10:39 21/02/2012

Sai số thống kê FDI lên tới... 10 tỷ USD

Hoài Ngân

Tình hình thống kê vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam hiện nay đang tồn tại nhiều điểm bất hợp lý

Tình hình thống kê vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam hiện nay đang tồn tại nhiều điểm bất hợp lý.
Tình hình thống kê vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam hiện nay đang tồn tại nhiều điểm bất hợp lý.
Báo cáo “Đánh giá hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp FDI và các biện pháp thức đẩy giải ngân các dự án FDI và các biện pháp thúc đẩy giải ngân các dự án FDI năm 2011”, do Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) thực hiện một lần nữa cho thấy, tình hình thống kê vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam hiện nay đang tồn tại nhiều điểm bất hợp lý.

Khi tiến hành một loạt hội thảo đánh giá hiệu quả hoạt động của các dự án FDI và các biện pháp thúc đẩy giải ngân vốn FDI, VAFIE nhận thấy trong tổng số vốn thực hiện có khoảng 20% vốn trong nước và 80% vốn nước ngoài, trong khi lâu nay Việt Nam chưa có thống kê riêng con số vốn nước ngoài.

Hiệp hội cũng nhận thấy do phương pháp thống kê FDI của Việt Nam khác với thông lệ quốc tế, nên số liệu thống kế FDI không thống nhất với con số của các tổ chức quốc tế, chẳng hạn của Hội nghị Liên hiệp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD).

Theo báo cáo FDI toàn cầu tháng 7/2010 của UNCTAD thì vốn FDI thực hiện tại Việt Nam đến cuối năm 2009 là 44 tỷ USD. Trong khi theo niên giám thống kê của Việt Nam, con số đó là 67 tỷ USD, nếu trừ đi 20% vốn trong nước thì còn 54 tỷ USD, tức là chênh lệch tới… 10 tỷ USD.

Tổng hợp số liệu từ 450 phiếu điều tra của VAFIE cũng cho thấy tỷ lệ vốn giải ngân trên vốn đăng ký đạt 40%, thấp hơn 6,8% so với báo cáo thống kê.

Mặt khác, theo VAFIE, từ khi phân cấp cấp phép đầu tư cho địa phương, Cục Đầu tư nước ngoài không còn nắm được chính xác, kịp thời số liệu, tình hình FDI cả nước, không có con số vốn đăng ký cập nhật cũng như càng không có vốn thực hiện trong từng thời kỳ của cả nước, phân theo ngành kinh tế, nước và vùng lãnh thổ.

Các báo cáo về FDI chỉ dựa trên tư liệu của một số địa phương, ban quản lý các khu công nghiệp - khu chế xuất để suy diễn tình hình cả nước, do vậy thiếu tính thực tế và khoa học, không thể đánh giá đúng thực trạng FDI để đưa ra giải pháp thích hợp.

Vẫn theo VAFIE, những nhược điểm trên đây không chỉ liên quan đến việc thúc đẩy giải ngân vốn FDI, mà quan trọng hơn là hiệu năng quản lý nhà nước đối với FDI để thu hút thêm vốn đầu tư quốc tế theo đúng định hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng vốn và phát triển bền vững.

Hiệp hội này đề xuất rằng để khắc phục các thiếu sót trên, cần chấn chỉnh hệ thống thông tin FDI bằng phương pháp hiện đại, thông qua Internet được nối mạng từ trung tâm thông tin FDI của Cục Đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp FDI, các sở kế hoạch và đầu tư, các ban quản lý khu công nghiệp - khu chế xuất, Ngân hàng Nhà nước và Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế để có được thông tin cập nhật chính xác; qua đó đánh giá đúng diễn biến về thu hút FDI và khi cần thiết, báo cáo với Chính phủ để đề ra định hướng mới thích ứng với tình hình.