu tại Tanzania với "5 không": không biết tiếng bản ngữ, không có trụ sở, không nơi ở, không nhân viên, không nơi đặt trạm thu phát sóng. Mỗi tỉnh chỉ bắt đầu với 2 người Việt Nam, phải tự đàm phán thuê nhà làm trụ sở, cửa hàng, thuê đất dựng trạm… 

Thế nhưng, chỉ trong vòng một năm, những người Việt Nam đến đây đã dựng lên một hạ tầng viễn thông cũng như kênh phân phối lớn nhất Tanzania, vượt qua cả những nhà mạng lừng danh thế giới đã đầu tư từ 6-10 năm.

“Người hùng mới” của Viettel ở châu Phi  - Ảnh 11.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó tổng giám đốc Halotel kể, mặc dù xây dựng hạ tầng thần tốc, nhưng chi phí của Viettel thấp hơn so với các nhà mạng khác ở đây rất nhiều. 

"Chỉ lấy một ví dụ đơn giản, chuyên gia của họ phải ở khách sạn hạng sang hoặc 5 sao, chúng tôi chỉ thuê nhà trọ và anh em ở chung. Trong việc thi công các tuyến cáp quang, dựng cột BTS… Halotel không phải rẻ hơn các mạng khác vài chục phần trăm mà tính bằng vài lần. Nhờ tiết kiệm lớn trong đầu tư, chúng tôi có thể cung cấp dịch vụ với giá rẻ cho người dân Tanzania, cạnh tranh được với hãng rất nổi tiếng về giá rẻ trên thế giới như Airtel", ông Sơn nói.

“Người hùng mới” của Viettel ở châu Phi  - Ảnh 12.

Vị lãnh đạo phụ trách kinh doanh của Halotel nhận xét: "Thị trường càng khó khăn, chúng tôi càng tìm được những cách thức sáng tạo hơn để vượt lên". 

Trở về Tanzania sau khi nhận giải thưởng quốc tế Stevie Awards 2017, ông Nguyễn Văn Sơn hào hứng chia sẻ thông tin mới, cuối tháng 10/2017, Halotel đã vượt Airtel (nhà mạng thuộc top 10 thế giới) để vươn lên vị trí thứ 3 trong số 8 nhà mạng tại Tanzania. "Chúng tôi vừa nhận thêm một giải thưởng quốc tế mới", ông nói.

Nguyễn Hương
Hoàng Công Vinh