08:42 16/06/2023

Nhu cầu giày dép thân thiện với môi trường gia tăng mạnh mẽ

Minh Nguyệt

Theo nghiên cứu mới đây từ IRI và Trung tâm Kinh doanh bền vững NYU Stern, 77% người tiêu dùng tin rằng tính bền vững là quan trọng khi lựa chọn sản phẩm để mua, tăng 8% so với kết quả hồi năm 2021...

Ảnh: Green Queen
Ảnh: Green Queen

Trên khắp thế giới, gần 90% giày dép cũ kết thúc vòng đời ngắn ngủi tại bãi rác. Quá trình làm ra chúng, sử dụng da động vật và nhựa tổng hợp, càng gây sức ép lên môi trường. Hưởng ứng xu thế toàn cầu, không ít thương hiệu trẻ đưa tiêu chí bảo vệ môi trường vào các thể nghiệm chất liệu mới lạ, giàu tính ứng dụng.

Năm 2021, với nỗ lực thúc đẩy xu hướng thời trang “xanh”, thương hiệu giày Andoze đã tung ra dòng sản phẩm giày thể thao được làm từ 98% nguyên liệu có nguồn gốc thực vật - bao gồm mía, bông hữu cơ, tre và rơm rạ. Không chỉ có kiểu dáng bắt mắt, loại giày có trọng lượng nhẹ này còn mang lại cảm giác thoáng khí, mềm mại cho người mang, chống thấm nước hiệu quả, có thể giặt máy và phần trên có thể phân hủy sinh học. 

Ngay sau đó, các chuyên gia tại Đại học California San Diego (Mỹ) cũng cho biết họ đã tạo ra mẫu giày có khả năng phân hủy sinh học chỉ sau 4 tuần ngâm dưới nước. Trước đó, nhóm sáng chế đã mất 8 năm để phát triển một loại nhựa dạng bọt xốp (PU foam) làm từ dầu tảo. Loại nhựa này đã được chứng minh là có khả năng phân hủy nhanh chóng trong phân trộn và đất, cũng như đáp ứng các tiêu chuẩn thương mại để dùng làm phần lót trong dép hoặc lót đế trong giày thể thao. 

Có thể thấy, mục tiêu phát triển bền vững đang trở thành động lực quan trọng để tạo ra những đổi mới đáng chú ý trong ngành công nghiệp sản xuất thời trang cũng như giày dép. Theo đó ngày càng nhiều nhà sản xuất và cung ứng nguyên liệu đã nghiên cứu để cho ra đời những sản phẩm thân thiện với môi trường nhưng vẫn đáp ứng các tiêu chí về giá cả và mẫu mã đẹp của người tiêu dùng.

Giày Andoze được làm từ 98% nguyên liệu có nguồn gốc thực vật - bao gồm mía, bông hữu cơ, tre và rơm rạ.
Giày Andoze được làm từ 98% nguyên liệu có nguồn gốc thực vật - bao gồm mía, bông hữu cơ, tre và rơm rạ.

Bà Minli Zhao - Phó Chủ tịch ngành tiêu dùng, mảng vật liệu chuyên dụng của Tập đoàn BASF, khu vực châu Á - Thái Bình Dương - chia sẻ, trước sự biến đổi của khí hậu đe dọa đến môi trường sống, nhiều thương hiệu cam kết giải quyết các vấn đề liên quan đến hệ sinh thái tự nhiên, đồng thời đưa tính bền vững vào mục đích kinh doanh, quy trình và thông điệp xuyên suốt trong các hoạt động của doanh nghiệp.

Báo cáo tiêu dùng năm 2022 do Lyst - trang thương mại điện tử nổi tiếng quốc tế về lĩnh vực thời trang và phụ kiện có trụ sở tại Anh - công bố cho thấy doanh số bán ra của mặt hàng giày thể thao tự hủy sinh học đã tăng đến 348% so với cùng kỳ năm 2020, trong khi lượng đơn đặt hàng giày dép từ chất liệu tái chế tăng 55%. Cũng theo nội dung báo cáo, cụm từ “giày da thuần thực vật” thu hút lượt tìm kiếm thuộc tốp đầu trên trang chủ Lyst. 

Hàng loạt thương hiệu lớn đang tích cực đầu tư vào trào lưu bền vững, góp phần thúc đẩy hứng thú mua sắm của người tiêu dùng đương đại; tiêu biểu như những mẫu giày thân thiện môi trường hãng Nike, Crocs, Clarks… ra mắt gần đây. Tương tự, mùa hè năm ngoái, Adidas giới thiệu đến công chúng Stan Smith Mylo - thiết kế giày thể thao làm từ Mylo, chất liệu giả da độc đáo có nguồn gốc từ nấm.     

