07:47 29/01/2024

Romania muốn làm đầu mối nhập khẩu vaccine dịch tả lợn châu Phi từ Việt Nam

Chương Phượng

Vụ Hợp tác quốc tế của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết phía Romania bày tỏ mong muốn là đầu mối nhập khẩu vaccine dịch tả lợn châu Phi từ Việt Nam để cung cấp cho cả thị trường châu Âu. Hai bên sẽ đàm phán cụ thể hóa việc mua bán vaccine dịch tả lợn châu Phi…

Đoàn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam làm việc với  đoàn Tổng cục Vệ sinh dịch tễ, Thú y và an toàn thực phẩm quốc gia Romania.
Đoàn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam làm việc với đoàn Tổng cục Vệ sinh dịch tễ, Thú y và an toàn thực phẩm quốc gia Romania.

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Romania của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mới đây, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có buổi làm việc song phương với đoàn Tổng cục Vệ sinh dịch tễ, Thú y và an toàn thực phẩm quốc gia Romania (ANSVSA).

VACCINE DỊCH TẢ LỢN CHÂU PHI DO VIỆT NAM SẢN XUẤT ĐƯỢC QUỐC TẾ QUAN TÂM

Tại buổi làm việc, Trưởng đoàn phía Romania là ông Alexandri Nicolae Bociu - Tổng cục trưởng ANSVSA - Quốc vụ khanh Romania, cho biết quy mô nền nông nghiệp Romania hiện lớn thứ 6 ở châu Âu song quan hệ hợp tác lĩnh vực này giữa hai nước còn hạn chế.

Đặc biệt, xuất khẩu nông sản giữa hai bên còn chưa tương xứng tiềm năng. Hiện tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai quốc gia mới chỉ ở ngưỡng 500 triệu USD, trong đó thương mại nông sản rất thấp. Do đó, cần tăng cường quan hệ hợp tác, thúc đẩy thương mại nông sản giữa hai quốc gia.

Ngài Quốc vụ khanh Romania thay mặt Romania cám ơn Việt Nam đã quyết định tặng cho Romania 10.000 liều vaccine dịch tả lợn châu Phi. Phía Romania đã sẵn sàng nhận số vaccine này và ANSVSA sẽ là cơ quan trực tiếp đứng ra nhận.

Romania mong muốn là đầu mối nhập khẩu vaccine dịch tả lợn châu Phi từ Việt Nam để cung cấp cho cả thị trường châu Âu. Romania cũng tin tưởng sau cuộc họp, hai bên sẽ cụ thể hóa việc nhập khẩu vaccine cho cả thị trường châu Âu.

Theo Ngài Quốc Vụ Khanh Romania, ANSVSA là cơ quan thuộc Chính phủ Romania đặt dưới sự điều hành trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ. ANSVSA quản lý cấp quốc gia tất cả các vấn đề trong lĩnh vực an toàn thực phẩm - từ nguyên liệu tới các vấn đề liên quan tới người tiêu dùng. Cơ quan này chịu trách nhiệm kiểm tra, chuẩn bị dự thảo luật cũng như tiến hành đánh giá rủi ro trong các lĩnh vực gồm: an toàn thực phẩm và an toàn thức ăn chăn nuôi, các chất gây ô nhiễm, dư lượng các sản phẩm bảo vệ thực vật, xuất nhập khẩu các sản phẩm động vật và thực vật, truy xuất nguồn gốc và nhãn mác thực phẩm và thức ăn chăn nuôi biến đổi gien, bệnh lây truyền từ động vật, thuốc thú y và dư lượng, sức khỏe và phúc lợi động vật và kháng kháng sinh.

Về phía đoàn nông nghiệp Việt Nam, trưởng đoàn là Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Trung, cho biết hiện vaccine dịch tả lợn châu Phi do Việt Nam sản xuất đã qua hơn 1,5 năm đưa ra tiêm phòng cho đàn lợn, với khoảng 1 triệu liều đã được sử dụng. Lợn tiêm phòng đều khỏe mạnh và sinh trưởng bình thường, tỉ lệ lợn được tiêm vaccine có đáp ứng miễn dịch sinh kháng thể cao, đạt trung bình trên 95%.

