Phó thống đốc: Sẽ thực hiện nghiêm kết luận đối với ông Trần Bắc Hà
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước phản hồi thông tin liên quan đến sai phạm của ông Trần Bắc Hà và một số cá nhân lãnh đạo BIDV, theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương
Trước câu hỏi của báo giới về trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước đối với những sai phạm của cựu Chủ tịch Ngân hàng BIDV Trần Bắc Hà, Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho hay Ngân hàng Nhà nước đã nhận được thông tin và sẽ thực hiện nghiêm túc theo chỉ đạo của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương.
Hàng loạt vi phạm của lãnh đạo BIDV
Trao đổi với báo chí chiều 2/6, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nhìn nhận, kết luận của cơ quan kiểm tra sẽ giúp BIDV, Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng rà soát lại chính sách, tổ chức thực hiện để đảm bảo hệ thống ngân hàng hoạt động ngày càng lành mạnh hơn.
Trước đó, theo Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cựu Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà và Ban cán sự Đảng ngân hàng này đã có nhiều vi phạm trong quá trình quản lý, lãnh đạo ngân hàng.
Theo đó, Ban Thường vụ Đảng ủy BIDV nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020 đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát, để BIDV có nhiều vi phạm nghiêm trọng mang tính hệ thống trong thực hiện quy chế làm việc, quy định về phân cấp thẩm quyền và quy trình, thủ tục cấp tín dụng, gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm tăng nợ xấu, nhất là các khoản nợ có khả năng mất vốn.
Ngân hàng này cũng để nhiều cán bộ vi phạm kỷ luật đảng và pháp luật nhà nước, bị xử lý hình sự; làm giảm nguồn thu ngân sách, ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh, đến thu nhập, việc làm và đời sống của người lao động.
Theo Uỷ ban Kiểm tra, ông Trần Bắc Hà, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020.
Ông Hà đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, có biểu hiện áp đặt, thiếu dân chủ trong chỉ đạo, điều hành, vi phạm nghị quyết của Ban Thường vụ Đảng ủy về nghĩa vụ, trách nhiệm của người giữ chức vụ trong hệ thống BIDV.
Ông Hà cũng được kết luận vi phạm quy trình, thủ tục, thẩm quyền, quy định về tín dụng trong việc phê duyệt chủ trương, quyết định một số khoản cho vay, bảo lãnh, đầu tư, quản lý nợ, trong đó có việc phê duyệt chủ trương cho vay 4.700 tỷ đồng đối với 12 công ty liên quan đến vụ án xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng.
Uỷ ban Kiểm tra Trung ương khẳng định, những vi phạm của ông Trần Bắc Hà là rất nghiêm trọng, vi phạm của Ban Thường vụ Đảng ủy BIDV nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020 và hai cán bộ thuộc cấp khác là nghiêm trọng, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và Ngân hàng BIDV, gây bức xúc trong xã hội, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.
Ngoài nêu rõ vi phạm "rất nghiêm trọng" của ông Hà, cơ quan kiểm tra yêu cầu Ngân hàng Nhà nước nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm và chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm các tổ chức, cá nhân liên quan đến những vi phạm, khuyết điểm của BIDV.
Ngân hàng Nhà nước cũng cần kịp thời rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định trong lĩnh vực ngân hàng; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức tín dụng.
Yêu cầu chấn chỉnh cho vay tiêu dùng
Cũng tại buổi họp báo, Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng đã phản hồi thông tin về việc thời gian gần đây có nhiều khách hàng tố bị quấy rối việc cho vay tiêu dùng.
Theo bà Hồng, hiện nay văn bản hướng dẫn về cho vay tiêu dùng cho các tổ chức tín dụng, công ty tài chính đã được Ngân hàng Nhà nước ban hành. Vừa qua Ngân hàng Nhà nước cũng đã tiếp nhận thông tin về việc một số công ty tài chính có áp dụng hình thức thu hồi nợ thông qua tín dụng hoặc chuyển khoản để thu lợi.
Ngân hàng Nhà nước đã làm việc với các công ty tài chính yêu cầu chấm dứt ngay việc này và đề nghị rà soát, khắc phục, chấn chỉnh nhân viên, tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ trong việc cho vay tín dụng.
Trong chỉ đạo điều hành, ngày 15/5 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành văn bản chấn chỉnh về vấn đề cho vay tiêu dùng, trong đó có yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật; các đơn vị chức năng của Nhà nước tăng cường công tác thanh tra kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng tiêu dùng.
Đồng thời yêu cầu các tổ chức tín dụng nâng cao công tác cán bộ, tổ chức tập huấn các lớp kỹ năng nghiệp vụ cho nhân viên. Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng sẽ tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan để nắm bắt, xử lý và giải quyết các thông tin khiếu nại, kiến nghị của người dân kịp thời.