Những đôi giày Blueview có khả năng phân hủy hoàn toàn dưới lòng đất và cả trên đại dương.
Những đôi giày Blueview có khả năng phân hủy hoàn toàn dưới lòng đất và cả trên đại dương.

Song song đó, với khá nhiều tên tuổi mới trong ngành giày dép, bền vững dần được xem như định hướng kinh doanh tất yếu. Đầu năm nay, Blueview - thương hiệu giày thể thao của Mỹ do một giáo sư chuyên ngành sinh học phân tử sáng lập - thậm chí đã vận dụng triệt để khái niệm “bền vững hóa”.

Khai thác công nghệ vật liệu tân tiến, những đôi giày Blueview có khả năng phân hủy hoàn toàn dưới lòng đất và cả trên đại dương. Thay vì dùng nhựa tổng hợp, chất liệu đế giày Blueview là một loại bọt xốp đặc biệt làm từ tảo biển. Thân trên giày, tạo hình bằng công nghệ đan 3D hiện đại, cũng sử dụng chất vải thuần thực vật. 

Tại châu Á, Kibo, công ty khởi nghiệp Hồng Kông chuyên sản xuất giày từ bã táo và các vật liệu tái chế khác như chai nhựa cũng đã có doanh số bán hàng tăng gấp đôi nhờ nhu cầu về giày dép thân thiện với môi trường tăng lên. Natalie Chow, đồng sáng lập và CEO của Kibo cho biết mẫu thiết kế giày đầu tiên của Kibo được làm bằng da tái chế từ những phần da vụn bị loại bỏ ở các nhà máy tiếp tục là sản phẩm bán chạy nhất. Chai nhựa tái chế đã được kết hợp trong lớp lót và dây giày cũng như phần lưới phía trên của giày. Đôi giày này có giá bán 1.060 đô la Hồng Kông (135 đô la Mỹ) trên cửa hàng trực tuyến của Kibo.

“Trong thời kỳ Covid-19, tôi có thể thấy người tiêu dùng ý thức hơn về những gì họ mua và rõ ràng, các vấn đề về môi trường, xã hội và quản trị trở thành chủ đề nóng nhất”, Natalie nói. Kibo đã tăng gần gấp đôi doanh số bán hàng trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2023.

Doanh số bán hàng tăng một phần là nhờ dịch vụ sản xuất giày theo các yêu cầu cụ thể của khách hàng. Hiện Kibo lên kế hoạch mở rộng sự hiện diện ra ngoài Hồng Kông. Giày Kibo sẽ có mặt tại trung tâm mua sắm 313 Somerset ở Singapore trong tháng này và công ty cũng đã làm việc với các nhà phân phối ở Canada.

Giữa năm ngoái, Kibo đã tung ra sản phẩm Apple Kicks, một đôi giày được làm từ bã táo bị ngành công nghiệp đồ uống loại bỏ.
Giữa năm ngoái, Kibo đã tung ra sản phẩm Apple Kicks, một đôi giày được làm từ bã táo bị ngành công nghiệp đồ uống loại bỏ.

Theo SCMP, các nhà sản xuất đang hợp tác chặt chẽ với các công ty công nghệ và vật liệu để phát triển các sản phẩm giày dép kết hợp công nghệ để tạo ra tính bền vững và sự thoải mái. “Nhu cầu về giày dép thân thiện với môi trường đang tăng cùng với xu hướng tiêu dùng xanh. Giày làm bằng vật liệu tái chế và tự nhiên, không liên quan đến động vật, đang ngày càng trở nên phổ biến”, Nicholas Fu, nhà kinh tế thuộc Hội đồng Phát triển thương mại Hồng Kông (HKTDC) nói.

Tương tự ở châu Úc, có cùng góc nhìn về khái niệm bền vững là Orba, một công ty khởi nghiệp đang sản xuất những đôi giày sinh thái không gây áp lực rác thải. Sản phẩm ấn tượng đầu tiên hãng ra mắt, The Ghost, có khả năng tự phân hủy sinh học 100%, đã được kiểm chứng bởi giới khoa học cũng như người tiêu dùng. 

Gillian Boucher, Giám đốc sáng lập Orba cho biết: “Ước tính trên toàn cầu, hàng chục tỉ đôi giày được tạo ra thường niên bằng những loại vật liệu tổng hợp không thể phân hủy. Hằng năm, có hàng tỉ đôi giày bị vứt lại ở bãi rác. Chúng tôi muốn theo đuổi một hướng đi khác trong ngành kinh doanh giày dép bằng việc khai thác chất liệu chọn lọc, thuần tự nhiên và không gây áp lực lên môi trường”.