16:28 01/06/2023

Giày thể thao NFT của Nike mang về doanh thu hơn 1 triệu USD

Băng Hảo

Theo dữ liệu từ Bloomberg Intelligence, doanh thu từ các hoạt động trong metaverse toàn cầu ước tính sẽ đạt 800 tỷ USD vào năm 2024. Càng ngày càng có nhiều thương hiệu cho thấy sự quan tâm của người tiêu dùng đối với tài sản NFT trong thời đại công nghệ số…

Hộp “Classic Remix" và hộp “New Wave" của bộ sưu tập “Our Force 1”. Ảnh: LareClame
Hộp “Classic Remix" và hộp “New Wave" của bộ sưu tập “Our Force 1”. Ảnh: LareClame

Một số nền tảng lớn như Decentraland hay Sandbox hiện đang cho phép người dùng và đối tác xây dựng, giao dịch và kiếm tiền từ tài sản trong thế giới ảo. Ngoài ra, các nền tảng metaverse ngày càng phong phú và kết hợp nhiều yếu tố của công nghệ, bao gồm thực tế ảo, thực tế tăng cường và video. Đây là nơi người dùng có thể thực sự “sống” trong vũ trụ kỹ thuật số.

Vì NFT dễ dàng cung cấp cho các chủ sở hữu những lợi ích độc quyền, nên các thương hiệu cũng sẽ tận dụng điều này để ra mắt các bộ sưu tập capsule hay quyền xem trước những bản phát hành mới nhất, hoặc các thiết kế tùy chỉnh đặc biệt. Điều này giúp thương hiệu có lợi thế xây dựng lòng trung thành với nhóm người khách hàng gắn bó và chịu ít rủi ro về hàng tồn kho hơn, vì giờ đây họ chỉ cần sản xuất hàng tương ứng với số lượng NFT đã mua.

Ý tưởng này đang thu hút sự quan tâm của những người ủng hộ web3. Nic Carter, đồng sáng lập công ty đầu tư mạo hiểm tiền điện tử Castle Island Ventures, đã quảng bá đây là “tương lai của xa xỉ”. Bài đăng của Carter đưa ra giả thuyết về cách các thương hiệu có thể sử dụng NFT để phát hành sản phẩm vật lý.

Nếu trước đó khách hàng đã mua NFT từ thương hiệu, ví tiền điện tử của họ sẽ được “đưa vào danh sách trắng” cho lần ra mắt sản phẩm tiếp theo, và họ được đảm bảo quyền truy cập cho bản phát hành trực tuyến. Khi mua NFT, khách hàng có thể được tặng kèm một phiên bản đeo kỹ thuật số hoặc hỗ trợ AR để đăng trên phương tiện truyền thông xã hội, song song với khả năng yêu cầu sản phẩm vật lý, chẳng hạn, một đôi giày thể thao để họ có thể đi được ngoài đời.

Nike đã mở đợt giảm giá “General Access” cho sản phẩm giày thể thao không thể thay thế đầu tiên được NFT mã hóa.
Nike đã mở đợt giảm giá “General Access” cho sản phẩm giày thể thao không thể thay thế đầu tiên được NFT mã hóa.

Nike có thể coi là mộ trong những thương hiệu tiên phong bắt kịp với cuộc đua metaverse. Từ năm 2021, Nike đã mua lại công ty giày NFT chuyên về phát triển các sản phẩm kỹ thuật số RTFKT. Trước đó, Nike cũng tham gia vào metaverse với việc cho ra mắt một thế giới ảo mô phỏng trụ sở công ty trên trò chơi Roblox Corp. Không gian này có tên là Nikeland, nơi cho phép người dùng sử dụng sản phẩm, trang phục của Nike cho các nhân vật.

Kết quả là tuần trước, Nike đã mở đợt giảm giá “General Access” cho sản phẩm giày thể thao không thể thay thế đầu tiên được NFT mã hóa thông qua nền tảng trải nghiệm Swoosh. Đợt giảm giá bắt đầu từ ngày 15/5 cho các thành viên cộng đồng với mỗi NFT có giá 19,82 USD, được lấy cảm hứng từ năm ra mắt của Air Force 1.