Nhiều quốc gia ở khu vực Đông Nam Á đã nhập khẩu vaccine này từ Việt Nam và phản hồi rất tốt về chất lượng vaccine. Việt Nam hiện có hai công ty có thể xuất khẩu đủ vaccine theo yêu cầu của thị trường Romania. Về khả năng ký kết thỏa thuận hợp tác mới trong lĩnh vực thú y giữa hai nước: Việt Nam đã nhận được đề xuất của phía Romania. Việt Nam sẽ tham vấn các cơ quan liên quan, tiến hành các thủ tục cần thiết theo quy định và hy vọng sẽ sớm thống nhất được với phía Romania.

THÚC ĐẨY GIAO THƯƠNG NÔNG SẢN GIỮA VIỆT NAM VÀ ROMANIA

Ông Alexandri Nicolae Bociu bày tỏ hy vọng Việt Nam cũng sẽ nhập khẩu nhiều hơn các mặt hàng nông sản Romania, do Romania có hệ động thực vật rất phong phú cũng như cây trồng sử dụng ít hóa chất hơn so với các nước khác.

Romania mong Việt Nam xem xét mở cửa thị trường, cấp giấy phép và hướng dẫn quy trình cụ thể để Romania có thể xuất khẩu được các sản phẩm có nguồn gốc động vật và thực vật, trứng, mật ong, thủy sản, ngũ cốc. 

Phía Việt Nam, Thứ trưởng Hoàng Trung cho biết Cục Thú y Việt Nam từ năm 2017 cũng đã thông báo cho phía Romania về các yêu cần đáp ứng cũng như cần thiết phải đánh giá rủi ro đối với các sản phẩm phía Romania có nhu cầu xuất khẩu sang Việt Nam. Hồ sơ phía Romania cung cấp còn chưa đầy đủ và chưa được bổ sung theo yêu cầu. Các yêu cầu cung cấp bổ sung thông tin đã được phía Việt Nam gửi thông qua Đại sứ quán Romania tại Hà Nội. Tháng 1/2024, phía Việt Nam tiếp tục nhận thêm 1 bộ hồ sơ của Romania.

Thứ trưởng Hoàng Trung cho hay việc hoàn thiện hồ sơ được tiến hành càng nhanh thì việc mở cửa thị trường sẽ được khẩn trương xem xét. Về trình tự xem xét: Các vấn đề kỹ thuật liên quan xuất khẩu thịt gà và mật ong của Romania sẽ được xem xét trước, sau đó mới đến thịt lợn, thịt bò. Hy vọng sau khi nhận được đầy đủ thông tin từ phía Romania, Việt Nam sẽ cử đoàn kỹ thuật sang đánh giá cụ thể trên thực địa.

Phản hồi ý kiến của đoàn Việt Nam, ngài Quốc vụ khanh mong phía Việt Nam gửi lại yêu cầu bổ sung thông tin cho phía Romania và ông sẽ là người trực tiếp nhận yêu cầu của phía Việt Nam thời gian tới. Ngài Quốc vụ khanh khẳng định: "Một tuần sau khi nhận được yêu cầu của phía Việt Nam, phía Romania sẽ có phản hồi cụ thể".

Liên quan đến việc xuất khẩu các nông sản khác như ngũ cốc, hoa quả của Romania vào Việt Nam, Thứ trưởng Hoàng Trung thông tin: Theo quy định mới của Chính phủ Việt Nam, cỏ kế đồng đã được loại ra khỏi danh mục đối tượng kiểm dịch thực vật của Việt Nam. Đây là điều kiện thuận lợi đối với xuất khẩu của Romania. 

Bên cạnh đó, Trưởng đoàn Việt Nam mong phía Romania tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi đối với việc xuất khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam vào Romania. “Quan hệ giữa hai nước đang rất tốt đẹp. Điều đó được khẳng định trong cuộc hội đàm giữa hai Thủ tướng vào sáng cùng ngày”, Thứ trưởng Hoàng Trung nhấn mạnh.

Đồng thời, Thứ trưởng Hoàng Trung nhắc lại lời của Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Romania mở cửa thị trường cho các sản phẩm nông, thủy sản như tôm, cá, cà phê, các loại trái cây của Việt Nam. Đề nghị hai bên hợp tác nhiều hơn trong lĩnh vực chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn và ứng phó biến đổi khí hậu; hợp tác trong lĩnh vực lao động, việc làm, giáo dục – đào tạo, văn hóa, du lịch.