02:12 15/06/2010

Quy hoạch Thủ đô: “Thiếu luận cứ thuyết phục”

Nguyên Phương

Những băn khoăn của TS Nguyễn Viết Thịnh, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội về quy hoạch Thủ đô

TS Nguyễn Viết Thịnh, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội trên diễn đàn Quốc hội - Ảnh: TTXVN.
TS Nguyễn Viết Thịnh, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội trên diễn đàn Quốc hội - Ảnh: TTXVN.
Sáng nay (15/6), Đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ được Quốc hội thảo luận tại hội trường.
 
Từ góc nhìn của nhà địa lý, TS Nguyễn Viết Thịnh, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội rất băn khoăn khi không nhìn thấy định hướng quy hoạch tổng thể mà theo ông, nó phải là gốc cho bất cứ đồ án quy hoạch nào.
 
Ông nói: chúng ta phải hình dung năm 2030 Việt Nam ta như thế nào thì mới quy hoạch được Thủ đô ta thế nào. Rồi phải có quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 làm cơ sở cho Quy hoạch xây dựng Thủ đô chứ. Vì thế, một định hướng quy hoạch tổng thể không thể đi sau đồ án quy hoạch xây dựng được.
 
Thưa ông, là người làm khoa học, lại là công dân Thủ đô, chắc hẳn ông rất quan tâm đến đồ án chung xây dựng Thủ đô vừa được trình bày trước Quốc hội?
 
Ở đây tôi chưa nói đến toàn bộ tài liệu về đồ án này mà ngay bộ phim chiếu cho đại biểu xem khi trình đồ án trước Quốc hội cũng chưa đủ sức thuyết phục. Chỉ riêng hình ảnh điện gió xuất hiện trong đó đã cho thấy một sự tư duy chưa nghiêm túc rồi. Thủ đô lấy đâu ra điện gió và điều kiện tự nhiên cũng không thể làm điện gió được.
 
Còn về các con số về phát triển kinh tế - xã hội trong đồ án thì gần như hoàn toàn không có cơ sở khi mà chỉ nói rằng đến năm nào thì tăng bao nhiêu.
 
Khi anh đưa ra một đồ án quy hoạch thì mọi người nhìn ở mọi khía cạnh khác nhau đều phải thấy thuyết phục chứ, phải nhìn nhiều chiều chứ không thể riêng xây dựng được.
 
Thảo luận tại tổvề đồ án này rất nhiều đại biểu lo ngại việcchuyển trung tâm hành chính lên Ba Vì, vậy ý kiến của riêng ông thế nào?
 
Đây cũng là băn khoăn lớn nhất của tôi. Nếu trung tâm hành chính Quốc gia đặt tại Ba Vì rất có thể Hà Nội không còn được gọi là Thủ đô nữa, dù trung tâm chính trị vẫn ở Ba Đình.
 
Hơn nữa, đặt trung tâm hành chính tại Ba Vì cũng không tạo động lực lắm cho sự phát triển ở khu vực đó. Nếu muốn kéo dân ra bằng cách đó thì cũng không thể kéo được. Vì phải có hoạt động về kinh tế, phải đầu tư vô cùng tốn kém về hạ tầng ngoài hàng rào. Chưa nói tương lai không xa thì Chính phủ sẽ là Chính phủ điện tử.
 
Nhiều vấn đề khác ở đồ án quy hoạch này cũng còn rất lỏng lẻo vì chưa được đặt trong quan hệ tổng thể với vùng đồng bằng sông Hồng và vùng kinh tế trọng điểm. Ngay cả các đô thị vệ tinh cũng chưa được tính kỹ.
 
Thưa, ông băn khoăn về những vấn đề cụ thể nào ở các đô thị vệ tinh?
 
Tôi thấy tiếc quy hoạch Sơn Tây bé quá, chỉ khoảng 18 vạn dân. Trong khi Hòa Lạc tâm của nó là khu công nghệ cao và Đại học Quốc gia Hà Nội mà hoạch định đến 60 vạn dân thì tôi không tin. Bởi đâu có dễ đưa dân về đấy, vì phải liên quan đến sử dụng đất chứ, dân tại chỗ thì đáng bao nhiêu.
 
Các chỉ tiêu về dân số phải liên quan đến thị trường lao động mà phải là lao động công nghệ cao chứ không phải là lao động phổ thông . Con số về lao động là hết sức quan trọng nhưng ở đây không có cơ sở nào để hình dung cơ cấu kinh tế của năm 2030 và dự báo đến 2050; các con số vĩ mô hoàn toàn không đủ thì làm sao có thể thực hiện được mục tiêu về dân số.
 
Có lẽ tư vấn nước ngoài đã không quan tâm đến điều đó. Vì thế tôi không tin là sẽ đạt mục tiêu ở các đô thị vệ tinh.
 
Nhân nói đến tư vấn, ông có tin rằng các nhà tư vấn nước ngoài sẽ đáp ứng được yêu cầu xây dưng Thủ đô hiện đại nhưng vẫn giữ được bản sắc tại đồ án này không?
 
Quy hoạch là việc khó, bên cạnh ý kiến nhân dân thì ý kiến chuyên gia là cực kỳ quan trọng. Trí thức nước mình rất giỏi, phản biện của các nhà khoa học, các kiến trúc sư là rất cần thiết. Chỉ có trí thức Việt Nam mới đảm bảo bản sắc Việt Nam tại quy hoạch này.
 
Xem xét cụ thể bản đồ án thì tôi thấy ở từng góc nhỏ nó có bản sắc nhờ quy định bởi điều kiện địa lý chứ còn nhìn chung thì sơ sài lắm. Bảo tồn một tý thành cổ Sơn Tây, một tý Hoàng Thành thì đâu phải đã đủ. Nếu không nhìn thấy sớm để bảo tồn thì bản sắc sẽ mất đi và không thể lấy lại được.
 
Quy hoạch Thủ đô là vấn đề lớn của quốc gia nên luận cứ phải có tính thuyết phục. Bởi thế, tôi còn nhiều băn khoăn lắm. Như vấn đề đánh giá môi trường phải là đánh giá tác động môi trường chiến lược, hay còn gọi là đánh giá tác động tích lũy, chứ không thể thay vào đó là bản đồ phân vùng bảo vệ môi trường.
 
Thưa ông, bên cạnh những vấn đề nêu trên thì con số 90 tỷ USD cho hạ tầng khung của quy hoạch này có khiến ông băn khoăn như nhiều vị đại biểu khác?
 
Theo tôi thì phải đảm bảo sự hài hòa, không thể có một đô thị thực sự sang trọng nếu không đầu tư thỏa đáng cho vùng ngoại thành, nông thôn. Mới đây tôi có đọc trên báo phát biểu của một đồng chí có trách nhiệm nói rằng Việt Nam không còn là nước nghèo. Điều này thì tôi không tin tý nào cả. Vẫn phải tư duy nước ta là nước nghèo, nên nhiều đại biểu cho là không thể tiêu hoang là có lý.