Sau động tác thật, Ngân hàng Nhà nước dồn dập mua ròng ngoại tệ
Lượng mua ròng đến đầu tuần này đã khoảng 1,3 tỷ USD, lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh
Cuối tuần qua và đầu tuần này, thị trường ghi nhận Ngân hàng Nhà nước tiếp tục mua vào lượng lớn ngoại tệ. Thêm cung VND, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng giảm mạnh.
Diễn biến trên đến nhanh, sau khi Ngân hàng Nhà nước lần lượt có các bước đi mới trong ứng xử với thị trường.
Cuối tháng 11/2018, sau các đợt bán ra ngoại tệ giao ngay hỗ trợ cung bình ổn tỷ giá USD/VND, trong các ngày 23 và 26/11 Ngân hàng Nhà nước liên tiếp mở bán ngoại tệ kỳ hạn giao cuối tháng 1/2019.
Việc mở bán kỳ hạn trên một mặt mang thông điệp nhà điều hành sẵn sàng tạo cung để đảm bảo giao dịch và cung - cầu thông suốt trên thị trường, mặt khác có tính định hướng khoảng biến động tỷ giá trong ngắn hạn.
Với các thành viên trên thị trường, họ sớm thấy sự có mặt của nhà bình ổn với nguồn cung định sẵn, việc còn lại là cân đối để chủ động kinh doanh.
Và trong đợt mở bán đó, có tới trên 1 tỷ USD các thành viên đăng ký mua ngoại tệ kỳ hạn với Ngân hàng Nhà nước.
Thế nhưng, diễn biến có thay đổi nhanh. Ngay ngày giao dịch đầu tiên năm 2019, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước nâng giá mua vào USD, đưa lên phù hợp với "mặt bằng chung" trên thị trường.
Khi đó, lãnh đạo vụ chuyên trách của Ngân hàng Nhà nước cho VnEconomy biết, bên cạnh yêu cầu nâng giá để phản ánh đúng thị trường thì trong hệ thống có biểu hiện dư cung ngoại tệ, việc điều hành hướng tới khơi thông hợp lý.
Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước nâng giá mua vào, nguồn cung ngoại tệ chảy mạnh và đầu mối này đã mua ròng tới khoảng 1,3 tỷ USD, tính đến đầu tuần này.
Như các đợt mua vào trước đây, nhà điều hành chỉ xét mua từ những tổ chức tín dụng có trạng thái ngoại tệ dương. Điều này cũng góp phần giải thích, trong những phiên vừa qua, dù Ngân hàng Nhà nước mua vào nhưng tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng vẫn có những phiên rơi xuống dưới mốc 23.200 VND - mốc Ngân hàng Nhà nước mua vào.
Về thời điểm, thị trường bước vào mùa cao điểm chi trả cận Tết Nguyên đán, như cả chục năm qua, hoạt động chuyển đổi ngoại tệ sang VND thường thể hiện mạnh quãng này, tạo cung lớn.
Mặt khác, cận Tết cũng là thời điểm mùa kiều hối tập trung chuyển về.
Trùng hợp, thị trường chứng khoán vừa ghi nhận một số thương vụ lớn với nhà đầu tư nước ngoài rót vốn, cũng như hoạt động giải ngân thường thấy ở thời điểm đầu năm.
Nhưng, ở chính sách điều hành, động tác thật của Ngân hàng Nhà nước trong rê dắt tỷ giá USD/VND và cung - cầu trên thị trường đến các hướng mục tiêu, với hai bước chính nói trên, đã có tác động quyết định.
"Quan trọng nhất là nền tảng thị trường của mình tốt. Khi chính sách và việc điều hành tạo được sự tin tưởng, thị trường sẽ có đồng thuận và diễn biến hợp lý", một lãnh đạo vụ chức năng của Ngân hàng Nhà nước nhìn nhận.
Cụ thể như trên, với việc mở bán ngoại tệ kỳ hạn, nhà điều hành tạo chỗ dựa và niềm tin về nguồn cung hỗ trợ. Động tác thật thể hiện ở việc Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng bán sớm hơn 1 tỷ USD đăng ký mua nói trên.
Tuy nhiên, với diễn biến cung thuận lợi vừa qua và hiện nay, các ngân hàng thương mại đã đồng loạt hủy lượng đăng ký mua trên, do họ có thể chủ động từ nguồn trên thị trường với mức giá dễ chịu hơn.
Không những thế, dòng chảy đổi chiều, Ngân hàng Nhà nước trở lại mua ròng lượng lớn ngoại tệ.
Song song, lượng tiền đồng đưa ra mua ngoại tệ hiện nay có tác dụng góp phần điều tiết thanh khoản hệ thống và bình ổn lãi suất VND. Điều này cũng thể hiện ở tín hiệu mới trên thị trường liên ngân hàng.
Cụ thể, song song với hoạt động Ngân hàng Nhà nước mua vào ngoại tệ, lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng từ đầu 2019 đến nay đã giảm mạnh so với cuối 2018.
Cập nhật đến phiên 14/1, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND tiếp tục giảm 0,02 - 0,15 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn so với phiên cuối tuần trước; qua đêm chỉ còn 4,28%/năm, 1 tuần 4,45%, 2 tuần 4,70% và 1 tháng 4,96%.
Những mức lãi suất trên đã giảm mạnh so với vùng 4,9 - 5,5%/năm cuối năm 2018.
Thậm chí trong tuần qua đến đầu tuần này, cân đối các kênh điều tiết cho thấy Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng tiền về từ thị trường.