18:31 28/08/2017

Quốc gia châu Phi Kenya cấm túi ni lông để cứu môi trường

Bình Minh

Trước Kenya, một số quốc gia châu Phi khác đã cấm túi ni lông, bao gồm Nam Phi, Rwanda và Eritrea

Những chiếc túi ni lông đựng hàng hóa bị vứt bỏ tại một bãi rác ở Kenya - Ảnh: Getty/BBC.<br>
Những chiếc túi ni lông đựng hàng hóa bị vứt bỏ tại một bãi rác ở Kenya - Ảnh: Getty/BBC.<br>
Lệnh cấm túi ni lông đựng hàng hóa đã bắt đầu có hiệu lực ở quốc gia châu Phi Kenya. Điều này đồng nghĩa với việc kể từ ngày thứ Hai (28/8), bất kỳ ai ở nước này bị phát hiện bán, sản xuất, hoặc sử dụng túi ni lông đều có thể bị phạt tới 38.000 USD hoặc lĩnh án tới 4 năm tù giam.

Theo hãng tin BBC, Chính phủ Kenya nói rằng lệnh cấm trên nhằm mục đích bảo vệ môi trường. Trong khi đó, các nhà sản xuất túi ni lông ở Kenya nói 80.000 người sẽ mất việc làm vì lệnh cấm.

Vào hôm thứ Sáu, một tòa án Kenya đã bác bỏ đơn đề nghị đảo ngược lệnh cấm túi ni lông. Ước tính, người dân Kenya sử dụng khoảng 24 triệu túi ni lông mỗi tháng.

Trước Kenya, một số quốc gia châu Phi khác đã cấm túi ni lông, bao gồm Nam Phi, Rwanda và Eritrea.

Lần này là lần thứ ba Kenya nỗ lực nhằm đi tới một lệnh cấm túi ni lông trong vòng 10 năm trở lại đây, nhưng hai lần trước đều thất bại.

Phóng viên Anne Soy của BBC ở thủ đô Nairobi của Kenya nói rằng nhiều người dân ở nước này tỏ ra ủng hộ lệnh cấm. Tuy nhiên, hiện chưa rõ người tiêu dùng Kenya sẽ điều chỉnh thế nào để có thể thích ứng với cuộc sống không có túi ni lông - vật dụng đựng hàng vẫn được phát miễn phí tại các điểm bán lẻ.

Cũng theo lệnh cấm mới, du khách đến Kenya mang theo túi ni lông từ các cửa hiệu miễn thuế sẽ được yêu cầu phải bỏ những chiếc túi này lại sân bay.

Trước khi lệnh cấm chính thức có hiệu lực, Chính phủ Kenya đã đưa ra một thời hạn kéo dài 6 tháng để các bên liên quan thực hiện các điều chỉnh cần thiết. Thời hạn này đã kết thúc vào ngày Chủ nhật (27/8).

Các nhà sản xuất ni lông dùng cho việc bọc các sản phẩm được miễn trừ khỏi lệnh cấm này.

Theo truyền thông địa phương, hầu hết những người bán hàng ở Kenya đều rơi vào thế bị động, dù Chính phủ đã cho thời gian 6 tháng chuẩn bị. Những người buôn bán nhỏ lẻ tại chợ Muthurwa ở Nairobi hiện đều chưa biết dùng loại túi nào để thay thế cho túi ni lông.

Trong phán quyết đưa ra hồi tuần trước, tòa thượng thẩm Kenya bác bỏ đơn kiện của hai công ty nhập khầu túi ni lông đòi tòa đảo ngược lệnh cấm. Tòa án này nói rằng những mối quan ngại về môi trường là quan trọng hơn những lợi ích thương mại.

Các nghiên cứu ở châu Âu cho thấy một chiếc túi giấy phải được sử dụng 3 lần để bù đắp cho lượng carbon sử dụng trong quá trình sản xuất và vận chuyển túi. Trong khi đó, để bù đắp như vậy, một chiếc túi ni lông phải được sử dụng 4 lần, một chiếc túi vải phải được sử dụng 131 lần.