Ban đầu được lên kế hoạch cho ngày ra mắt vào ngày 8/5, Nike đã gặp phải những khó khăn không mong muốn khiến cho việc bán hàng lần đầu tiên được trì hoãn đến một tuần sau đó. Sau đợt bán hàng “First Access”, Nike hứa sẽ bán toàn bộ số NFT còn lại trong kho hàng của mình vào ngày 10/5. Tuy nhiên, công ty cũng đã không giữ được lời hứa của mình, khiến cho đợt bán hàng chung tiếp theo bị trì hoãn đến ngày 24/5.

Bộ sưu tập NFT lần này của Nike sẽ mang tên “Our Force 1” (OF1). Người mua sẽ có hai sự lựa chọn gồm hộp “Classic Remix" và hộp “New Wave", mỗi hộp tương ứng với những thiết kế khác nhau. Theo đó, đây đều là các thiết kế đến từ 4 người thắng cuộc tại cuộc thi do Nike tổ chức nhằm kêu gọi các nhà sáng tạo tham gia đóng góp thiết kế NFT hồi tháng 1 năm nay. Theo tiết lộ của hãng, mỗi NFT sẽ đi kèm với một tệp 3D, thứ mà chủ sở hữu có thể tuỳ biến để “thể hiện phong cách bản thân". Trong tương lai, Nike còn có kế hoạch thêm nhiều tiện ích mới như các sản phẩm trải nghiệm metaverse ngoài đời thực. 

Mặc dù không bán hết hàng như những đợt giảm giá giày thể thao được săn đón thông thường, nhưng Nike cũng đã bội thu khi bán được 72.000 trong tổng số 106.000 NFT, giúp cho công ty có tổng doanh thu lên đến 1,4 triệu đô la. Điều này chứng tỏ thời trang vẫn còn nhiều tiềm năng kỹ thuật số và metaverse chưa được khai thác triệt để, tạo cơ hội cho các thương hiệu tận dụng sức mạnh NFT và có thể mang đến những trải nghiệm mua sắm ảo trong tương lai đầy thú vị.

Nike đã bán được 72.000 trong tổng số 106.000 NFT, giúp cho công ty có tổng doanh thu lên đến 1,4 triệu đô la.
Nike đã bán được 72.000 trong tổng số 106.000 NFT, giúp cho công ty có tổng doanh thu lên đến 1,4 triệu đô la.

Ron Faris, tổng giám đốc của Nike Virtual Studios, chia sẻ: “Chúng tôi đang khám phá những cách mới để kể chuyện và tạo ra sự kết nối trong nỗ lực loại bỏ rào cản và hạn chế của các sản phẩm vật lý”. Nike đã ra mắt bản beta NFT marketplace của mình là Swoosh vào tháng 11/2022. Nền tảng được xây dựng theo hướng như một không gian giáo dục về Web3, đồng thời cũng là nơi mua bán NFT độc quyền của hãng.

Những NFT trên Swoosh còn có thể được mang vào game và trải nghiệm trên nhiều nhân vật khác nhau, Nike cho biết thêm. Bên cạnh đó, gã khổng lồ thể thao cũng cho phép người dùng tự tạo bộ sưu tập NFT của riêng mình và kiếm tiền bản quyền từ việc bán NFT đó.

Các công ty lớn như Nike đang đặt cược lớn vào metaverse và sự gia tăng bùng nổ của NFT. Năm 2021, hãng quần áo thể thao đã gửi 4 yêu cầu đăng ký nhãn hiệu hàng hóa ảo lên Văn phòng Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ. Đối thủ kinh doanh Adidas cũng đang đi theo hướng tương tự. Hai thông báo nổi bật liên quan đến metaverse của Adidas được công bố trong tháng 12/2021. Công ty hợp tác với sàn giao dịch tiền điện tử Coinbase và mua một cốt truyện trong trò chơi metaverse blockchain Sandbox.

Để bảo vệ hàng hóa ảo của mình, Nike cũng từng khởi kiện StockX vì các NFT "Vault"vi phạm nhãn hiệu của hãng và có khả năng gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Đơn kiện ghi nhận StockX đã bán được hơn 500 NFT mang nhãn hiệu Nike.